Sinh một con dù gia đình có điều kiện

‘Hai vợ chồng tôi có công ty riêng, có xe, dư sức mua nhà, mức thu nhập đủ sống thoải mái ở thành phố, nhưng vẫn chỉ sinh một con’.

“Gia đình tôi có năm anh em, trong đó, chị thứ ba nhà nghèo và khó khăn nhất. Cả bốn anh em còn lại đều đi học đại học và ra trường có việc làm, cuộc sống ổn định và kinh tế khá giả. Chỉ có chị ba không chịu đi học vì lười. Đến khi lấy chồng, chị luôn than thở cuộc sống nghèo khổ, khó khăn. Mấy anh em tôi đều động viên hai vợ chồng chị ‘còn trẻ phải cố mà làm ăn thì mới khá lên được chứ than thở hoài cũng không ích gì’.

Chúng tôi cũng thường thay nhau giúp đỡ chị những khi khó khăn về tiền bạc, vật chất… Chị sinh hai đứa con gái liên tục, nhưng vẫn có mong muốn sinh con trai. Chúng tôi cũng khuyên bảo chị hết lời rằng ‘con nào cũng được miễn là khi trưởng thành chúng sống có ích cho đời, ngoan và hiếu thảo’, nhưng chị không nghe.

Mới đây, đang dịch, không có việc làm, kinh tế khó khăn, chị lại mang thai đứa thứ ba. Nói chung, suy nghĩ ấy đã ăn sâu trong tiềm thức con người, tự bản thân họ không muốn vươn lên, không muốn thoát khỏi cảnh nghèo khổ thì cho dù ai nói gì hoặc có cho nhiều tiền thế nào, họ cũng chẳng biết cách sử dụng cho đúng mục đích”.

Đó là chia sẻ của độc giả Thanhhoanxmkc xung quanh câu chuyện “Nhiều cặp vợ chồng trẻ không có trách nhiệm với con“. Rất nhiều hoàn cảnh đời công nhân nhà trọ, lương thấp nhưng vẫn cứ vô tư sinh đẻ và nuôi con trong hoàn cảnh khó khăn chồng chất. Họ quan niệm rằng cứ để mặc cho mọi việc diễn ra theo tự nhiên, để rồi người chịu thiệt thòi nhất là con cái.

Cùng chung cảnh ngộ, độc giả Bếy bì chia sẻ: “Nhà anh trai tôi cũng vậy, hai vợ chồng làm công nhân bình thường mà sinh hẳn ba đứa con (từng sảy thai một lần), trong khi họ không nuôi trực tiếp được đứa nào. Con được một tuổi là anh chị gửi về cho ông bà nội chăm hộ. Chị em tôi ngán ngẩm với gia đình họ. Giờ anh chị ở trên Sài Gòn, sống ly thân mỗi người một nơi, chỉ có anh trai tôi gửi tiền về nuôi mấy đứa nhỏ ở nhà nhiều tháng nay. Trong khi đó, bố mẹ chỉ ở nhà làm nông, tuổi cũng trên 60 cả rồi. Tôi chỉ thấy tội cho mấy đứa nhỏ và ông bà già”.

>> Giàu con một, nghèo đông con

Chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn cố đẻ nhiều với tư tưởng “trời sinh voi sinh cỏ”, bạn đọc Vương Phi cho rằng: “Tôi thấy các khu trọ của công nhân, người lao động nghèo rất nhếch nhác, cả phụ nữ và đàn ông đều không vận động, lao động nên người thì to béo, người lại ốm yếu xanh xao. Họ không đủ điều kiện nhưng vẫn cố sinh hai, ba đứa con cho có anh, có em đỡ buồn, để sau này chăm sóc họ lúc tuổi già. Họ sinh con gái vẫn ráng đẻ thằng con trai để nối dõi tông đường. Họ đâu nghĩ, sinh một đứa trẻ bây giờ không thể sống theo kiểu ‘trời sinh voi, sinh cỏ’ được.

Tôi thấy bất hạnh cho những đứa trẻ sinh ra trong những gia đình có tư tưởng đó. Nhiều khi, ngồi ở quán ăn, nhìn thấy có người cha, me chở một trẻ tới, rồi bắt chúng vào bán kẹo cao su cho khách, tôi thấy xót xa. Với tôi, có điều kiện hãy đẻ, còn không thì ráng kiếm một ít tiền để sau này vào viện dưỡng lão, đừng để gánh nặng chăm sóc mình lên những đứa con”.

Không chỉ với các gia đình nghèo, trình độ dân trí thấp, nhiều người có điều kiện, học thức cao cũng sa đà vào tư tưởng đẻ nhiều, như trường hợp của độc giả Dangduong9886: “Tôi đã sinh hai bé trai rồi nhưng chồng vẫn đòi sinh thêm đứa thứ ba cho ‘có nếp có tẻ’. Mang tiếng trình độ Đại học nhưng suy nghĩ của chồng vẫn cổ hủ, lạc hậu đến vậy. Đẻ chúng ra thì dễ nhưng nuôi dạy và chăm sóc thế nào cho con có điều kiện tốt nhất để học và là người có ích, không phải gánh nặng cho xã hội, mới là điều khó. Xã hội còn nhiều lắm những người cổ hủ. Đây là vấn nạn chung, tạo nên cái vòng tròn luẩn quẩn nghèo – đẻ – nghèo”.

Bạn đọc Sanphamgiahot123 nói thêm: “Thực tế quanh tôi có những cặp vợ chồng trẻ cũng có ăn học, có kiến thức nhưng sinh đẻ không tự biết dừng, lý do là còn nặng tư tưởng phong kiến thừa hưởng từ cha mẹ. Kinh tế, sự nghiệp chưa vững vàng, nhưng họ lại đẻ thêm đứa thứ hai, thứ ba để ráng kiếm con trai. Trong khi đó, trên Sài Gòn chi phí sinh hoạt, học hành đắt đỏ, cộng thêm đợt dịch Covid-19 quét qua một thời gian dài khiến họ cạn tiền tiết kiệm, phải vay mượn, thiếu trước hụt sau. Một trường hợp khác tôi biết, ban đầu họ cũng lường trước khó khăn nên không đẻ thêm, nhưng sau một thời gian cứ nghe lời xúi giục vô trách nhiệm từ gia đình, họ hàng, bè bạn… mưa dầm thấm lâu, nên cuối cùng đẻ thêm đứa nữa cho có anh có em”.

>> Chúng tôi muốn sinh một con dù thu nhập 70 triệu đồng

Trong khi đó, ý thức được trách nhiệm với con cái, độc giả Lê Khánh An lại quyết định chỉ sinh một con dù điều kiện khá giả: “Hai vợ chồng tôi có công ty riêng, mức thu nhập sống thoải mái ở thành phố, có xe, đủ sức mua nhà. Nhưng chúng tôi luôn có những kế hoạch cho tương lai và mới sinh một bé. Ấy vậy mà nhiều lúc tôi vẫn không an tâm rằng mình đủ sức lo được cho con. Trong khi đó, nhà hàng xóm tôi suốt ngày đánh chửi nhau vì không có tiền nuôi con, con cái chứng kiến bố mẹ không hạnh phúc”.

Đồng quan điểm, bạn đọc Trang cho rằng: “Thời đại này rồi không thể có tư tưởng ‘tự sinh tự diệt’ hay ‘trời sinh voi sinh cỏ’. Thậm chí, nhiều người bố mẹ có khi còn không hiểu hết ý nghĩa hoàn cảnh của mấy câu nói đó. Ngày nay, ở trong nhà cũng tốn tiền chứ đừng nói đến việc ra ngoài đường. Sinh con là phải có kế hoạch cụ thể, nên tư tưởng của tôi là phải luôn lo cho con đầy đủ và đặc biệt đứa sau không được kém hơn đứa trước. Đó là lý do mà ai khuyên đẻ tôi cũng nói không, chỉ cười bảo ‘tiền đâu mà đẻ?’. Lấy chồng bốn năm rồi tôi cũng chỉ có một cậu con trai và muốn dành hết tình thương, thời gian của mình cho con do tuổi thơ chỉ có một lần”.

“Trước khi sinh con, tôi cũng dự trù chi phí mỗi tháng nuôi con hết bao nhiêu tiền, trong sáu tháng nghỉ hậu sản, rồi khi đi làm lại ai trông em bé, hay gửi ở đâu…? Sau đó, tôi tăng cường đi làm để gom tiền, bầu gần sinh vẫn đi làm thêm tới 35 tuần mới nghỉ hẳn, chỉ còn làm cơ quan. Dù có thể dựa vào tiền lương chồng nuôi hai mẹ con thoải mái nhưng tôi vẫn muốn khi còn khả năng làm thì còn tự tích góp, để khi sinh con không lo lắng về tiền bạc.

Kế hoạch của tôi là sau ba năm nữa sẽ sinh con thứ hai. Vậy nên, phụ nữ hãy có trách nhiệm với việc sinh đẻ trước tiên. Còn nói đến trách nhiệm với con cái, đó là câu chuyện của cả người bố lẫn người mẹ”, độc giả Hân Mai chốt lại.

Lê Phạm tổng hợp

>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *