‘Nhập 37 toa xe Nhật cũ là tự chuốc họa vào thân’

Nhập 37 toa xe cũ của Nhật có chút lợi ích trước mắt, nhưng phí bảo trì sửa chữa cực cao và chẳng có lợi cho tương lai đường sắt.

Bộ Giao thông Vận tải mới đây cho biết, về cơ bản không đồng ý nhập 37 toa xe cũ của Nhật theo kiến nghị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Tôi vô cùng đồng tình với quan điểm này, dù thực tế không ít người vẫn ủng hộ việc nhập các toa xe cũ.

Đầu tiên, các toa xe này đã được sử dụng 40 năm – thời gian vận hành quá dài và chẳng ai dám chắc chúng sẽ còn có thể hoạt động được bao lâu nữa. Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy về chi phí bảo dưỡng, bảo trì sau này. Những linh kiện, thiết bị cũ bằng nhựa, cao su, sắt thép hoen gỉ… gần như bắt buộc phải thay thế. Nhưng khi công nghệ sản xuất các toa xe này đã cũ, không còn tồn tại nữa, chúng ta biết kiếm đâu ra phụ tùng để thay?

Cỗ máy cũ lại cồng kềnh nên việc hư hỏng sẽ rất thường xuyên. Chỉ cần các toa xe này hỏng một chi tiết thì có khi phải mất cả tháng, thậm chí cả năm để tìm mua linh kiện. Dù có kiếm được thì cũng phải tốn chi phí cực cao vì nó chẳng khác nào chơi đồ cổ cả. Vài bữa hỏng cái này, phải thay chi tiết khác, liệu chúng ta có kham nổi hay chỉ tự chuốc họa vào thân? Theo tôi, đây chính là lý do cốt lõi để chúng ta không nên nhập những toa xe cũ này của Nhật, cho dù hoàn toàn miễn phí.

Các toa xe của này có thiết kế để sử dụng trên các tuyến đường sắt khổ 1.067 mm của Nhật Bản. Trong khi đó, khổ đường sắt tại Việt Nam lại là 1.000 mm. Như vậy, nếu nhập về, chúng ta sẽ phải hoán cải, thay đổi thiết kế trục để phù hợp với đường sắt trong nước. Điều này sẽ dẫn tới hai hệ quả: thứ nhất, chi phí phải bỏ ra để hoán cải sẽ rất tốn kém; thứ hai, việc thay đổi thiết kế sẽ ảnh hưởng đến độ bền của toa xe vốn đã có tuổi đời 40 năm.

>> ‘Nhập 37 toa tàu cũ chờ hiện đại hóa đường sắt’

Thêm vào đó, theo Luật Đường sắt, việc đăng kiểm phương tiện đường sắt khi đưa vào sử dụng phải còn niên hạn. Nghị định của Chính phủ cũng quy định nếu phương tiện nhập khẩu đường sắt là toa xe thì đã qua sử dụng dưới 10 năm, chở hàng 15 năm. Trong khi các toa xe của Nhật Bản đã 40 năm. Việc quá sử dụng lâu như vậy rõ ràng xét về luật là không thể chấp nhận được. Chẳng có lý do gì để làm ngược lại những quy định đã tồn tại bao lâu nay.

Mặt khác, các toa xe cũ này sử dụng công nghệ khá lạc hậu, không còn phù hợp thời đại, nên sẽ đi ngược với mục tiêu phát triển trong tương lai của ngành đường sắt. Thế nên, tôi rằng thay vì mang những thứ cũ kỹ về nước, chúng ta hãy dành tiền đó nhập những thứ khoa học kỹ thuật mới, hiện đại. Ví du như mở rộng khổ đường sắt, tiến tới phát triển hệ thống tàu cao tốc để phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân. Đó là mới chiến lược dài hơi đúng đắn.

Thay vì học hỏi, tiếp nhận những thứ cũ kỹ, lỗi thời của nước bạn, tôi mong ngành đường sắt sẽ tiếp thu những công nghệ tiên tiến, hiện đại. Như vậy mới có thể sớm thu hẹp khoảng cách trước sự phát triển không ngừng của hàng không.

Hãy cứ dùng tạm tàu trong nước để dồn lực đổi mới toàn diện, bằng không đường sắt vẫn sẽ là nỗi ngán ngẩm kéo dài của người Việt.

Trước đó, ngày 16/10, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) kiến nghị Chính phủ cho phép nhập 37 toa xe cũ được Nhật Bản chuyển giao miễn phí. 37 toa xe loại Kiha 40 và Kiha 48 được Nhật Bản sản xuất giai đoạn 1979-1982 do Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East) sử dụng, hiện đã ngừng khai thác. Dù không mất tiền mua, dự án có tổng vốn đầu tư 140 tỷ đồng, trong đó 40 tỷ đồng phí vận chuyển, 80 tỷ đồng hoán cải và các chi phí khác như đăng kiểm, tư vấn, dự phòng. Tổng vốn do doanh nghiệp tự huy động.

Tùng ĐT

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *