‘Tại sao giàu mà không đi làm từ thiện?’

Tôi bắt gặp rất nhiều người bình luận trên mạng: “Sao giàu mà không góp tiền làm từ thiện đi?”.

Từ xưa đến nay, trong xã hội chuyện người giàu kẻ nghèo là khó tránh khỏi. Những hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống với nhiều nguyên nhân và nhiều hình thức. Có người thiếu thốn vật chất, những đứa trẻ thiếu mất mái nhà hoàn chỉnh có cả cha lẫn mẹ, cụ già quên mất lần cuối cùng đoàn tụ gia đình là khi nào chỉ có thể ngồi bần thần cô quạnh một góc nhà neo đơn.

Đâu đó trong cuộc sống này, bất hạnh là cụm từ chưa bao giờ có thể lường trước được.

Từ những cảm thông và thấu hiểu, những người có điều kiện hơn không chỉ thiên về vật chất đã giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình, người ta gọi nôm na là “từ thiện”.

“Từ thiện là một hành động giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với người khác xuất phát từ tấm lòng nhân ái (thương người). Từ thiện là một từ Hán Việt (慈善) kết hợp giữa hai từ: “Từ” là nhân từ, từ tâm và “Thiện” là tốt lành.

Vậy từ thiện có nghĩa là làm việc tốt từ lòng thương người, tự nguyện, nên không có một nguyên tắc bắt buộc nào, nhưng phải đi chung với việc không vụ lợi và tự nguyện làm những điều tốt”.

Năm 2020 rải màu đen tối khắp nơi. Không chỉ Việt Nam mà cả thế giới phải chịu nhiều hậu quả từ dịch bệnh, hạn mặn và gần đây nhất là những cơn bão tàn phá miền Trung nặng nề. Và lúc này đây những cá nhân, tổ chức ra sức giúp đỡ những vùng khó khăn, những hành động cao đẹp đó đã làm vơi đi nhiều áp lực xã hội.

Song tôi tự hỏi, có phải từ “từ thiện” đang dần bị hiểu sai hay không? Dạo quanh những trang tin tức Facebook không khó để gặp tin tức liên quan về lũ lụt và các hoàn cảnh cơ nhỡ hay những tin người nổi tiếng tham gia giúp đỡ người nghèo. Không khó để bắt gặp những phát ngôn thế này:

“Tại sao cô ta/ anh ta giàu như thế mà chỉ giúp mỗi 50 triệu”.

“Có tiền nhiều sao không đi từ thiện đi”.

“Đi từ thiện mà khoe khoang, trang điểm đậm như thế thì chắc là dàn dựng rồi”.

“Đừng khoe tiền nữa, miền Trung đang thiếu thốn kìa sao mày không giúp”.

Cá nhân tôi nhận thấy, từ thiện là xuất phát tại tâm không thể bắt buộc ai đó phải giúp bằng vật chất với số lượng lớn hay nhỏ, cũng không thể bắt buộc người khác phải theo khuôn khổ mình đặt ra cứ giàu/ nổi tiếng là phải giúp.

Những thứ ép buộc dù có làm cũng không làm người cho vui và việc thiện cũng chẳng có ý nghĩa. Những hành động từ thiện thì đâu thể cân đo đong đếm, bạn gửi một ít tiền cho cụ già bán vé số đó là hành động từ thiện, nhắc ai đó gạt chống xe hay an ủi một người bạn đang đau khổ đều là từ thiện bằng tinh thần hay lời nói. Nói cách khác dường như nhiều người chỉ đang nghĩ từ thiện chỉ có thể làm bằng tiền, đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm.

Có câu “của cho không bằng cách cho”, em học sinh lớp hai mang hết tiền tiết kiệm đóng góp cho khu cách ly thật đáng ngưỡng mộ, có người mẹ già đi bộ hơn 10km mang vài bó rau tặng các anh bộ đội biên phòng có đáng quý không?

Miền Trung đang gồng mình chịu đựng, những gói mì, những bao gạo từ phương xa gửi đến tận tay hay những lời động viên, nguyện cầu từ các bạn trẻ trên khắp cả nước đã là cách an ủi, truyền động lực cho miền Trung thêm mạnh mẽ. Của ít lòng nhiều mọi sự đóng góp đều đáng trân trọng như nhau, ai có nhiều thì góp nhiều, ít thì góp ít, không có thì góp bằng tinh thần và sức lực.

Vì thế thay vì bắt buộc người khác phải làm thế nọ, thế kia bạn hãy dành những gì mình có thể san sẻ cho đi và thôi áp đặt.

Mỹ Dung

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *