Rút ngắn năm đóng bảo hiểm xã hội không bằng giảm tuổi về hưu

Ai có thể chờ đến 60 tuổi để nhận lương hưu? Đó là lý do tỷ lệ người lao động làm thủ tục nhận BHXH một lần tăng đột biến.

“Việc thay đổi thời gian tối thiểu có vẻ như để hạn chế người lao động hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần hơn là tập trung vào quyền lợi BHXH hưu trí. Trước đây, do quy định thời gian đóng tối thiểu là 20 năm nên người lao động đến năm thứ 19 có xu hướng nghỉ việc để lãnh BHXH một lần. Giờ giảm xuống 10 năm thì người ta cứ chín năm lại phải ‘cố gắng’ nghỉ việc một năm để lãnh tiền bảo hiểm. Sau đó họ lại đi làm lại, và chín năm sau tiếp tục nghỉ một lần tiếp. Cứ vậy sẽ tạo thành cái vòng lẩn quẩn.

Trong khi đó, trọng tâm của vấn đề là việc đóng BHXH hưởng lương hưu hiện nay chưa thực sự hấp dẫn, kể cả người đóng BHXH mức thấp (vì đóng thấp, lương hưu không đủ trang trải cuộc sống), cho đến người đóng kịch khung BHXH (20 lần lương tối thiểu, khoảng 29.800.000 đồng/ tháng). Vì người đóng cao đương nhiên thu nhập sẽ cao, và lãnh một lần (hơn một tỷ đồng) cũng không phải là số tiền nhỏ”.

Đó là quan điểm của độc giả Tran Minh Giang xung quanh đề xuất rút ngắn năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Theo dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), điều kiện hưởng lương hưu sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống còn 15, hướng tới 10 năm.

Để giải quyết những thực trạng tồn tại, bạn đọc Nông Dân đề xuất về việc linh động thời gian đóng BHXH và mức lương hưu theo tỷ lệ tương ứng: “Nên quy định đóng BHXH đủ bao nhiêu năm thì được hưởng 75% lương khi nghỉ hưu. Ví dụ đóng 25 năm được hưởng 75% như hiện tại, đóng ít hơn thì giảm trừ dần, nhưng đóng nhiều hơn thì được cộng tăng dần. Làm sao để người được hưởng lương hưu mà có mức đóng BHXH từ 25 năm trở lên có thể tự sống ở mức bình thường, không phải trông chờ vào con cháu.

Với lương hưu như hiện nay thì có đến 70-80% các cụ dành 1/2 lương ra để mua thuốc chữa bệnh. Những lúc ốm đau, đi viện ít cũng mất tiền triệu, phẫu thuật những bệnh đơn giản như sỏi thận, dạ dày… cũng mất hàng chục triệu đồng. Thực sự, người già khó có thể sống được bằng lương hưu”.

Đồng quan điểm, độc giả Duythietkettp nêu ý kiến: “Tôi cho rằng, người đóng 5 năm cũng nên được hưởng luôn. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nên tính tỷ lệ hưởng lương hưu theo số năm đóng khác nhau. Tính theo tỷ lệ % số tiền họ đã bỏ ra đóng vào BHXH sao cho hợp lý. Như vậy mới khuyến khích mọi người cùng đóng BHXH. Chứ anh đóng 10 năm hưởng cũng giống anh đóng 15, 20 năm thì họ đóng đủ 10 năm sẽ lại bỏ và nằm chờ hưởng hưu.

Cũng cần tính luôn cho việc đóng đủ 10 là được lãnh lương hưu hàng tháng, dù có đang đi làm và đang đóng BHXH cho những năm sau đó. Không cần cứ phải chờ tới lúc đủ tuổi hưu mới được lãnh lương hưu, vì có nhiều người không may mắn sống tới tuổi hưu. Họ đã đóng rất nhiều năm cho BHXH, chẳng lẽ lại không được hưởng gì?”.

>> Nhiều người thà nghỉ hưu sớm để hưởng lương thấp

Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định người lao động đủ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện làm việc bình thường, đóng đủ 20 năm BHXH trở lên được hưởng lương hưu. Mức hưởng hàng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng theo quy định. Bạn đọc Nguyễn Thành Trung cho rằng quy định này còn nhiều bất cập: “Tôi nghĩ rằng 20 năm là quá nhiều, còn 10 năm lại là quá ngắn. Thực sự, một người cống hiến cho công việc đã mất khoảng 5-7 năm rồi, cho nên tôi nghĩ rằng quy định khoảng 12 năm là hợp lý, không dài cũng không ngắn.

Nhưng có một việc cần làm đó là người nghỉ hưu nếu vẫn còn khả năng lao động, nên tạo điều kiện cho họ tiếp tục lao động, với những nghề không đòi hỏi quá nhiều lao lực, như nghề thủ công mỹ nghệ, sửa chữa trang phục, thu gom đồ tái chế, chăm sóc cây cảnh, những người có học thức cao có thể làm tư vấn… Tôi nghĩ những điều đó sẽ tiếp tục giúp cho người già và về hưu có thêm niềm vui trong cuộc sống và cống hiến cho xã hội dù ít dù nhiều, phá bỏ đi cái tư duy rằng người về hưu và người già là gánh nặng cho xã hội”.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số lao động nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần đang có xu hướng gia tăng qua các năm, giai đoạn 2016-2020 có tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 9%. Riêng trong ba tháng đầu năm 2021, số lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng nhanh, với 226.503 người, tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Đánh giá về đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, độc giả Thanhtuneu43 cho rằng, việc rút ngắn thời gian đóng BHXH chỉ thật sự có ý nghĩa khi đi kèm với giảm tuổi về hưu cho người lao động: “Tuổi hưởng lương hưu tăng từ 60 đối với nam, 55 đối với nữ; thành 65 tuổi nam, 60 tuổi nữ đã cho thấy nhiều bất cập. Bây giờ tốc độ đào thải lao động nhanh, tầm 40 tuổi mà thay đổi công việc là đã khó tìm được việc mới rồi. Ai có thể ngồi chờ đến hơn 60 tuổi để nhận lương hưu không?

Chính điều đó đã dẫn đến thực trạng là ba năm gần đây, tỷ lệ người lao động làm thủ tục nhận BHXH một lần tăng đột biến. Đây có phải là nguyên nhân dẫn đến đề xuất rút ngắn năm đóng BHXH để hưởng lương hưu này không? Riêng tôi cho rằng, kể cả có rút ngắn năm đóng BHXH xuống, người lao động vẫn cứ suy nghĩ đến phương án nhận BHXH một lần, thay vì chờ đến hơn 60 tuổi để nhận lương hưu. 60 tuổi rồi thì còn sống bao nhiêu năm nữa để nhận lương hưu? Chưa kể, tình hình trượt giá cứ tịnh tiến, còn lương hưu vẫn tính theo hệ số và mức đóng BHXH của hàng vài chục năm trước.

Theo tôi, các nhà quản lý không thể chỉ tính phương án tận thu, nhằm giảm chi cho quỹ BHXH, mà hãy nghĩ nhiều hơn đến quyền lợi thực sự của người lao động. Cần có những tính toán hợp lý, hợp lòng người, như vậy mới có hiệu quả lâu dài”.

Việt Thành tổng hợp

>>Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bàitại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *