Nhiều vợ chồng không ‘sửa chữa’ khi hôn nhân trục trặc

Khi mâu thuẫn vợ chồng được tích tụ ngày qua ngày, thay vì tìm cách hóa giải để gia đình êm đẹp thì nhiều người chọn ly dị.

Một người bạn của tôi không chịu nổi ông chồng ham chơi, lười làm, lười chăm con của mình nên đã quyết định ly dị, sau bao tháng ngày cố chịu đựng để đứa con có đủ cha mẹ. Đây là cặp thứ ba ly dị mà tôi biết chỉ trong hai năm ngắn ngủi.

Vợ chồng tôi tuy có đôi lúc cãi vã rất tức giận nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ly hôn.

Ngày xưa, các thiết bị điện tử như radio, tivi, âm ly bị hư hỏng, người ta sẽ không vội vứt bỏ mà đem đi sửa. Sửa tới sửa lui, sửa đến khi nào thợ sửa điện tử nói rằng nó đã hết đát, bó tay rồi thì mới mua cái mới.

Âu cũng là do ngày xưa kinh tế khó khăn, tiền bạc thiếu thốn, có cái để nghe, để nhìn đã là hơn hàng xóm rồi. Vả lại muốn mua đồ mới cũng không có nhiều lựa chọn hấp dẫn nên ai nấy cũng cố sửa để dùng.

Kinh tế phát triển, đồ điện tử không còn đắt như xưa, mà trở nên rẻ hơn. Nên hôm nay nếu tivi hỏng, người ta có thể dễ dàng vứt nó đi rồi mua cái mới. Với nhiều lựa chọn hơn, cũng như các phương án hỗ trợ tài chính, người ta không phải lo nghĩ nhiều.

>> Khi con cái là ‘vũ khí’ trong mâu thuẫn hôn nhân

Hôn nhân ngày nay cũng vậy. Khảo sát hộ gia đình của năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy: tỷ lệ ly hôn của các gia đình Việt Nam tăng lên so với cùng kỳ năm 2009 (tỷ lệ này tăng lên từ 1,4% lên 2,1%). Theo báo cáo của tòa án, trung bình hàng năm Việt Nam có 600.000 vụ ly hôn, có tới 70% vụ do người phụ nữ đệ đơn.

Xem ra các cặp vợ chồng ngày ngay có xu hướng không chịu đựng nhau nữa. Nếu như các cụ ngày xưa ví sự bền vững của hôn nhân qua câu nói “lấy vợ chứ không phải mua cái áo, cưới vợ rồi thì không được đổi”, thì ngày nay nhiều người có xu hướng sẵn sàng thay cái áo hôn nhân.

>> ‘Muốn kiểm soát tiền vì sợ ly hôn sẽ ra đi tay trắng’

Mặt khác, ngày xưa làm nông, chỉ quanh quẩn ở làng, xã. Người ta khó có cơ hội tiếp cận với người khác giới, để rồi có dịp so sánh vợ người, chồng mình. “Ôi nhìn chồng người ta ga lăng, lịch sử, bảnh bao. Còn nhìn chồng mình vừa cục mịch, vừa gia trưởng, thế có chán không chứ”.

Còn cánh đàn ông nghĩ: “Vợ người ta nhìn trẻ đẹp, ngày nào đi làm về đã mệt, còn phải nghe bà vợ già mắng con chửi chồng. Có chán quá không đi chứ”.

Thế là ai cũng đứng núi này trông núi nọ. Những mâu thuẫn thường ngày được tích tụ dần. Chén dĩa để trong chạn còn đụng nhau kêu to tiếng, huống gì vợ chồng ở với nhau nhiều ngày.

Thế nhưng thay vì dĩ hòa vi quý, vợ chồng nhường nhịn nhau thì ai cũng có cái tôi riêng và cùng nhau xé toạc cái áo hôn nhân. Xem ra mức độ bao dung của các cặp vợ chồng ngày càng mỏng đi.

Việt Hà

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *