Sự bí bách của dân văn phòng lương 10 triệu

Nhiều người làm văn phòng tẻ nhạt, lương thấp nhưng vẫn chịu đựng năm này qua năm khác.

Khi mới ra trường và bắt đầu đi xin việc, mỗi người chúng ta đều luôn mơ ước và vẽ vời ra nhiều viễn cảnh tốt đẹp cho tương lai. Nào là làm việc ở những công ty lọt top những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam, chỉ làm việc vì đam mê, tiền bạc không quan trọng, nếu sếp “cà chớn” thì nghỉ việc ngay. Hay đặt ra những tiêu chí như lương nghìn đô, thăng tiến, sếp dễ tính, đồng nghiệp dễ thương…

Nhưng thật ra khi thực sự đặt bản thân vào guồng xoay công việc thì mới vỡ mộng ban đầu. Bản thân tôi từ lúc ra trường đến nay đã vài năm rồi, đã chuyển chỗ làm vài nơi. Nhưng trạng thái cô đơn ở văn phòng vẫn không nguôi ám ảnh.

Nhớ thời điểm mới tốt nghiệp, tôi đã rải đơn xin việc ở nhiều nơi. Tôi đi phỏng vấn ở một công ty và được đề nghị nhận vào làm ngay từ vòng đầu tiên. Trong thời gian chờ đến ngày nhận việc, trong đầu tôi có nhiều dự tính: nào là ngày đầu tiên đi làm sẽ mặc gì, sẽ làm quen với đồng nghiệp như thế nào, tháng lương đầu tiên sẽ làm gì…

Nhưng mọi thứ chỉ tốt đẹp trong những ngày đầu tiên. Những ngày sau, sếp và các đồng nghiệp trở về “hình dạng” vốn có của họ. Sếp thì cáu gắt với nhân viên nhưng với sếp của sếp thì khúm núm lạ thường. Đồng nghiệp thì do ngày ấy còn vô tư, tôi còn thắc mắc tại sao lúc đi ăn trưa, lại thấy vắng một số người. Lúc sau này mới biết là họ làm việc theo kiểu bằng mặt không bằng lòng, chia phe cánh và hay đấu đá.

Đặc biệt, tôi bị sốc khi thực nhận tháng lương đầu tiên. Số tiền mà tôi nhận được thấp hơn mức lương thử việc đã thoả thuận. Tôi thắc mắc thì sếp bảo đó là quy định, rồi đem lỗi này lỗi nọ ra để làm cớ trả lời. Dù lúc đó tôi rất thất vọng nhưng phải cố làm việc. Làm việc để nhận lương, dù ít nhưng có nó thì cuộc sống đắt đỏ ở thành phố mới được duy trì, với các nhu cầu cơ bản như tiền thuê trọ, ăn uống… Lúc này đâu thể làm gánh nặng cho cha mẹ, xin tiền mỗi tháng nữa, phải không?

Thế là tôi nhận ra ai cũng có thể trở thành một người cô đơn ở những văn phòng. Mặc dù chuyên môn, cách làm việc của họ không tồi. Nhưng chính sự thiếu vắng tương tác, kết nối với sếp, đồng nghiệp và công ty đã làm cho họ cô đơn. Lúc đó, tôi rất ghen tị với vài người bạn là người Sài Gòn, có nhà ở Sài Gòn. Vì đơn giản, nếu cảm thấy công việc không thoải mái, họ có thể nghỉ ngay, từ từ kiếm việc sau những vẫn có nhà, có gia đình. Còn những người ở quê lên phố thì sẽ rơi vào trạng thái lạc lõng vì thất nghiệp tạm thời, lo sợ tiền nhà.

Chính vì vậy, tôi mới ngộ ra và không cho phép bản thân đâm đầu vào những nơi làm việc mà lương thấp hơn công sức bỏ ra. Tôi cắn răng làm việc ở công ty đầu tiên một năm, vừa tích luỹ tiền, vừa tìm kiếm hướng đi mới. Đến nay, lương và công việc ổn, có gia đình nên dù công việc văn phòng có buồn tẻ đến đâu tôi cũng chịu được.

Tôi có biết một số bạn trẻ, là đồng nghiệp trong công ty mới đi làm cũng trải qua thời gian nhàn nhạt, dù chán việc nhưng cũng phải cố làm mà không dám nghỉ. Sau này vài năm họ vẫn ù lỳ như thế. Thậm chí, một số vị trí ở công ty tôi trả lương thấp hơn 10 triệu đồng nhưng họ vẫn làm năm này qua năm khác. Ngày ngày lầm lũi và trông rất bí bách. Trẻ thì không sau nhưng khi ngày càng nhiều tuổi rồi mới thấy sự ngột ngạt của cuộc sống lúc đó.

Vì vậy, cốt yếu của việc đi làm văn phòng là tranh thủ kiếm nơi trả lương mà cuộc sống của mình thoải mái, dù thấy chán nản hay cô đơn cũng không sao. Nếu có, thì đó là một cơ hội để phát triển sự nghiệp ở bên ngoài. Còn vừa chán nản mà vừa lương thấp thì thật sự thảm hoạ.

Nguyễn Thăng

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *