‘Quy định con mèo’ và 5 lý do khó dẹp nạn karaoke

Một quy định ban hành năm 1998 cấm bán thịt mèo vì thời ấy đang có nạn chuột phá.

Đến đầu năm 2020, một văn bản ban hành chấm dứt hiệu lực của quy định trên. Nhưng chuyện giết mèo thì hơn 20 năm nay vẫn diễn ra.

Tạm thời, ta gọi những quy định kiểu này là những “quy định con mèo”. Những quy định đã ban hành nhưng không được thực hiện. Chúng có rất nhiều, tiêu biểu như việc cấm thả rông chó ngoài đường nếu không rọ mõm hay cấm karaoke lúc về đêm. Những quy định này không được nhiều người biết đến hoặc biết cũng không thực hiện. Nếu có ai nhắc nhở họ phải thực hiện nghiêm chỉnh luật pháp thì rất có thể sẽ được cái combo “liên hoàn đấm”.

>> ‘Không sớm có luật xử nạn karaoke bừa bãi, sẽ còn nhiều bi kịch’

Điều quan trọng nhất của một xã hội văn minh là thượng tôn pháp luật. Nhưng tại sao ở ta nhắc nhở một người làm đúng pháp luật thì lại dễ bị “nghiệp quật”? Đấy là điều cần tìm hiểu.

Thứ nhất, do lực lượng hành pháp của ta hời hợt với những “quy định con mèo” này. Nếu làm căng như việc cấm uống rượu lái xe thì mọi chuyện sẽ khác.

Điều thứ hai là do giáo dục. Nếu một người không tuân thủ luật pháp thì đó là chuyện của gia đình. Nhưng số đông trong xã hội thiếu kiến thức thì đó nhất định là do giáo dục phổ thông không dạy.

Điều mà tôi đề cập nhiều trong các quan điểm giáo dục ở ta là học sinh mình toàn học những thứ cao siêu nhưng việc tuân thủ quy định của mặt đất thì lại không được kỹ càng. Cũng không lạ gì việc người dân không tuân thủ kỉ pháp.

Điều thứ ba là do ý thức, vốn suy diễn từ điều thứ hai, tiềm thức dân ta nghĩ rằng hành động vi phạm sẽ không bị phạt nên lắm quy định con mèo sinh ra .

>> Karaoke ồn ào – tật xấu khó trị của nhiều người Việt

Thứ tư là do người Việt rất thích….sống bằng tình cảm. Không phải khen dân mình sống tình cảm với người khác mà là tôi đang nói đến chuyện ta rất thích người khác sống tình cảm với mình. Chúng ta coi đó là điều hiển nhiên, không phải trả giá gì. Nếu không được người khác “tình cảm” thì đâm ra phật ý, khó chịu. Tiêu biểu như việc hỏi chuyện riêng tư, hễ người được hỏi trả lời qua loa thì lại bảo người ta không tôn trọng mình, trong khi mình thì chả biết tí ý tứ gì, toàn hỏi vô duyên.

Câu cửa miệng của nhiều người Việt là “pháp luật thì cũng phải có tình người”. Quá nhiều thứ buồn cười quanh việc dân ta không tôn trọng pháp luật và ép lực lượng thực thi pháp luật phải tự phê bình, xin lỗi, trong khi họ đang làm đúng chức trách được giao. “Mưu sinh khổ sở, vất vả” có lẽ là lý do nhiều nhất người ta biện minh cho thói coi thường kỷ pháp của mình.

Thứ năm, cũng suy ra từ giáo dục, là dân ta hầu như không nắm rõ quy định pháp luật. “Quy định con mèo ” tôi chỉ mới biết cách đây hai năm, trong khi nó đã ban hành 20 năm. Nhiều yếu tố như thế thì bảo sao chưa bao giờ dẹp được loa kẹo kéo?

Tuân Hầm

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *