Quả bóng trách nhiệm bảo vệ thông tin cá nhân

Kẻ lạ mặt gọi điện yêu cầu mẹ tôi chuyển 500 triệu đồng để trả tiền chuộc, vì tôi đã bị bắt cóc.

Tôi đang làm việc tại văn phòng, điện thoại di động bỗng đổ chuông, người gọi đến là mẹ tôi. Vừa bắt máy, tôi lập tức nhận được một loạt câu hỏi với giọng hoảng hốt của mẹ (gần 60 tuổi): “Con đang ở đâu? Có chuyện gì thế? Con có sao không?”. Không hiểu chuyện gì đang xảy ra, tôi hỏi lại mẹ. Mẹ đáp trong tiếng thở gấp: “Vừa có người gọi cho mẹ, báo là con đang bị bắt cóc, họ nói đúng tên tuổi và nơi làm việc của con, đòi mẹ chuyển ngay 500 triệu đồng mới thả người, nếu không họ sẽ lấy mạng con…”.

Những gì mẹ nói khiến tôi giật bắn mình. “Thế mẹ đã chuyển tiền chưa?”, tôi hỏi lại. May mắn, mẹ tôi chưa làm theo lời đe dọa nặc danh đó và vẫn đủ tỉnh táo để gọi cho tôi xác nhận sự việc. Tôi vội vàng trấn an tinh thần mẹ, giải thích rằng bản thân hoàn toàn bình thường, không bị ai làm hại, và rằng đó chỉ là những kẻ xấu muốn lừa đảo mẹ.

Kết thúc cuộc điện thoại với mẹ, tôi bần thần mất hồi lâu, trong đầu hiện lên một loạt câu hỏi: Tại sao những kẻ đó biết rõ thông tin cá nhân của tôi đến thế? Tại sao chúng biết tới tận số điện thoại của mẹ tôi, về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình tôi? Ai là người đã tiết lộ thông tin của tôi hay đã để lộ những thông tin ấy? Nếu tôi bận họp, không kịp thời bắt máy của mẹ, không biết chuyện sẽ còn đi xa tới đâu? Tất cả khiến tôi càng thêm lo lắng cho sự an toàn của bản thân và những người trong gia đình.

>> Dùng điện thoại ‘cục gạch’ để tránh bị hack tài khoản ngân hàng?

Nhiều người đã gặp phải những vụ việc lừa đảo như vậy, nhưng không phải ai cũng đủ bình tĩnh, tỉnh táo để không rơi vào cái bẫy được giăng sẵn. Nhiều người đã mất số tiền lớn khi tin lời những kẻ tự xưng là công an, cán bộ điều tra, Cục thuế, nhân viên ngân hàng… Rõ ràng, đây không chỉ là vấn đề cảnh giác của người dân. Bởi chúng ta không thể phó mặc toàn bộ những chuyện này cho những nạn nhân vô tội, họ không đủ sức tự bảo vệ mình trước tội phạm.

Những vụ việc thế này xảy ra như cơm bữa, báo chi liên tục đưa tin, công an liên tục triệt phá những cá nhân, hội nhóm lừa đảo theo hình thức này, nhưng mọi chuyện có vẻ vẫn chưa được giải quyết triệt để. Chúng ta chủ yếu vẫn chỉ lần theo, đuổi theo tội phạm sau khi chúng đã thực hiện trót lọt các phi vụ, chứ chưa có cách nào ngăn chặn chúng ra tay ngay từ đầu.

Đó là trách nhiệm của những nhà quản lý, các tổ chức liên quan và của cơ quan công quyền. Vấn đề là chúng ta đã có những hành động nào để bảo vệ người dân vô tội, hay vẫn chỉ loanh quanh tuyên truyền nâng cao ý thứ tự phòng vệ chung chung, trong khi các chiêu trò của tội phạm lừa đảo ngày càng tinh vi và khó lường.

Chúng ta cũng thiếu những chế tài quản lý thông tin cá nhân của công dân, cũng như chưa xử nghiêm hành vi mua bán, để lộ thông tin của người khác. Nếu như mức phạt cho hành vi này vẫn chỉ loanh quanh ở mức phạt hành chính 50 đến 100 triệu đồng như hiện tại, tình hình có lẽ còn lâu mới kiểm soát được. Bởi sẽ chẳng có người dân bình thường nào đủ sức giám sát, ngăn chặn việc các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng các thông tin mình đã đăng ký.

Cuối cùng, đó là vai trò, trách nhiệm của các nhà mạng trong việc quản lý thuê bao rác và các ngân hàng trong quy trình mở tài khoản ảo. Đây chính là những đầu mối quan trọng, tạo nên những kẻ hở chết người, giúp tội phạm lừa đảo tận dụng để lộng hành suốt thời gian qua. Chỉ có sự phối kết hợp từ nhiều phía, chúng ta mới phong tỏa hết đường sống của tội phạm lừa đảo. Đừng chỉ coi đây là quả bóng trách nhiệm đá qua đá lại giữa các bên để rồi người dân luôn phải lãnh chịu hậu quả.

Bảo Quốc

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Nhà mạng phải diệt SIM rác thay vì bắt người dùng nhập số CMND

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *