‘Tết không cỗ bàn, phụ nữ chắc gì đã vui’

Thương mẹ mấy chục năm cặm cụi nấu cỗ bàn, chúng tôi quyết định mua toàn đồ ăn sẵn, chế biến nhanh về cất tủ, ăn Tết.

Cứ mỗi dịp Tết đến, người ta lại xôn xao bàn tán câu chuyện “sợ Tết” của nhiều chị em phụ nữ khi phải vùi đầu vào nấu nướng, bếp núc, lo cỗ bàn từ sáng tới khuya. Nhưng có phải tất cả phụ nữ đều ghét việc “phải làm dâu hiền, vợ đảm” ngày Tết? Tôi xin kể lại câu chuyện của gia đình mình, hy vọng các bạn sẽ có cái nhìn khác, nhẹ nhàng hơn về Tết:

Gia đình tôi có năm người: cha, mẹ và ba chị em tôi. Cha mẹ tôi đã ngoài 50 tuổi, còn mấy chị em chúng tôi cũng đều đi học đại học, đi làm cả. Thường ngày, các con đi từ sáng tới tối nên mẹ vẫn lo quán xuyến mọi việc trong nhà: từ đi chợ, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ… Chúng tôi vẫn gọi vui rằng mẹ là “chủ nhà” này vì việc gì trong nhà từ lớn tới nhỏ cũng tới tay.

Gia đình chúng tôi ở ngoài Bắc, thế nên bao đời nay vẫn giữ nguyên các phong tục cổ truyền, nhất là các dịp lễ Tết. Nhà tôi có thói quen làm cỗ bàn, thắp hương đủ năm ngày Tết. Nếp sinh hoạt này từ thời cụ kỵ xa xưa để lại và vẫn còn lưu truyền tới tận ngày nay. Cũng vì thế mà mẹ tôi từ khi về làm dâu, đã quen với việc chuẩn bị mâm cỗ Tết để thờ cúng tổ tiên.

Lịch trình mấy ngày Tết của mẹ tôi như sau: Trước Tết một, hai ngày, mẹ đi chợ mua đủ thứ lương thực, thực phẩm tươi sống về để chuẩn bị cỗ bàn. Có bữa mẹ phải đi đi về về tới 3 lượt mới vác hết được đồ về nhà. Từ 30 Tết trở đi, mẹ bắt đầu chuỗi ngày nấu và nấu. Mẹ dậy từ 5h sáng, hỳ hục trong bếp, làm đủ mâm cỗ gồm canh măng, bánh chưng, nem, món xào, thịt gà luộc, cơm, giò… Loạy hoay trong bếp, phải tới 10h mới xong đủ món, vừa kịp giờ thắp hương. Ăn xong, dọn dẹp, rửa bát cũng là 14h. Nghỉ ngơi một chút, 15h mẹ lại bắt đầu vào bếp với bữa cơm buổi chiều. Mọi công việc bếp núc chỉ kết thúc vào lúc 21h tối. Mẹ lên giường đi ngủ và sẵn sàng cho nhưng buổi tiếp theo.

Vòng quay ấy cứ lặp đi lặp lại, kéo dài từ năm này qua năm khác mà không hề có dấu hiệu giảm bớt. Thương mẹ mấy chục năm vất vả, cặm cụi cỗ bàn ngày Tết mà chẳng được nghỉ ngơi, năm rồi, chị em chúng tôi bàn nhau mua một loạt đồ ăn sẵn, đồ chế biến nhanh về chất đầy tủ lạnh. Chúng tôi nói vui với cha mẹ rằng “năm nay, cả nhà mình ăn Tết kiểu Tây”.

>> Phụ nữ hiện đại có cần làm việc nhà?

Những tưởng, sáng kiến của chúng tôi sẽ giúp mẹ bớt mệt và có nhiều thời gian vui chơi ngày Tết hơn, nhưng sự thực không hoàn toàn như những gì tưởng tượng. Quả thực mẹ có nhàn hơn nhiều nhưng vui Tết thì không. Mẹ vẫn dậy từ 5h sáng, xuống bếp, đi ngó nghiêng, lòng vòng rồi lại lên phòng. Không có việc gì làm, tôi để ý mẹ hay ngồi thẫn thờ, chân tay bứt rứt, tậm trạng không mấy thoải mái.

Bữa cơm Tết giờ chỉ làm trong chưa đầy một tiếng gồm nhiều món ăn sẵn như thịt nguội, thịt xông khói, dăm bông, xúc xích, nem đông lạnh… Mẹ gần như ít phải tự tay chế biến gì, chỉ cần chuẩn bị, sắp xếp đôi chút là xong. Thời gian thừa, mẹ lại ngồi vẩn vơ.

Ban đầu, tôi nghĩ có lẽ vì chưa quen nên mẹ mói vậy, nhưng một ngày, hai ngày, rồi ba ngày trôi qua, mẹ vẫn không có thay đổi gì về tâm trạng, mà thậm chí còn ngày một trầm lắng hơn.

Tôi quyết định hỏi mẹ xem có chuyện gì? Mẹ nói rằng “đúng là có đỡ vất vả hơn thật, nhưng mẹ thấy có chút buồn vì không còn được tự tay làm đồ ăn cho cả nhà và thắp hương cho ông bà tổ tiên. Với mẹ đó không chỉ là nghĩ vụ, trách nhiệm mà còn là niềm vui khi được chăm sóc gia đình, thấy mình có ích hơn”. Mẹ bảo: “Tết kiểu truyền thống dù có chút mệt nhưng ấm áp và có ý nghĩa hơn. Chứ Tết kiểu Tây nhàn thật đấy nhưng lạnh lẽo và thừa thãi sao sao vậy”.

Giờ thì tôi hiểu vì sao mấy chục năm nay mẹ đầu tắt mặt tối nấu nướng mà không một lời kêu than. Đơn giản vì mẹ làm bằng tình yêu và nhiệt huyết dành cho gia đình. Với phụ nữ Việt nói chung, tôi nghĩ cũng vậy, nếu các bạn coi việc nấu ăn ngày Tết (và cả năm) là niềm vui, là cảm giác hạnh phúc khi được tự tay chăm chút cho gia đình của mình, được làm người “chủ nhà” thực thụ, bạn sẽ thấy rất nhẹ nhàng và không còn quá áp lực. Nghỉ Tết không có nghĩa là bạn cứ phải không làm gì, chỉ cần được làm những thứ có ý nghĩa với bản thân và gia đình, Tết chỉ nấu với nướng cũng vẫn vui.

Năm nay, chúng tôi không mua đồ ăn sẵn nữa mà sẽ dành thời gian cùng mẹ đi chợ, mua sắm đồ ăn, thức uống chuẩn bị Tết. Nhà tôi vẫn sẽ làm cỗ thắp hương đủ ngày như mọi năm, chỉ có điều mẹ sẽ có thêm những phụ bếp sẵn sàng hỗ trợ mọi lúc mọi nơi. Tết là dịp để sum vầy, cùng nhau nấu ăn, dọn dẹp, bày biện mâm cỗ cũng tổ tiên… vậy thôi là đủ rồi!

Phạm Bảo Trâm

>> Chia sẻ câu chuyện ăn Tết của gia đình bạn tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Tôi cân đối việc công ty và nhà cửa

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *