Sai lầm ‘hy sinh đời bố, củng cố đời con’ bằng đại học

Việc cáng đáng học phí cho con học đại học ở những gia đình thu nhập thấp có thể dốc hết sức lực và tâm trí của cha mẹ.

Trong một quan niệm “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, sự vất vả ấy mong được đền đáp bằng tương lai xán lạn của con cái.

Tương lai xán lạn là một cụm từ rất chung chung, tuy nhiên đối với nhiều người thì có thể hiểu là một thu nhập trên mức trung bình của xã hội. Nếu như học phí thể hiện bằng con số, thì các bậc cha mẹ cũng hy vọng con em kiếm được việc làm thể hiện bằng con số tiền lương chấp nhận được.

Trong một tâm lý chung, thật khó tin rằng những bậc cha mẹ khi đã vất vả nuôi con ăn học lại không mong được đền đáp. Họ kỳ vọng rằng nếu đã tốt nghiệp đại học thì đứa con sẽ có công việc không còn vất vả như họ nữa và có thể quay lại giúp đỡ cho mình. Đó là nguyện vọng chính đáng.

>> Đào tạo đại học và chuyện kỹ sư ‘made in Việt Nam’ bị cười cợt

Tuy nhiên học phí đại học đang tăng dần qua các năm và càng trở nên đáng cân nhắc nhiều hơn nữa. Nếu như đứa con không thực sự quá nổi trội để nhận học bổng hoặc vào những trường công top trên, việc dành quá nhiều tiền của cho con học đại học có xứng đáng với những gì con nhận được sau này?

Đối với nhiều bậc cha mẹ, đại học giống như một trường cấp bốn. Nếu như lầm lũi hết cấp một sẽ học cấp hai, hết cấp hai sẽ học cấp ba, thì hết cấp 3 nên vào cấp bốn. Nếu đứa con không muốn ngừng việc học, thì tại sao phải chặn đứng ước mơ vào “cấp bốn” của con?

Thực ra, nghĩ đại học như cấp bốn và muốn vào cho bằng được là khá thiển cận. Đại học nói chung là trường nghề, cùng chung với cao đẳng, trung cấp. Chỉ có điều đại học đào tạo nhân lực trình độ cao hơn về lý luận và giải pháp mà thôi. Bất chấp việc đại học đào tạo sâu về lý thuyết hơn cao đẳng, nếu như bản thân không phát huy tố chất hoặc không có tố chất, thì khi ra trường hành nghề cũng không hơn người tốt nghiệp cao đẳng bao nhiêu.

Học đại học là một khoản đầu tư khác với phổ thông rất nhiều. Nếu như môi trường đại học và tiềm lực nội tại của bản thân con em quá chênh lệch, thì tiền đổ vào đại học sẽ lãng phí. Chưa bàn đến ở một số nghề, đất dụng võ cho cử nhân đại học là chưa cần đến.

Nói xa hơn về thành công, kiến thức đại học chắc chắn không đảm bảo thành công trong sự nghiệp bằng chính nỗ lực của con em. Nếu học đại học chỉ để có bằng cấp sẽ cho ra một việc làm thu nhập trung bình khá như các việc làm ở ngân hàng, doanh nghiệp nhỏ và vừa thì học cao đẳng cũng không kém bao nhiêu. Nếu muốn đạt đến thu nhập tốt hơn thì đó lại là chuyện của nỗ lực tương lai, của tố chất, và cả những cơ hội, may mắn.

>> Tránh lệch pha giữa đào tạo đại học và thị trường việc làm

Đánh giá quá cao đại học trong việc đảm bảo tương lai của con em có thể dẫn đến sự hy sinh của cha mẹ không cần thiết. Theo đó, luận điểm ở đây là:Nếu như việc cáng đáng chi phí học đại học chiếm 60-70 % sức lực của cha mẹ, thì có thể giúp con vào đại học như một cách đánh cược vào tương lai. Nhưng nếu chiếm đến 90-100% sức lực hay tận dụng hầu như mọi của cải của gia đình cốt chỉ để con có tấm bằng đại học, thì việc đó không khéo dẫn đến tác dụng ngược.

Một đứa con gánh trên vai sự hy sinh lớn của gia đình trong khi thành công không bao giờ đến chỉ qua tấm bằng đại học, có thể dẫn đến một áp lực khó giải tỏa trong tâm trí mãi về sau.

Dẫu cho sự hy sinh của cha mẹ là to lớn và không cần đền đáp, thì chí ít trong thâm tâm của họ vẫn mong được thấy những vất vả ngày xưa được trổ quả ngọt. Nếu như cha mẹ ráng hết sức để đưa con lên tới đại học theo một niềm hãnh diện tự hào của gia đình, thì khi ra trường có so sánh thu nhập của con với người khác để tạo ra một niềm hãnh diện khác nữa không?

Vì thế, cần cân nhắc việc vào đại học, không phải vì niềm hãnh diện, vì muốn đổi đời cho con theo cách người ta vẫn hay làm. Cần cân nhắc kỹ lưỡng vào hoàn cảnh và sức lực của gia đình, để cha mẹ có thể sống hạnh phúc với một sức khỏe tốt.

Điều quan trọng hơn là để năng lực và tố chất nội tại của con quyết định việc chọn trường, chọn nghề và cha mẹ chỉ là người hỗ trợ dựa trên hoàn cảnh của họ. Và trên đường dài những đứa con ấy sẽ tự do theo đuổi nghề mà không phải chịu áp lực vì sự hy sinh quá lớn của cha mẹ ngày xưa.

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Lâm Phan

Đừng làm hoen ố tháp ngà đại học

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *