‘Phụ huynh, học sinh và cả giáo viên đều trăn trở học online’

Trước thềm năm học mới, cả ba chủ thể giáo viên, học sinh, phụ huynh đều có những bối rối về việc học online giữa dịch Covid-19.

Tác giả Quý Nguyễn, có con học lớp 8 ở TP HCM chia sẻ những suy nghĩ và ghi chép sau khi họp phụ huynh online:

Tôi được thông báo của nhà trường tổ chức họp phụ huynh qua ứng dụng Zoom vào lúc 18h để chuẩn bị cho năm học mới. Nhiều phụ huynh lúng túng hỏi han nhau vì đây là lần đầu tiên họp kiểu. Sau đây là những ghi chép và trăn trở của tôi, các phụ huynh khác cũng như giáo viên:

18h bắt đầu buổi họp. Một phụ huynh tranh thủ kể, cả nhà hiện giờ đều đang mắc Covid-19, người cha nằm liệt vì sốt, người mẹ còn khoẻ họp thay, riêng cậu học sinh thì bắt đầu mất vị giác, khứu giác. Người mẹ, dù cố gắng nói cho rõ ràng nhưng cái giọng khàn đục chứng tỏ vẫn còn yếu, chỉ với trách nhiệm làm mẹ mới buộc cô phải cố dự họp

Cô giáo chủ nhiệm cũng thông báo hiện vẫn còn một bé đang ở một mình trong khu cách ly (dù mới 13 tuổi, chuẩn bị vào lớp 8). Cha mẹ cậu cũng bị dương tính nhưng đã khỏi.

Về lịch học của lớp có chút xáo trộn vì một giáo viên bộ môn đã bị nhiễm Covid-19. Thầy giáo dự kiến dạy thay bị kẹt giờ nên cũng không biết môn đó học vào khi nào.

Cuối buổi họp, cô giáo chuẩn bị kết thúc thì một phụ huynh xin được phát biểu. Phụ huynh không đề đạt gì to tát, chỉ mong cô giáo có ý kiến với nhà trường xem lại việc học online. Cô có hai đứa con cùng đi học, đứa lớp trước, đứa lớp sau nhưng chỉ có một thiết bị dùng cho học online. Cô thành thật là gia đình cô quá nghèo, cố cũng chỉ được chừng đó.

Họp xong gần 19 giờ, đến giờ cơm tối nhưng bụng chả thấy đói chút nào, đầu óc cứ luẩn quẩn: Khai giảng năm học mới khi cả thầy cô, phụ huynh và học sinh đều rơi vào tình trạng hết sức bối rối? Liệu chất lượng dạy học có đảm bảo không khi cả ba chủ thể liên quan chẳng ai toàn tâm, toàn ý? Câu hỏi này xem ra không phải dành cho họ nữa, mà phải chuyển cho những người có thẩm quyền ra quyết định.

>>‘Con tôi học online cho có’

Ở một góc nhìn khác, tác giả Navy chia sẻ về độ cần thiết của việc chuẩn hóa bài giảng dạy học online, học từ xa:

Mùa tựu trường lại đến, các bậc phụ huynh lại xưa lo lắng cặp xách, quần áo, học phí cho các con đến lớp thì nay thời buổi dịch bệnh lại phải đối mặt với bài toán nan giải khác: học online.

Mỗi nơi một kiểu, một phần mềm hỗ trợ khác nhau, rồi thầy cô thì người đứng người ngồi, người nói suông, người lại loay hoay với bụt giảng phấn viết, điểm danh ra sao, tiết học kéo dài cỡ nào, bài tập về nhà… đó là cái khó của người ở phố.

Còn những đứa trẻ trót về quê trốn dịch thì giờ làm sao? Có quay lại phố để khai giảng tập trung hay không? Đi làm sao, lên phố ai nuôi? Ở quê thì học tập thế nào? Những nơi cho học tập trung mà phụ huynh thấy không ổn liệu có thể cho con mình học online thêm thời gian được không? Hay những gia đình hay xê dịch những đứa trẻ liệu có kênh nào để học online mà vẫn thi được như người ta không?

Tôi thiết nghĩ tại sao không chuẩn hóa kiến thức phổ thông quốc gia thành hệ thống những bài giảng online để tất cả các em được phép tiếp cận. Ví dụ môn Toán lớp 10 bộ sách nào? 45 tiết học mỗi kì sẽ đi kèm là 45 tiết dạy online cho bộ sách đó. Lưu trữ trên server quốc gia để mọi đối tượng đều có thể tiếp cận phương thức giáo dục từ xa này.

Đó là phổ cập, là một kênh giáo dục mà chúng ta hoàn toàn có thể chuẩn hóa. Các em học sinh theo dõi bài giảng không hiểu hay chưa rõ cũng dễ dàng phản hồi với bạn bè thầy cô nhờ giúp đỡ. Các thầy các cô lúc nào có trách nhiệm giải thích những gì các em chưa hiểu và hệ thống lại kiến thức cho các em.

Ai đó ở vùng xa xôi hay ra nước ngoài không đến trường được vẫn có thể tiếp tục việc học để đủ kiến thức tham gia các kì thi tập trung nhằm đánh giá năng lực học sinh. Tôi nghĩ việc này chúng ta làm được.

Hữu Nghị tổng hợp

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *