Sống cậy người già

Tôi luôn tham khảo, học hỏi, làm theo những kinh nghiệm của cha mẹ già vì không muốn đem chính cuộc sống của mình ra đánh cược.

Có vài người nói không cần tham khảo ý kiến cha mẹ già. Nhưng thử hỏi, vợ bạn ở cữ hoặc sau khi sinh xong, liệu có cần mẹ vợ chăm sóc không? Tôi hỏi mẹ vợ vì sao tháng đầu sau khi sinh, sản phụ không được tắm nước lạnh? Vì sao phải hơ bếp than cho mẹ và em bé (thóp và rốn)? Bà nói bà không biết, đó là do bà ngoại dạy. Tôi hỏi bà ngoại thì bà nói do bà cố dạy, cứ như thế truyền lại cho con cháu. Nếu không làm đúng, người phụ nữ sau này không chịu được mưa nắng ngoài đường, em bé nay đau mai bệnh, khó nuôi. Chuyện này chẳng ai kiểm chứng được, nhưng tôi không dám đem vợ con ra cược nên phải làm đúng sự hướng dẫn của mẹ vợ.

Còn cha vợ tôi dặn “phụ nữ sau khi sinh tinh thần rất yếu, rất nhạy cảm với cảm xúc mạnh. Thời gian này con phải đối xử hết sức nhẹ nhàng với vợ, dù xảy ra chuyện gì cũng hết sức kiềm chế để tránh cho vợ bị trầm cảm”. Tôi hỏi kinh nghiệm ấy làm sao có, ông trả lời do ông ngoại của vợ dạy lại. Từ đó có thể hiểu, kinh nghiệm truyền đời từ thế hệ này qua thế hệ sau. Bạn có thể không nghe theo cha mẹ, vậy cứ đem vợ con ra cược với những kinh nghiệm có tính truyền thống ấy.

Có những người cả đời chưa từng rời khỏi địa phương cư trú nhưng do đọc báo nắm tin tức hàng ngày cộng với suy ngẫm của bản thân mà họ biết rất nhiều sự việc xảy ra cũng như biết đề xuất giải pháp không cần tự thân trải nghiệm. Khổng Minh thời Tam Quốc chưa từng rời khỏi Kinh Châu cho đến khi gặp Lưu Bị (năm đó Khổng Minh chỉ mới 23 tuổi còn ba anh em Lưu Bị đã ngoài 40). Nhưng bất kể ở đâu, tình huống nào, ông ta cũng có giải pháp giúp Lưu Bị vượt qua khó khăn. Đó là bởi Khổng Minh đọc qua hàng núi sách do những người thường đi đây đi đó viết ra, nghiên cứu đủ loại bản đồ, tự suy ngẫm, xây dựng mô hình sa bàn địa hình cũng như cách bày binh bố trận ở từng loại địa hình khác nhau.

Ngược lại, một số người có điều kiện đi đây đi đó ra nước ngoài nhưng chỉ thuần túy cưỡi ngựa xem hoa, chụp hình livestream đủ kiểu, cuộc sống ở nước ngoài ra sao cái gì cũng không biết dù chỉ là cái nhìn thoáng qua. Từ đó nói lên điều gì? Không phải ai cũng cần phải trải nghiệm. Nếu bạn là người thiếu sự quan sát, thiếu suy tư tìm giải pháp, mọi trải nghiệm với bạn chỉ lãng phí thời gian tiền bạc vô ích. Không phải cứ nhìn thấy người ta trải nghiệm rồi mình cũng bắt chước theo. Tối ưu là trải nghiệm ở những việc mà ta có hiểu biết nhất định nhưng chưa có dịp thực hành. Đó mới là hướng đi đúng.

Dù vậy, ta vẫn phải học hỏi xin tư vấn từ những người đã trải nghiệm thành công để tránh đi vào lối rẽ, ngõ cụt. Người ta đi trước, không ai tư vấn giúp đỡ, họ phải mày mò từng bước, lên bờ xuống ruộng nhiều lần mới tìm được hướng đi đúng. Ta đi sau, không chịu học hỏi ai, cũng mày mò, cũng sụp hố như họ thì gọi là khôn ngoan? Nhờ kinh nghiệm của người đi trước, ta đi sau nhưng vẫn có thể bắt kịp và vượt qua người có xuất phát điểm cao hơn ta nhưng luôn tự cho mình khôn ngoan hơn người, không cần ai giúp.

Ai cũng trải qua thời tuổi trẻ. Tuổi trẻ thích bay nhảy, ham học hỏi điều mới lạ là bình thường. Tuy nhiên, ta phải có gốc rễ là nơi tạo ra tiền bạc nuôi sống ta thì muốn bay đi đâu nhảy chỗ nào cũng được. Vứt bỏ cái gốc rễ ấy là hết sức phiêu lưu, thường xảy ra với những người chỉ luôn nghĩ thành công mà không dự phòng rủi ro. Trải nghiệm như vậy có khác gì đánh bạc? Đánh bạc chỉ cược tiền bạc, còn trải nghiệm này là đem chính cuộc sống của mình ra cược.

Lâm

>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Ngột ngạt khi sống chung với cha mẹ già

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *