Những người an phận với lương 9 triệu đồng

Tôi chuyển công ty vì công việc quá nhàm chán và bây giờ lương gấp ba, trong khi nhiều đồng nghiệp cũ vẫn sống vui với lương 9 triệu đồng.

“Định nghĩa hạnh phúc của mỗi người mỗi khác, không thể ép người khác đi tìm thứ hạnh phúc mà chúng ta mong muốn được. Hồi ở công ty cũ, tôi có nhiều đồng nghiệp rất an phận, họ đều lập gia đình, làm việc ở công ty từ lúc lương 2-3 triệu đồng. Sau gần chục năm họ nhận được 9 triệu đồng mỗi tháng. Họ có con cái, giờ giấc thoải mái, công việc nhàn hạ ít áp lực. Và họ hài lòng với cuộc sống như vậy.

Còn tôi, với nhân sinh quan khác họ, sau một năm không chịu được sự thảnh thơi đó nên đã rời khỏi công ty. Giờ tôi nhận được mức lương gấp 3 lần ở công ty cũ. Thu nhập cao gấp đôi số tiền đồng nghiệp cũ của tôi nhận được sau gần 10 năm cống hiến ở một công ty. Nhưng áp lực mà tôi gánh lên vai mình nhiều vô kể.

Tôi từng tự hỏi tại sau những anh, chị đó có thể làm những công việc lặp đi lặp lại mỗi ngày suốt nhiều năm như vậy? Họ có hạnh phúc không? Giờ đây sau những va vấp của cuộc sống, tôi hiểu ra rằng hạnh phúc tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi người.

Tôi hạnh phúc với mức lương và công việc nhiều áp lực đẩy tôi đi về phía trước. Tôi hạnh phúc vì tiền lương mình làm ra được gửi về nhà, lo cho ba mẹ. Còn đồng nghiệp cũ của tôi, họ hạnh phúc vì sau giờ làm không nghĩ ngợi gì, về nhà và lo cho con cái”.

Độc giả Nguyễn Mỹ Duyên chia sẻ câu chuyện về những người hài lòng và sống vui với mức lương “sống được” ở thành phố sau bài viết Đừng ‘chết năm 25 tuổi nhưng 75 tuổi mới được chôn’.

Trong bài viết, tác giả kể về quá trình phấn đấu, vươn lên từ lúc học tiểu học cho đến khi bắt đầu học đại học và tốt nghiệp, đi làm. Mượn câu chuyện của mình, tác giả có ý phê phán nhiều bạn trẻ chưa thực sự cố gắng trong học tập và làm việc.

Bài viết nhận được nhiều đồng cảm, tuy nhiên một số độc giả cho rằng thật khó để hiểu hoàn cảnh của mỗi người và không thể kêu gọi hay áp đặt người khác theo cách sống của mình. Độc giả có nickname Truthman bày tỏ:

“Ngay từ khi còn nhỏ và cho đến tận bây giờ, trực tiếp hoặc gián tiếp, tôi luôn được người khác dạy bảo rằng tôi phải sống như thế nào cho đúng với quan điểm sống của họ.

Thế nào là thành công? Thế nào là hạnh phúc? Ý nghĩa của cuộc sống là gì? Bạn chỉ sống có một lần hay bạn sống mỗi ngày? Lòng tham của con người là bao nhiêu? Cứ “chạy, chạy, chạy” đến khi nào thì dừng lại? Tôi phải sống theo quan điểm sống của bạn? Tôi sống khác bạn thì tôi sai?

Có rất ít người định nghĩa một cách rõ ràng. Mỗi người mỗi tính cách, mỗi hoàn cảnh… và có cách nhìn khác nhau về cuộc sống.

Vậy nên, hãy tôn trọng sự khác biệt và đừng khuyên bảo khi người khác không cần. Mỗi người đều phải tự lựa chọn và chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình. Vì không ai sống thay ai được, sướng hay khổ, vui hay buồn, tự hào hay hối tiếc, vẫn tùy thuộc vào chính bản thân mình”.

Cuộc sống không chỉ có lao động mà còn nhiều khía cạnh khác. Có người thành đạt nhưng cũng có người chưa thành công. Chính vì sự không hoàn hảo đó nên sẽ không thể nào có định nghĩa tuyệt đối về hạnh phúc tinh thần. Độc giả cuongtran2601 mượn câu thoại trong một vở kịch để nhấn mạnh cuộc sống của mỗi người.

“Nghệ sĩ Thành Lộc, trong vở diễn “Ngôi nhà không có đàn ông”, có một câu thoại: “Mọi người đều cho rằng phải được như người này người kia mới là thành công. Bậy, dì ba đi dạy thấy học trò mình ngoan, dì ba vui. Dì ba thấy con cháu trong nhà sống vui vẻ, dì hạnh phúc”. Câu thoại khiến chúng ta phải suy ngẫm. Trên đời không có cái hoàn hảo, nên cũng sẽ không có định nghĩa cụ thể cho những thứ thuộc về tinh thần.

Tôi đồng ý với quan niệm lên án việc lười lao động của tác giả. Có đói thì ăn mới ngon, có bỏ sức thì mới biết giá trị đồng tiền, Tôi thấy, mỗi người có một cách sống, nên mới gọi là thế giới muôn màu. Cái đúng với người này chưa chắc sẽ đúng với người khác. Cái hợp với mình sẽ là cái tốt nhất

Cuộc sống không chỉ có lao động, mà còn nhiều mặt khác. Nếu ai cũng thành công thì lấy đâu ra người nghèo. Nếu ai cũng muốn làm thầy thì còn thợ đâu để dùng?”.

Độc giả Nhất Chi Mai chia sẻ.

“Nếu gồng mình chạy theo những slogan như thế cũng chỉ là đuổi hình bắt chữ, quơ tay nắm hư không, mộng nối mộng.

Ai đó đã nói: Mỗi người đều có cách sống của riêng mình, chúng ta không cần phải ngưỡng mộ cuộc sống của người khác. Có người ngoài mặt tươi cười rạng rỡ nhưng ẩn trong đó là bao giọt nước mắt. Lại có người nhìn có vẻ cơ cực nhưng kỳ thực họ đang trải qua một cuộc sống rất thoải mái. Có sinh sẽ có tử, song chỉ cần bạn đang có mặt trên đời này, thì phải sống bằng cách tốt nhất. Có thể không có tình yêu, không có đồ hàng hiệu, song không thể không vui vẻ.

Cuộc sống, là một quyển sách vô số chữ, mỗi người có cách đọc của riêng mình. Cuộc sống, là một câu hỏi có nhiều lời giải, mỗi người có đáp án của riêng mình. Cuộc sống, là một tách trà, mỗi người có cách thưởng thức của riêng mình”.

Hữu Nghị tổng hợp

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *