‘Quá khó để người trẻ tự thân mua nhà’

Cứ tiết kiệm được hơn trăm triệu đồng trong vài năm thì tôi lại có việc dùng đến.

Tiếp nối câu chuyện mua nhà thành phố, tôi mạn phép đưa ra ý kiến của mình. Quả thật nhà ở, nơi an cư tại các thành phố lớn không chỉ là ước mơ của giới trẻ Việt Nam mà còn là hành trình đích đến của không biết bao thanh niên khác trên thế giới.

Không hề sai khi chúng ta phấn đấu, cống hiến sức lực nhiều năm để có được tổ ấm cho mình ở thành phố. Nhưng con đường đến với căn nhà mơ ước của nhiều người trẻ quả thật có khá nhiều lối đi và phương cách khác nhau.

Đọc chia sẻ của nhiều tác giả, thì từ tiền vốn tiết kiệm cộng gia đình hỗ trợ, hay đầu tư từ cái nhỏ có ít của cải tương đối sau đó vay thêm ngân hàng…

>> ’30 năm, tốn 2 tỷ thuê nhà và không hộ khẩu Sài Gòn’

Tôi cũng tìm hiểu được cách thức mua nhà nếu từ vốn vay thì chúng ta cần phải có trong tay ít nhất 50% số tiền trị giá của căn nhà. Lấy ví dụ một căn hộ tầm trung, bình thường ở một quận ven ven thành phố cho gia đình nhỏ có hai con khoảng 70 m2 giá 3 tỷ đồng. Chúng ta phải có ít nhất 1,5 tỷ, sau đó làm lụng vất vả mỗi tháng trả 15-20 triệu trong vòng 10 năm hay 15 năm tiếp theo. Cách tính này quá rõ ràng đúng không ạ.

Một ví dụ nữa là tôi đây 35 tuổi, với mức lương công nhân viên chức bình thường nếu tính từ lúc đi làm sau khi học đại học là được 13 năm. Tôi không tiêu xài hoang phí, không du lịch đó đây, không mua sắm nhiều vật chất có giá trị. Lương tôi làm ra chủ yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày, và đáp ứng những việc cấp thiết bất trắc xảy ra suốt trong quãng đời đi làm đó.

Quả thật đời sống cá nhân của tôi cũng không suôn sẻ. Cứ tiết kiệm được ít năm hơn trăm triệu lại có chuyện cần dùng. Hơn trăm triệu đó nếu có đầu tư đất đai… chắc chỉ mua nổi diện tích một cái toilet ở vùng sâu vùng xa. Do đó làm sao tôi có thể dư được 1,5 tỷ để mua 50% căn hộ mà tôi đưa ví dụ trên. Tôi nghĩ bản thân tôi không phải là trường hợp cá biệt mà có hàng triệu người cùng lứa như tôi đang gặp phải.

Ở mỗi nơi làm việc với tính chất công việc khác nhau, với công việc của tôi, tôi không thể làm thêm các công việc khác ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập. Gia đình tôi cũng không giàu, anh em họ hàng không ai khấm khá để cho mình vay số tiền từ vài chục đến trăm triệu để gom đủ mức 50% của 1,5 tỷ mục tiêu.

Nguồn nhà ở xã hội do nhà nước xây lên hỗ trợ bấy lâu cũng không dành cho đối tượng giống như tôi. Và tìm hiểu được biết giá nhà ở xã hội sau khi xây dựng xong bán ra đến tay người cần cũng không chênh lệch mấy so với căn hộ thương mại thông thường.

>> Cái lý của người ở thuê chứ không mua nhà Sài Gòn

Tóm lại, vì thế hễ ai thanh niên đồng trang lứa có được nhà thành phố tôi luôn chúc mừng cho họ, với tôi họ vừa vượt qua được một cột mốc quan trọng của đời người. Hãy tận hưởng thành quả của mình đạt được.

Nhưng tôi vẫn giữ quan điểm của mình ở đầu bài, mỗi người có nhiều cách đi đến căn nhà mơ ước của mình. Mỗi con đường đều khác nhau, có người khá dễ dàng, có người lắm chông gai, có người còn chưa phát lộ ra rõ ràng con đường đó như thế nào nữa. Vì cuộc sống cứ biến thiên không ngừng, vừa vẽ ra đó rồi lại phải xóa đi vì biến cố… Cho nên đừng áp dụng một công thức chung nào cả cho quá trình tìm kiếm căn nhà của ước của mình.

Đừng nhìn những người xung quanh, nhìn những thứ hào nhoáng mà nôn nao dao động. Hãy luôn biết rõ trường hợp của mình, làm việc hết mình, hết tâm sức…tận hưởng nhiều giá trị tốt đẹp khác từ cuộc sống muôn màu mà bạn đang có, đừng đặt mục tiêu quá cao khi ta không thể với tới.

Lâm Long

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *