Sao phải vào CIC để xem có ‘bỗng dưng mắc nợ’?

Là bị hại, người tự dưng mắc nợ lại phải lọ mọ đi kiểm tra, còn các tổ chức tín dụng làm sai lại không chịu trách nhiệm nào.

Gần đây tôi thấy nhiều người xôn xao chuyện bỗng dưng bị gánh khoản nợ “trên trời rơi xuống” trên CIC. Việc đó vô cùng phiền toái và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Rồi thấy bảo người dân có thể tự tra thông tin này, làm nhiều người vui mừng.

Nhưng mà khi tôi đọc xong quy định thì mức độ nghi ngờ lại còn tăng lên: “Cụ thể, bạn cần đăng ký tài khoản lần đầu trên website của CIC bằng cách cung cấp thông tin gồm họ tên, ngày sinh, số điện thoại… Ngoài ra, cần có ảnh chứng minh thư hai mặt cùng với ảnh chân dung cá nhân (cầm chứng minh thư) để CIC định danh người đăng ký.

Sau một đến vài ngày làm việc để CIC kiểm tra thông tin, xác định người đăng ký là chủ nhân của số chứng minh nhân dân, tài khoản của bạn sẽ được kích hoạt. Lúc này bạn có thể đăng nhập vào CIC và chọn phần khai thác báo cáo, gồm các thông tin về điểm tín dụng, mức độ rủi ro và kiểm tra đang có nợ xấu hay không. Báo cáo này đang được khai thác miễn phí”.

>> Tại sao nói thẻ tín dụng là ‘con dao hai lưỡi’?

Cái quy trình khai báo này y hệt quy trình mà các tổ chức tín dụng đang làm, và đang gây rủi ro cho khách hàng. Đáng lý, CIC cho phép bất cứ người dân nào nhập số CMND hoặc thẻ căn cước của mình, rồi nhận được thông tin “Có hoặc “Không có nợ xấu”.

Rồi ai thấy mình không vay, đang bị oan, thì phải cập nhật các thông tin cá nhân và ảnh chụp như trên để đăng ký “Xóa nợ oan sai”. Đằng này chưa biết có trong danh sách nợ hay không, người dân ngay lập tức phải giao nộp toàn bộ thông tin cá nhân cho CIC, mà không có gì đảm bảo thông tin sẽ được bảo mật, và cũng chỉ để biết mình có bị oan hay không, chứ không thể tự đăng ký xóa nợ oan.

Đúng ra thì những đơn vị cập nhật sai thông tin khách hàng, thì phải ngay lập tức xóa tên cho khách hàng và bồi thường cho họ. Đằng này người dân lại phải khai báo thông tin cá nhân, rồi phải tự đi mày mò tìm cách khắc phục hậu quả không phải do mình gây ra. Còn các tổ chức tín dụng cập nhật sai thì chả chịu bất cứ trách nhiệm nào, rồi quy trình xóa vô cùng nhiêu khê và chậm chạp.

Tại sao người dân đang vị thế của người bị hại bỗng bị coi như kẻ phạm luật, bị tước quyền lợi mà không nhận được sự xin lỗi hay bồi thường nào?

Anh Vu

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *