Nhiều sếp Việt thiếu tôn trọng ứng viên xin việc

Trong buổi phỏng vấn xin việc, người nữ quản lý nhìn bộ đồ kiểu sinh viên mà tôi đang mặc rồi thẳng thừng nhận xét với thái độ kỳ thị.

Nhân câu chuyện “Xin việc kiểu ‘bề trên’“, tôi xin chia sẻ một góc nhìn khác từ vị trí của một nhân viên khi đi xin việc để các độc giả có cái nhìn toàn cảnh về câu chuyện giữa người tìm việc và nhà tuyển dụng:

Trước đây, tôi làm việc cho một doanh nghiệp dịch vụ ăn uống do người Hàn Quốc làm chủ. Mỗi ngày, sếp tôi đi kiểm tra cửa hàng với một hình ảnh rất giản dị, đôi khi trông như một người chạy xe ôm chứ không giống lãnh đạo bình thường. Nhân viên chúng tôi đang ăn sáng dở, khi biết sếp tới, ai nấy đều hết hồn, vội vàng dẹp đồ ăn ngay lập tức. Thế nhưng, đáp lại, sếp chỉ cười và kêu “mọi người ăn cho xong đi rồi vào làm việc”.

Sau đó, ông đi vào trong, lấy cây lau nhà ra lau sạch một vết bẩn còn vương trên sàn. Khi vào nhà vệ sinh kiểm tra, thấy không gian sạch sẽ, sếp viết một dòng chữ bằng tiếng Hàn lên gương trong WC có nội dung: “Cố lên các bạn nhé”. Những dòng chữ đó cứ nằm nguyên như vậy suốt từ năm này qua năm nọ.

Có lẽ cũng vì vậy mà nhân viên đi làm trong công ty đa phần đều là những người kỳ cựu, có kinh nghiệm lâu năm, rất ít nhân viên mới, vì mọi người cho dù có lý do riêng, phải xin nghỉ giữa chừng, thì sau khi giải quyết xong xuôi, họ cũng quay lại xin vào làm tiếp.

Sau này, công ty tôi đổi Giám đốc là người Việt. Không lâu, hàng loạt quản lý cấp cao cũng lần lượt xin nghỉ việc, đến nhân viên lâu năm cũng ra đi. Kết quả, gần 80% nhân viên kỳ cựu đã nghỉ hết và thay hoàn toàn bằng các nhân viên mới. Cũng từ đó, tỷ lệ phần trăm thu nhập của mọi người cũng giảm xuống, phàn nàn của khác hàng về thái độ phục vụ của nhân viên, cách làm việc, tay nghề nhân viên… cũng tăng dần lên.

>> ‘Xin việc ở Việt Nam căng thẳng hơn nước ngoài’

Rồi tôi ứng tuyển vào một doanh nghiệp khác. Ngày đi phỏng vấn, tôi mặc đồ sinh viên đơn giản. Thấy vậy, chị quản lý khi đó hỏi một câu mà tôi nhớ mãi đến bây giờ vì cảm thấy mình không được tôn trọng. Chị hỏi: “Tại sao em ốm vậy?” và nhìn tôi với cặp mắt kỳ thị. Thật sự, tôi không biết trình độ quản lý của người đó thế nào, nhưng nhà phỏng vấn hỏi nhân viên một câu thiếu tôn trọng như vậy thì thử hỏi bạn có cảm thấy thoải mái khi đi làm tại tổ chức đó không?

Thay vì làm một công việc đúng chuyên môn, lương cao, nhưng lúc nào cũng bị áp lực vì sếp soi mói, khó ưa, tôi thà chọn một công việc lương thấp một chút, nhưng có một người sếp nhiệt tình, hòa đồng và thấu hiểu nhân viên. Và dĩ nhiên, khi điều kiện làm việc được đảm bảo, hiệu suất của nhân viên cũng sẽ tự khắc được nâng cao hơn.

Đó cũng là cách làm về mặt chiến lược đang được một số công ty tại Nhật Bản mà tôi biết ứng dụng. Ví dụ, họ cho nhân viên mang thú cưng đến công ty để giảm stress trong quá trình làm việc. Tóm lại, nhà tuyển dụng muốn tuyển chọn được một người có năng lực, và giữ chân được những người có kinh nghiệm thì trước tiên phải tôn trọng nhân viên, dù họ ở những cấp bậc thấp nhất.

Chau Leo

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *