‘Phạt người không cài Bluezone như với khẩu trang’

Đã đến lúc người Việt cần hạ bớt cái tôi cá nhân của mình xuống, hy sinh chút tiện lợi của bản thân để chung tay chống dịch.

“Xin giải thích một chút về quy định người có smartphone cần cài ứng dụng Bluezone và bật Bluetooth khi đến nơi công cộng, nếu không sẽ bị xử phạt như sau:

Thứ nhất, quy định này áp dụng đối với người dùng smartphone đời mới (điện thoại thông minh). Tất nhiên, một số người dùng smartphone đời cũ sẽ không cài được. Như tôi đang dùng smartphone cổ, giờ hệ điều hành không hỗ trợ cài được, dù vẫn gọi chung là điện thoại thông minh.

Thứ hai, bất kỳ điện thoại nào có Bluetooth cũng đều có thể bật lên để sử dụng ứng dụng mà không liên quan gì đến sóng wifi, 3G, 4G. Bluetooth là công nghệ truyền sóng tầm gần, giúp các thiết bị giao tiếp với nhau ở khoảng cách gần (thường là trong phạm vi 10 mét).

Thứ ba, có thể nói gần như mọi người hiện nay đã dùng smartphone thì đều có kết nối với wifi, 3G, 4G, hoặc 5G. Ngay cả khi bạn không có tiền lắp wifi tại nhà hay đăng ký 3G, 4G thì cũng vẫn có thể kết nối internet được ở bất cứ đâu, khi mạng wifi đã phủ sóng toàn quốc, từ công ty, hàng quán, đến khu vực công cộng…

Thứ tư, khi bạn cài phần mềm Bluezone vào máy thì thiết bị đó sẽ tự bật Bluetooth (trừ khi bạn cố tình tắt kết nối thì mới không có tác dụng nữa). Phần mềm này hoạt động theo cơ chế sử dụng Bluetooth năng lượng thấp nên dù bạn có bật cả ngày cũng không tốn nhiêu pin (tôi bật 24/24h).

Khi bạn đi đâu đó tiếp xúc với người có cài phần mềm thì Bluetooth của hai máy sẽ nhận diện và ghi nhận đã tiếp xúc. Giả sử bạn không có 3G, 4G, 5G hay wifi lúc này cũng không hẳn là vô tác dụng, bởi nếu người kia có cài phần mềm và bị nhiễm virus, được đưa lên hệ thống thì nó sẽ nhận diện là từng tiếp xúc với bạn. Khi đó, cơ quan chức năng sẽ liên hệ với bạn qua số đt bạn đã đăng ký”.

Đó là quan điểm của độc giả Thanh Y ủng hộ quy định phạt người dùng smartphone không cài Bluezone. Theo đề nghị từ Bộ Y tế, người có smartphone cần cài ứng dụng Bluezone và bật Bluetooth khi đến nơi công cộng, nếu không sẽ bị xử phạt. Ngoài ra, người dân có điện thoại thông minh cũng cần cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế để thực hiện khai báo y tế điện tử và sinh mã QR.

Đồng tính với quy định trên, bạn đọc Duchuy24091999 khẳng định: “Cài Bluezone để phát hiện các lần tiếp xúc gần chứ không ai đề cập nó là thuốc hay kháng virus gì cả. Ví dụ hai người mắc Covid-19, trong đó một người có cài Bluezone và một người không thì tốc độ truy vết đã rất khác nhau. Chung quy cũng là vì người ta muốn tốt cho dân, giúp sớm chiến thắng đại dịch để phục hồi kinh tế tạo công ăn việc làm cho dân nên mới quy định vậy. Chúng ta hãy bỏ cái tôi của mình đi”.

>> ‘Tháo khẩu trang vì không tiếp xúc ai’

“Dịch tới chân, nay chỉ cài có cái ứng dụng, chẳng tốn kém, mất mát gì to lớn mà sao nhiều người cứ so đo vậy? Chẳng lẽ chúng ta để dịch lớn hơn nữa rồi mới chịu hợp tác? Mạng sống của con người mới là quan trọng, không nghĩ đến người khác thì cũng hãy nghĩ cho bản thân mình. Nếu tất cả chúng ta biết tự giác, không chủ quan, lơ là ngay từ đầu, không thấy yên ắng là buông, thì dịch đã chẳng bùng phát mạnh như bây giờ. Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chưa bao giờ được công bố là hết dịch cả, nên mọi người hãy cố gắng chung tay”, độc giả Vuvy600 nói thêm.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cài ứng dụng Bluezone và tính khả thi của quy định mới, bạn đọc LAV cho rằng: “Tôi thấy nhiều người chưa suy nghĩ thấu đáo, mới chỉ thấy bị ảnh hưởng đến cá nhân một chút là phản đối ngay.

Thứ nhất, hiệu quả của ứng dụng Bluezone trong việc phát hiện và truy vết dịch bệnh là không phải bàn cãi. Thực tế đã có hàng trăm trường hợp F1, F2 không rõ nguồn lây đã được phát hiện theo phương pháp này. Thế nên, chúng ta không cần bàn nhiều đến tính hữu ích của việc cài và sử dụng ứng dụng này nữa.

Thứ hai, nhiều người biện minh rằng không phải ai cũng có tiền sử dụng 3G để dùng ứng dụng thường xuyên. Có thể các bạn không để ý, nhưng nhiều nhà mạng đã và đang tặng tới 5GB truy cập Internet di động cho người mới đăng ký ứng dụng Bluezone. Bản thân tôi cũng đã được tặng data miễn phí nhiều tuần nay và cảm thấy rất thoải mái khi các tổ chức cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Chưa kể, việc wifi phủ sóng khắp mọi nơi, người ta có thể dễ dàng truy cập Internet ở bất cứ đâu, từ nhà hàng, quán cafe, thậm chí quán cóc bên đường, nên mọi lý do cho rằng việc sử dụng ứng dụng không khả thi hoàn toàn là ngụy biện.

Thứ ba, ứng dụng chỉ phát huy hiệu quả thực sự khi có ít nhất 30 triệu người Việt Nam sử dụng. Nếu có từ 45 triệu người dùng thì hiệu quả sẽ được tối ưu. Việc nhiều người cho rằng Bluezone chưa cho thấy hiệu quả thực tế, chẳng qua là vì số lượng người cài và sử dụng ứng dụng (bật bluetooth thường xuyên) còn quá ít. Chính sự thiếu nhất quán này khiến ứng dụng không phát huy được hết hiệu quả của nó. Vòng luẩn quẩn này biết đến khi nào mới dừng?

Nói tóm lại, đã đến lúc người Việt cần hạ bớt cái tôi cá nhân của mình xuống, hy sinh chút tiện lợi của bản thân để cùng cả nước chung tay chống dịch. Tôi ủng hộ việc phạt nặng những người cố tình không cài và sử dụng ứng dụng. Hành động đó nên coi giống như không đeo khẩu trang khi ra đường vậy.

Hãy nhìn các lực lượng y bác sĩ, chiến sĩ tuyến đầu đang ngày đêm căng mình dập dịch, giấc ngủ cũng không tròn, vậy mỗi người dân chúng ta cũng hãy đóng góp một chút công sức nhỏ bé của mình để cùng tham chiến với Covid. Có như vậy, dịch bệnh mới sớm được đẩy lùi. Tôi làm được thì bạn cũng làm được, phải không?”.

Thành Lê tổng hợp

>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Những biến chủng nCoV mới đã phát tán mầm bệnh nhanh hơn trước. Các y bác sĩ phải chạy đua với tốc độ lây nhiễm hàng trăm ca mỗi ngày. Để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, các cá nhân và doanh nghiệp có thể đồng hành cùng báo VnExpress trong chương trình “Tiếp sức cho tâm dịch”. Xem chi tiết tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *