Ô nhiễm không khí – hồn nhiên ‘ăn sạch, hít bẩn’

Nhiều người chi rất tiền tấn để mua thực phẩm sạch, organic, thuốc bổ, thực phẩm chức năng…, nhưng gần như chẳng mấy quan tâm đến chất lượng không khí.

Ở các đô thị lớn, chất lượng không khí ngày càng trở nên tồi tệ, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của mọi người. Tuy nhiên, tôi cho rằng vấn đề này chưa được người dân quan tâm đúng mức.

Hằng ngày, theo dõi các ứng dụng dự báo chất lượng không khí, tôi đều khá hoang mang. Số ngày “xanh” (mức độ an toàn) chỉ đếm trên đầu ngón tay; còn lại hầu hết là mức vàng, đỏ thậm chí là tím – ngưỡng cực kỳ nguy hại. Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội, TP HCM thường được xếp vào nhóm những đô thị ô nhiễm nhất thế giới.

Chúng ta đều biết rằng, ô nhiễm không khí mang lại những hậu quả nặng nề. Tổ chức Y tế thế giới WHO đã cảnh báo, ô nhiễm không khí tác động đến mọi cơ quan trong cơ thể. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) cho biết dù tiếp xúc ngắn hay dài hạn với ô nhiễm không khí đều có thể dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và tử vong sớm.

Trong ngắn hạn, ô nhiễm không khí có thể gây ra các triệu chứng như viêm phổi, kích ứng da, mắt, mũi, họng. Nếu tiếp xúc với các tác nhân này trong dài hạn sẽ dễ mắc các căn bệnh hiểm nghèo như ung thư, bệnh tim mạch, đột quỵ, tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và Parkinson, gây biến chứng tâm lý, tự kỷ và dễ gây cáu gắt.

Hẳn bạn sẽ rất bất ngờ khi các nghiên cứu của WHO đã chỉ ra rằng, mỗi năm có tới bảy triệu người chết do ô nhiễm không khí, gấp nhiều lần tai nạn giao thông và gấp năm lần chiến tranh. Tình trạng ô nhiễm gây tử vong gấp nhiều lần so với các nguyên nhân khác như béo phì (bốn triệu người), rượu (2,3 triệu người) và tai nạn giao thông (1,4 triệu). Hiện trạng đáng báo động này, ngày càng tăng cao và có xu hướng gia tăng hơn nữa trong tương lai.

>> ‘Hơn 100 tỷ đồng rửa đường chỉ giải quyết phần ngọn’

Chúng ta có thể nhịn ăn vài tháng, nhịn uống vài ngày, nhưng không thể nhịn thở vài phút. Trung bình mỗi người trưởng thành sẽ hít thở 16 lần/ phút, mỗi lần khoảng 500 ml không khí. Như vậy, mỗi ngày chúng ta nạp vào cơ thể khoảng 10.000 lít không khí, tương đương khoảng 10 m3 không khí. Với nồng độ bụi mịn khoảng 150 microgam/m3, mỗi ngày chúng ta đã nạp vào cơ thể 1.500 microgam, và mỗi năm là gần 550.000 microgam bụi min, một con số khủng khiếp.

Có một điều khá là buồn cười đang diễn ra ở Việt Nam, đó là, người Việt rất chú trọng đầu tư chăm sóc sức khỏe, nhưng dường như “quên” hẳn những tác hại khủng khiếp từ ô nhiễm không khí. Chúng ta chi rất nhiều tiền để mua thực phẩm sạch, thực phẩm organic, mua nước khoáng đóng chai, mua thuốc bổ, các loại thực phẩm chức năng…, nhưng dường như chưa có sự đầu tư đúng mức để đối phó với ô nhiễm, chứ chưa nói đến chuyện cải thiện chất lượng không khí, ngay cả trong nhà mình.

Nhiều người vẫn hồn nhiên, không đeo khẩu trang, chạy vù vù ngoài đường cả ngày, nhiều nhà không trồng được một vài cây xanh ở ban công, nhiều người mua sắm đủ mọi tiện nghi giải trí, nhưng lại không tậu cho mình một thiết bị làm sạch không khí…

Mỗi người dân đều có thể hạn chế tác hại của ô nhiễm không khí bằng cách hạn chế các tác nhân gây ra bụi mịn, trồng thêm cây xanh trong khuôn viên nhà, sử dụng khẩu trang hay các loại thiết bị làm sạch không khí khác. Hãy tự bảo vệ mình trước tác nhân vô hình nhưng cực kỳ nguy hiểm này. Hãy nhớ, đầu tư cho sức khỏe chính là khoản đầu tư khôn ngoan nhất!

Thìn Lê

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Không dám ra ngoài trời tập thể dục vì Hà Nội ô nhiễm

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *