Phiên âm tên nước ngoài dựa vào tiếng Anh

Mục đích chính của phiên âm là khi đọc lên sẽ biết là ai, nơi nào, vậy nên căn cứ vào ngôn ngữ phổ biến trên thế giới.

Em trai của tôi có một sở thích, đó là sưu tầm các tên “cổ kính” bằng tiếng Việt của các địa danh trên thế giới. Các bạn có thể biết các tên như là Tân Gia Ba, Hoa Thịnh Đốn, Nữu Ước, còn có các tên ít người biết hơn Cựu Kim Sơn, Ba Sĩ Đốn. Đây chính là San Francisco và Boston.

Nguồn gốc các từ này là do các chuyên gia về ngôn ngữ thời Pháp thuộc đã đưa ra. Đó là một quá trình mô phỏng âm thanh của từ gốc đồng thời chọn một cái tên Việt cho có vẻ “đúng” với bản chất của nơi đó.

Hoa Thịnh Đốn là phỏng âm của Washington. Ngoài ra thì chữ Hoa là chỉ hoa lệ, Thịnh là cường thịnh, đọc lên nghe có vẻ kinh kỳ. Đức là từ chữ Deutschland, tên của nước Đức trong tiếng Đức. Chữ Đức vừa mô phỏng âm của “Deutsch”, vừa có nghĩa là đức độ, một tính cách quan trọng của con người và các bậc lãnh đạo đất nước. Cựu Kim Sơn thì ngoài việc mô phỏng âm của San Francisco còn có ý nghĩa là “Núi Vàng Cũ”. San Francisco được thành lập trong cơn sốt vàng, khi người Mỹ đổ nhau về đó để khai thác vàng.

>> ‘Cuồng’ chứng chỉ IELTS

Các tên như Pháp, Anh, Đức đã được dùng rất lâu nên nó đi sâu vào ngôn ngữ Việt, không ai phàn nàn gì cái chuyện “không hiểu”. Mặt khác thì chả ai có thể ngồi đó mà dịch ra cả đống tên riêng của các vị danh nhân, lãnh đạo, nhà khoa học, tác giả… mà sách giáo khoa và cả báo chí cùng các loại hình thông tin khác phải nhắc tới, nhất là khi đa phần người dân đã quen với các tên tiếng Anh.

Bạn có biết tiên sinh Liệt Ninh là ai không? Ai cũng biết Lenin là ai, còn tiên sinh Liệt Ninh thì tôi tình cờ đọc được trong một sách cũ xưa viết hồi thời Pháp thuộc. Còn trong tiếng Nga thì tên của Lenin là Ленин.

Các nước trên thế giới đã quen dùng tiếng Anh của địa danh nổi tiếng, vì vậy nên người ngoài nước Nga thì dùng Moscow. Moscow thật ra cũng là phiên âm theo Anh ngữ của Москва mà thôi. Chẳng qua là vì tiếng Anh phổ biến nên nói Moscow thì ai cũng biết, còn Москва thì chỉ người biết tiếng Nga mới biết thôi.

Nói cách khác, tên riêng và địa danh chẳng qua là để sao cho mà ai đọc lên cũng biết là ai, nơi nào và ở đâu. Tiếng Anh là ngôn ngữ thông dụng nhất nên các địa danh trong tiếng Anh là nhiều người biết nhất, chứ cứ khư khư dùng tên chính gốc thì “có mà méo”, như chữ Moscow/Москва.

Tiếng Việt trong chữ quốc ngữ là tiếng tượng âm dùng chữ Latin, do một nhà truyền giáo người Pháp sáng tác mà ra. Vì vậy việc dùng các tên riêng theo tiếng Anh rất tiện dụng. Việc phiên âm cũng không cần thiết vì ta có thể nhìn chữ Anh mà phát âm theo, đồng thời chấp nhận các lối phát âm xưa đã đi vào ngôn ngữ Việt.

Chữ Mercedes chẳng hạn, đọc phỏng âm theo tiếng Pháp là Mẹc xi đéc-s, còn theo tiếng Anh là Mờ xây đì-s. Dân ta đọc theo tiếng Pháp vì chữ này du nhập từ thời Pháp, người dân đọc theo đã quen thôi.

Có một nguyên tắc trong việc đọc tên riêng mà ở Mỹ người ta tuân theo: đó là các tên riêng được đọc theo yêu cầu của người tên đó. Như tên John thì ai cũng biết đọc thế nào, nhưng tôi đã gặp nhiều tên mà không nhìn vào thì đọc theo âm Anh sẽ khác, còn người mang tên đó yêu cầu khác. Như tôi có người bạn tên Shana, nhìn vào sẽ đọc là “sa na”. Bạn yêu cầu đọc là “so na”, bởi tên của bạn là tên Do Thái, đọc vậy mới đúng.

Việc này, nước ta cũng bị một phen ngơ ngẩn mà chả ai nhớ. Ông huấn luyện viên Riedl lúc mới tới bị truyền thông đọc là “ri ét”, sau ông yêu cầu mới chuyển thành Rít đồ.

Vì vậy ta cứ để các địa danh theo tiếng Anh cho nó thông dụng và đọc theo âm tiếng Anh. Tên riêng thì viết tiếng Anh và đọc theo yêu cầu của họ. Phiên âm ra thì mỗi người một kiểu, lại còn càu nhàu với nhau về chuyện là nên phiên âm theo tiếng Anh hay Pháp hay ngôn ngữ chính gốc. Các từ đã được nhân dân chấp nhận từ lâu thì cứ để yên, như là viết Mercedes và đọc là Mẹc xi đet-s.

>> Luyện thi IELTS tràn lan

Các nước dùng chữ tượng hình, họ bất đắc dĩ phải “dịch” ra tiếng của họ chứ chả lẽ giữa một bài tiếng Hoa mà gõ vào mấy chữ như Macron thì lạc điệu quá. Mặt khác, “dịch” như tiếng Hoa đem tới nhiều hậu quả buồn cười ngoài chuyện “chả ai biết là ai”.

Nói tóm lại, với tên riêng và địa danh nước ngoài thì ta có thể dùng các từ Việt hóa đã được xác định từ lâu, ai cũng rõ như là Pháp, Anh. Các địa danh chưa được dịch ra tiếng Việt thì dùng từ tiếng Anh là tốt nhất vì người dân trên thế giới đã quen, kiểu như ai cũng biết Moscow là đâu.

Những tên không thông dụng hay mới du nhập thì dùng chữ Latin và đọc theo âm phổ biến của nước đó. Như Claude Bernard thì nên đọc theo tiếng Pháp là Clốt Bétna, bởi ông là người Pháp. James thì đọc là “Giêms” theo tiếng Anh, tuy vậy cầu thủ James người Colombia thì nên đọc là Ha mét-s vì tên anh nên đọc theo tiếng Tây Ban Nha, ngôn ngữ của Colombia.

Chuyện phiên âm thực sự không cần thiết vì nó là một sự cố gắng thái quá để bắt các em học sinh đọc sai theo kiểu giống nhau. Einstein thật ra phiên âm là Anh-xtanh là sai, phiên âm “ai-n s-tai-n” thì mới tạm đúng, nhưng mà như vậy thì nhìn vào các em học sinh chả đọc nổi.

>> ‘Người Việt học tiếng Anh lời hơn tiếng Hoa, Hàn’

Câu chuyện này thật ra là một phần tiếp nối buồn cười của các cố gắng “cải cách” tiếng Việt mà các nhà ngôn ngữ cứ tiếp tục theo đuổi trong vô vọng. Ngôn ngữ là của cả dân tộc, của người nói, người dân nói sao thì phải theo vậy, chứ cứ ngồi đó mà bắt buộc thế này thế kia thì nó đi ngược lại quy luật chung của ngôn ngữ.

Tiếng Việt là một sinh ngữ, nó còn sống thì nó sẽ tự chuyện đổi để phù hợp với thời gian, chứ không thể bị uốn éo tùm lum ngược lại tự nhiên được.

Điều này cũng đúng với việc dùng tên riêng hay địa danh của nước ngoài trong tiếng Việt. Người dân quen sao thì cứ để vậy, chỉnh sửa hoài cũng chả ích gì.

Khanh Huỳnh

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *