Sống chậm không ‘nằm yên, mặc kệ đời’

Tôi chọn thiền định để không bị cuốn vào vòng xoáy công việc, tiền bạc và những mối quan hệ xã hội.

Cuộc sống xã hội hiện đại, con người có xu hướng bận rộn hơn. Kinh tế ngày càng phát triển kéo theo đời sống dần khá lên. Tuy nhiên một trong những mặt trái của nó là nhu cầu vật chất và tinh thần của con người ngày càng cao, đòi hỏi chúng ta phải sáng tạo hơn trong cách thức và khả năng kiếm tiền.

Mô típ thường thấy trong các xã hội hiện đại là khi bạn có nhiều thời gian thì khả năng tài chính của bạn hạn chế. Khi tài chính của bạn vững vàng hơn thì bạn lại thiếu thời gian.

Đã bao giờ bạn cảm thấy mình bị cuốn theo vòng xoay của cuộc sống với công việc, học tập, gia đình, con cái, bạn bè, việc nhà, việc xã hội, chơi thể thao hay tham gia các câu lạc bộ ngoại khóa, đi tập gym, vệ sinh cá nhân, ăn, ngủ… khiến một ngày của bạn trôi qua nhanh chóng?

Trong những lúc bận rộn như vậy, bạn có thực sự để tâm đến hiện tại và những điều tưởng như vụn vặt trong cuộc sống ví dụ như tận hưởng một bữa ăn ngon? Thời gian trôi qua nhanh hay chậm tỷ lệ thuận với mức độ bận rộn của bạn. Một trong những bí quyết để tăng mức độ hạnh phúc và có một cuộc sống viên mãn là học cách “sống chậm”, để ý nhiều hơn đến hiện tại và tận hưởng từng phút giây và trải nghiệm cuộc sống mang lại cho bạn.

>> Lên Đà Lạt ở nửa tháng, tôi bỏ ý định về quê sống chậm

Nhưng làm thế nào để “sống chậm”? Thiền định là một trong những cách rất hay để luyện cho não bộ tập trung nhiều hơn đến hiện tại, đến những cảm xúc đang diễn ra bên trong bạn, khiến bạn bình tâm hơn. Đây là cách tôi đã và đang áp dụng và thấy rất hiệu quả. Tôi thường dành ra ít nhất 15 đến 30 phút mỗi ngày để thiền định, đôi khi lâu hơn.

Cái hay của việc thiền định là bạn có thể làm bất cứ lúc nào phù hợp, và bạn không cần nhiều thời gian hay chuẩn bị gì phức tạp. Tất cả những gì bạn cần là một không gian yên tĩnh, nơi bạn có thể nhắm mắt, hít thở, để ý đến những âm thanh xung quanh, đến những giác quan của bạn, và đến những luồng suy nghĩ và những cảm xúc đang diễn ra trong bạn. Đấy là tất cả những gì bạn cần. Một hoặc hai phút mỗi ngày, nếu như đấy là tất cả thời gian rảnh rỗi mà bạn có.

Tôi đã từng nghĩ về thiền định như một trò đùa cho đến khi tôi áp dụng nó trong cuộc sống của mình.

Hạnh phúc đích thực không đột nhiên đến với bạn sau khi bạn đã kiếm được nhiều tiền, mua được những vật dụng, những tiện nghi mà bạn luôn kỳ vọng, hay khi những ham muốn của bạn được thỏa mãn (thỏa mãn nhu cầu và ham muốn chỉ mang lại hạnh phúc tạm thời).

Hạnh phúc đích thực nằm ở mỗi phút giây trong hiện tại, ở những trải nghiệm bình dị hàng ngày. Hạnh phúc vĩnh cửu đến với bạn khi bạn biết ơn và biết tận hưởng từng phút giây bạn hiện diện trên cõi đời này. Có rất nhiều ứng dụng có thể giúp bạn thiền và đều có thể tải miễn phí về trên điện thoại.

Meditation (thiền định) giờ đây không chỉ giới hạn cho các thầy tu hay những người theo đạo Phật; nó đã trở thành một dịch vụ phát triển nhằm giúp con người trong xã hội hiện đại tìm thấy hạnh phúc, bình an bên trong mỗi người. Bản thân tôi, trước khi kết thúc mỗi lần thiền định, tôi thường nhắc nhở bản thân những nguyên tắc sau:

1. Không đánh giá người khác, sự việc xảy ra xung quanh, và chấp nhận mọi thứ theo cách nó diễn ra, không phải theo cách bản thân tôi mong muốn.

Nếu có ai đó có suy nghĩ và cách xử sự không như bạn mong muốn, đừng đánh giá hay chê bai họ vì điều ấy. Nhìn sự vật sự việc một cách bao dung; có thể họ không có điều kiện gia đình, giáo dục, và những trải nghiệm tốt như bạn dẫn đến cách suy nghĩ và hành động của họ không giống bạn.

Lấy ví dụ một dân anh chị chuyên trộm cắp và làm điều phạm pháp. Rõ ràng những điều họ làm là sai, thế nhưng nếu lý do đằng sau ấy là do họ sinh ra trong một gia đình bố mẹ cũng là người sống ngoài vòng pháp luật, hàng ngày bị đánh đập và ngược đãi, không có điều kiện học hành, từ nhỏ đã tiếp xúc với môi trường độc hại và bị cuộc đời vùi dập. Thử hỏi tôi và bạn nếu trong hoàn cảnh như vậy liệu chúng ta có trở thành con người tương tự. Tôi không có ý bào chữa cho tội ác hay việc làm sai trái ở đây chỉ là một ví dụ để dẫn chứng cho quan điểm tôi nêu ra. Thay vì chỉ trích, hãy nhìn vào những điều tích cực, và nếu có thể làm gì đấy để làm xã hội tốt hơn.

2. Mỗi hành động, suy nghĩ hay cảm xúc của tôi, tích cực hay tiêu cực, đều phụ thuộc vào lựa chọn tôi đưa ra và tôi hoàn toàn có quyền chi phối và kiểm soát những lựa chọn ấy.

>> Lạc lõng vì bỏ việc để về quê sống chậm

Khi ai đó làm gì không vừa ý bạn, bạn sẽ có xu hướng trở nên giận dữ, nhưng bạn có quyền lựa chọn không giận dữ. Ngược lại, khi ai đó tán dương bạn, bạn sẽ có xu hướng cảm thấy vui, nhưng bạn có quyền lựa chọn không vui. Điểm mấu chốt ở đây là, những hành động và cảm xúc của bạn – tích cực hay tiêu cực, dù có ý thức hay vô thức, đều là lựa chọn của bạn.

Khi bạn nắm được nguyên lý ấy, hãy lựa chọn những hành động và cảm xúc tích cực góp phần mang lại bình yên, hạnh phúc và cuộc sống viên mãn cho mình. Kiềm chế được cảm xúc và hành động khôn ngoan trong mọi tình huống là một phần quan trọng của trí khôn cảm xúc (emotional intelligence hay EQ) mà những người thành công thường sở hữu.

Chúng ta thường luôn có xu hướng mong muốn một thứ gì đấy, có thể là mong muốn được điểm cao, được người khác yêu quý, được ai đó đáp lại tình cảm của mình, trở nên giàu có, hay có địa vị và quyền lực… Những mong muốn ấy, đôi khi hoàn toàn chính đáng, mang lại những âu lo, phiền muộn, và phiền toái khác mà ta không lường tới. Hiểu được chân lý này và cân bằng những yếu tố trong cuộc sống, sẽ giúp bạn có một cuộc sống đầy đủ, ý nghĩa và viên mãn hơn.

Nam

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *