Những buổi họp phụ huynh để tuyên dương, thu phí

Tôi đi họp phụ huynh nhưng không nắm được điểm mạnh, điểm yếu của con vì cô giáo không được nhận xét riêng lẻ từng học sinh chỗ đông người.

Họp phụ huynh thực ra cũng là cả một câu truyện ly kỳ. Cái thời 8x chúng tôi lớn lên, những năm học phổ thông, nhất là cấp 1 và cấp 2, là độ tuổi nghịch ngợm và nhiều khi dại dột. Ngành giáo dục cũng chưa có nhiều người nghĩ đến những khái niệm như tránh làm tổn thương học trò, tổn thương phụ huynh.

Vì thế, thời ấy, trình tự một cuộc họp phụ huynh luôn bắt buộc phải là nhận xét tình hình học tập của từng em một, theo thứ tự ghi danh trong sổ điểm. Đây là nội dung đáng quan tâm nhất, được các phụ huynh ghi nhớ, rồi về nhà hoặc vênh mặt tự hào, hoặc khóc lóc, “tét đít” con em mình nhiều nhất.

Nhưng bây giờ, người ta quy định là giáo viên không được nhận xét từng em trước một tập thể đông người như thế. Tránh tâm lý so sánh, kích bác vì sợ làm tổn thương học trò. Nghe thì cũng hay và có vẻ hơi… đúng đúng. Nhưng từ đó lại phát sinh thêm vấn đề khác, là chúng tôi dù rất mong được nghe, nhưng cũng không có cách nào để nắm bắt thực sự tình hình học tập của con em mình.

>> Những giảng viên thiếu kiềm chế khi dạy online

Đến buổi họp phụ huynh, cô giáo chủ yếu khoe thành tích của nhà trường, nói những việc chung chung kiểu: trong lớp đa số các em ngoan học giỏi, dù vẫn còn tình trạng abc nhưng giáo viên đã chủ động tich cực xyz nên nói chung là tốt. Tiếp theo đó là các khoản thu – nộp, vì sợ bị phòng giáo dục phê bình nên khoản này cho bác hội trưởng hội phụ huynh đứng ra nói giúp. Thế là xong.

Con tôi học tiểu học, điểm số hàng ngày đã không chấm, tôi rất mong cô giáo dù không chấm thì cũng đánh giá một mức độ nào để tôi nắm được con tôi có nhận thức bài vở thế nào, mà cũng chỉ đoán mò, chủ quan bằng cách quan sát con học ở nhà. Cả kỳ học chỉ có duy nhất một điểm là điểm thi học kỳ. Mà điểm học kỳ thì, nói ra các vị lạ gì, 39/40 học sinh giỏi và xuất sắc, một em khá do có vấn đề về đầu óc bẩm sinh.

Thế thì cũng chịu, thực lực của con tôi ở đâu, con tôi thế mạnh ở phần nào, con tôi có hay làm việc riêng, nói chuyện riêng trong lớp hay không, tôi hoàn toàn không nắm được. Sẽ có người bảo tôi, nếu muốn biết thì gặp riêng cô mà hỏi. Đúng rồi, cách ấy ai chả biết, nhưng có cần phải phức tạp thế không?

Đúng là trước đây có tình trạng, nhận xét riêng từng em mà một số giáo viên không khôn khéo trong cách sử dụng ngôn từ, chỉ vì trách học sinh lười, hư mà mắng sa sả phụ huynh, làm như phụ huynh là học trò của mình. Rồi đúng là cũng có tâm lý so sánh, hơn thua trong chính các phụ huynh và không ai muốn nghe cô nhận xét tiêu cực về con mình, nên ngành giáo dục mới ra quy định mới. Biết cái khó của các thầy cô, biết cái mệt của ngành giáo dục. Nhưng phụ huynh chúng tôi mông lung quá, chán chẳng muốn đi họp phụ huynh nữa vì biết điều mình mong nhất thì chả hề được nghe.

>> Kỷ luật thầy cô để dẹp bạo lực học đường là bạo hành giáo viên

Em gái tôi có con học trường tư thục. Em kể, đi họp phụ huynh bên ấy về cũng đến bực mình. Vì tình trạng cũng như trường công, cô giáo cứ nhận xét chung chung đã đành, nhưng bên trường tư còn kéo dài thời gian bằng cách tổ chức những chương trình ngoài lề, nào là văn nghệ của các con, nào là cho phụ huynh xem những bức tranh các con vẽ lên ước mơ của mình hoặc xem vài sản phẩm sáng tạo khác. Có cả em nhỏ đại diện thuyết minh hùng hồn, mất thêm hai tiếng đồng hồ.

Ừ thì biết việc xem tranh của con, nghe con thuyết minh về ước mơ cũng là cái rất tốt, rất hay, nhưng nếu được thì để vào chương trình khác, chứ sao lại cố ghép vào chương trình họp phụ huynh? Không đúng mục đích lắm đâu.

Tôi nghĩ nếu đi họp phụ huynh chán quá, lần sau nếu chỉ có từng ấy thông tin và cách thực hiện, thì thôi, tôi xin phép báo cô giáo là tôi ốm.

Nguyễn Thị Hương Ngân

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *