Những ác ý về người mổ lợn

Cha mẹ tôi từng làm nghề mổ lợn và buôn bán thịt trong một sạp hàng nhỏ gần các khu công nghiệp ở Đồng Nai.

Trước khi chuyển sang nghề này, gia đình chúng tôi đã chuyển nhà không biết bao nhiêu lần qua những vùng đất trên miền Tây Nguyên nắng và gió, với những ngày tháng miệt mài trên đồng ruộng và nương rẫy cà phê.

Thế nhưng sự sụt dốc trầm trọng của giá cà phê vào đầu những năm 2000 đã làm kinh tế gia đình tôi rớt xuống thời kì cực nghèo. Nếu tiếp tục gắn bó với nghề nông, với rừng núi, với ruộng đồng, gia đình thậm chí lo miếng ăn còn không đủ chứ đừng nói đến chuyện lo cho các con học.

>> ‘Người làm freelance nếu khởi nghiệp sẽ rất dễ thành công’

Vậy là với những đồng tiền ít ỏi từ việc bán nương rẫy, cha mẹ tôi dắt díu bốn đứa con nhỏ vào Đồng Nai kiếm sống với nghề bán thịt heo. Cứ mỗi chiều cuối tuần, trên chiếc xe máy cà tàng, lấm lem bùn đất, cha tôi thường hay len lỏi qua những xóm làng vùng ngoại ô tìm đến những gia đình nuôi heo nhỏ lẻ để mua về làm thịt bán dần.

Vì heo do người dân tự nuôi nên không ăn nhiều cám tăng trọng, không nạp nhiều thuốc, thịt rất thơm ngon. Sạp thịt heo của mẹ tôi rất đông khách, thường mẹ chỉ bán trong buổi sáng là hết hàng.

Cứ thế, nhờ vào sạp thịt này cha mẹ chắt chiu nuôi bốn chị em chúng tôi ăn học. Nhưng nhà tôi làm thịt heo nên cũng có nhiều người nói ra nói vào, rằng việc này là sát hại chúng sinh, sẽ mất đức, mất phúc.

Người ta mua vẫn cứ mua nhưng nói thì vẫn cứ nói. Họ vừa có quyền được ăn thịt heo ngon, ăn thịt heo sạch nhưng vẫn có quyền nói cha mẹ tôi mất phúc.

Mẹ tôi vì chuyện này mà đau khổ và suy nghĩ rất nhiều. Mẹ thường xuyên đi chùa tụng kinh, ăn chay và năng bố thí, giúp đỡ họ hàng. Trong khi mẹ cũng chẳng dư dả gì vì việc nuôi bốn đứa ăn học cũng khá tốn kém.

Mẹ tôi luôn cảm giác như mang trong mình một cục đá tảng, một cái tội như là cha mẹ đã làm những việc không lương thiện. Rồi những năm tháng khó khăn nhất cũng đi qua, chị em chúng tôi lần lượt tốt nghiệp đại học ra trường, đều có công ăn việc làm ổn định.

>> Hai vợ chồng tôi chia tay sau 10 năm cùng làm freelance

Các chị em chúng tôi mỗi người mỗi nghề, mỗi hướng đi khác nhau nhưng đều ít nhiều có những cống hiến cho đất nước và xã hội. Giờ đây cha mẹ tôi đã thanh thản hơn, không còn chịu áp lực kinh tế vì các con đã trưởng thành. Cha mẹ tôi đã không còn làm thịt heo nữa là chuyển sang bán lòng heo nóng phục vụ bà con xóm giềng. Mẹ tôi phần nhiều cũng vơi bớt đi nỗi khổ trong tâm.

Riêng tôi, trong lòng tôi luôn canh cánh một câu hỏi, thế nào là nghề lương thiện và nghề không lương thiện? Cha mẹ tôi lao động bằng sức của mình chứ không hề lấy không của ai một đồng nào. Những người nói cha mẹ tôi không lương thiện chưa từng nuôi con cho cha mẹ tôi một ngày nào. Nếu như không có những người như cha mẹ tôi, ai sẽ là người đứng ra làm kẻ sát sinh để thịt heo cho bà con ăn?

Đỗ Thị Nhàn

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Người làm freelance nếu khởi nghiệp sẽ rất dễ thành công

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *