Những người dành cả đời để tiết kiệm

‘Mẹ tôi cả đời lo buôn bán, không dám hưởng thụ vì sợ tốn kém, tất cả chỉ để cuối đời có ba căn nhà thừa kế cho các con’.

Chia sẻ quan điểm về những người sống tiết kiệm, không dám hưởng thụ, độc giả Minh Tam kể lại câu chuyện về người mẹ cả đời chỉ lo dành dụm tiền: “Mẹ tôi là người làm kinh tế chính trong nhà. Mẹ chỉ buôn bán cửa hàng tại nhà, tuy nhiên cực kỳ tiết kiệm, hầu như không thấy đi du lịch bao giờ, ngoài đi về quê. Sau này, khi con cái lớn, tôi khuyến khích mẹ đi du lịch nhưng bà cũng không đi vì sợ tốn kém.

Thậm chí, chúng tôi nói sẽ tài trợ nhưng mẹ cũng không nghe vì sợ tốn kém tiền của con. Tài sản mẹ tôi để lại cho ba đứa con là mỗi đứa một căn nhà (khá tốt so với mặt bằng chung của xã hội). Còn mẹ tôi cứ sống cuộc sống tiết kiệm cho đến khi mất.

Qua câu chuyện của mẹ, tôi thấy rằng không nên quá tiết kiệm mà phải có làm có chơi thì mới là cuộc sống. Nếu bạn làm 10 đồng thì cũng nên tiêu năm đồng, chứ làm mà không dám tiêu thì để làm gì cho khổ? Tất nhiên, mỗi người sẽ có một cách sống khác nhau. Tôi không bài xích cách sống của người khác, nhưng với tôi, sống là phải có hưởng thụ thành quả mình làm ra mới có ý nghĩa”.

Đồng quan điểm, bạn đọc Hoang Anh Vu cũng chia sẻ câu chuyện về người bạn tiết kiệm quá mức: “Tôi có người bạn, cả thời sinh viên, bạn chỉ ăn đúng 8.000 đồng mỗi ngày (ba bữa: sáng, trưa, tối). Đến khi ra trường, bạn vẫn giữ phong cách chi tiêu như vậy, không bao giờ mua quần áo mới trong nhiều năm.

Đám cưới, bạn cũng chỉ đãi năm món, trong đó có ba món từ cá lóc. Nhưng tất cả chúng tôi không ai chê bai gì bạn ấy, vì hiểu, đó là phong cách của bạn. Lương của bạn cũng khá cao, nhưng bây giờ lại thành một trong những người nghèo trong lớp.

Vì quá tiết kiệm, không đi ra ngoài, nên bạn không nhìn thấy cơ hội đầu tư, không dám làm gì để tiền sinh ra tiền, vì sợ mất tiền tích góp. Mỗi cách sống đều có cái hay, cái dở, miễn bạn hài lòng với cách sống của mình, không làm phiền ai, và cũng không để ai làm phiền mình là được”.

>> Người mẹ chắt bóp và cô bạn gái tiêu hoang

“Tiết kiệm là rất tốt nhưng cuộc sống đôi lúc cũng nên hưởng thụ một chút, không phải là phung phí; chỉ đơn giản như thỉnh thoảng thưởng cho mình một bộ đồ mới, một thỏi son mới sau những ngày tháng chăm chỉ làm việc; hay thỉnh thoảng ra ngoài cùng bạn bè ăn ngon một bữa.

Khi còn trẻ, bạn không nên sống quá khép mình, vẫn nên ra ngoài gặp gỡ bạn bè. Người thích đi chơi một tuần tụ tập một lần, bạn không thích thì có thể một tháng một lần. Nhất là con gái, mặc lên người một bộ đồ đẹp, make-up một chút, lâu lâu tụ họp với người hợp gu… sẽ thấy cuộc sống thú vị hơn nhiều”, độc giả Ilmfsm nhấn mạnh.

Nói thêm về mặt tích cực của việc hưởng thụ cuộc sống, bạn đọc Nguyên B khẳng định: “Ngày xưa, tôi cũng rất nghèo. Những năm 2004, tôi đi học đại học, ba mẹ chỉ cho 800 nghìn đồng mỗi tháng, ăn không dám ăn. Lúc ra đi làm, tháng lương đầu tiên tôi được 10 triệu đồng, quý như vàng, nhưng tôi vẫn xin ở lại ký túc xá, vẫn tiết kiệm và chỉ thích đếm số dư tăng lên trong tài khoản. Đến khi được công ty cho đi làm ở nước ngoài, tôi có cơ hội tiếp xúc với những người hiện đại, nhiều tiền, và bắt đầu biết tận hưởng cuộc sống.

Chơi với họ, tôi bắt đầu ăn ở nhà hàng sang trọng, đi du lịch đây đó, thử bao nhiêu là trò vui và học hỏi được rất nhiều thứ thú vị. Tôi cũng thay đổi nhiều từ đó, yêu đời, tự tin hơn, học đàn, đi du lịch, làm đẹp.

Dù tôi có tiêu tiền nhiền hơn, nhưng nhờ những mỗi quan hệ mới, tôi lại kiếm được nhiều tiền hơn, có chồng tốt hơn và cuộc sống của mình thú vị hơn xưa nhiều. Tiết kiệm không phải là xấu nhưng bạn nên một lần trải nghiệm những thứ mới. Hãy là người tiết kiệm thông minh. Thật ra, xài tiền cũng là một dạng đâu tư cho tương lai”.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân bằng giữa tiết kiệm và hưởng thụ, độc giả Đinh văn hậu nhận định: “Nói chung, mỗi người sẽ một phong cách sống, không ai giống ai. Tiền nhiều hay ít cũng giống nhau cả thôi, chết là hết.

Tuy nhiên, cuộc sống ngoài ‘cơm, áo, gạo, tiền”, còn có các mối quan hệ đối nội, đối ngoại. Những thứ này cũng cần cân bằng với chuyện kiếm tiền. Sống trong một tập thể, nếu bạn để mọi người có ác cảm, xa lánh chỉ vì tiết kiệm quá đáng, không quan hệ, giao lưu… thì sẽ thật là một điều tồi tệ”.

Việt Thành tổng hợp

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Tuổi trẻ hưởng thụ, trung niên thất nghiệp

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *