Nhầm lẫn giữa ‘hành hiệp trượng nghĩa’ và phạm luật

Một người bạn hỏi tôi Lục Vân Tiên đánh cướp cứu Kiều Nguyệt Nga là đúng hay sai?

Cách đây khá lâu, khi trò chuyện với một người bạn học luật, cậu ta hỏi tôi: Theo cậu, Lục Vân Tiên đánh đảng cướp Phong Lai cứu Kiều Nguyệt Nga là đúng hay sai? Tôi bảo “giữa đàng thấy chuyện bất bình chẳng tha”, cứu người là đúng chứ sao lại hỏi đúng hay sai?

Cậu ấy bảo tinh thần nghĩa hiệp của Lục Vân Tiên là đúng, nhưng hành động thì chưa đúng. Giữa một toán cướp với rừng gươm dao, Vân Tiên bẻ cây làm gậy xông vô thì quá liều mạng. Nếu cụ đồ Chiểu không cho anh chàng tài năng võ công cao cường thì có lẽ đã bỏ mạng rồi, vừa không cứu được người đẹp, vừa thiệt thân. Cậu ấy cho rằng, cái tinh thần trượng nghĩa của Lục Vân Tiên là đúng, nhưng tùy thời điểm và hoàn cảnh xã hội mà áp dụng. Nếu như Lục Vân Tiên chần chừ hoặc chạy đi báo quan, thì đám cướp đã đi xa mất dấu rồi. Lục Vân Tiên đâu có điện thoại mà gọi là quan án đến liền? Vì thế buộc lòng anh ta phải liều mình ra tay vì nghĩa. Đây là giá trị mà người xưa đề ra và hướng tới.

Tuy nhiên sau khi hai “hiệp sĩ” ở Sài Gòn bị tên cướp xe máy đâm chết, tôi nghiệm thấy lời nhận xét trên của cậu bạn không hẳn là sai. Công lý và chính nghĩa là những giá trị mà người dân ở xã hội nào cũng đều theo đuổi và hướng tới. Nhưng xã hội mà Lục Vân Tiên sống (chỉ là trong tác phẩm hư cấu) khác xã hội ngày nay nhiều. Chúng ta có luật pháp, mọi hành động của công dân đều phải tuân thủ, ai sai sẽ bị cơ quan chức năng xử lý.

Từ vụ hiệp sĩ qua câu chuyện nhiều người kéo đến nhà “trả thù” thanh niên đạp nữ sinh, tôi cho rằng không thể có chuyện một đám đông người tự cho mình có quyền “trừng trị cái xấu” được. Nếu cảm thấy quá bức xúc và phẫn nộ, có thể tố giác anh ta với cơ quan chức năng. Việc đám đông kéo đến đánh hội đồng vì bức xúc chỉ là ngụy biện. Đám đông không thể tự ý thay cơ quan chức năng “dạy dỗ” hay “trừng phạt” người mà họ cho rằng đã phạm tội được. Như thế là nhầm lẫn giữa “hành hiệp trượng nghĩa” và phạm luật.

Người thanh niên kia nếu nhận hình phạt, thì tòa án phải nhân danh Nhà nước để tuyên án, chứ đâu có nhận án từ “tập thể” hội đồng xét xử?

Trần Hoài

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Đám đông trả thù thanh niên đạp hai nữ sinh

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *