Tết mùa Covid của người Việt xa xứ

Tôi sẽ kể cho con nghe về Tết Việt, gọi điện chúc Tết cha mẹ và mong về một ngày không xa các chuyến bay hồi hương được mở lại.

Việt Nam đang bước vào những ngày cận Tết. Dù tất bật với công việc nơi xứ người, dù mùa đông tuyết lạnh và dịch bệnh vẫn còn gia tăng, tôi vẫn nao nao với nhiều cung bậc của cảm xúc khi chứng kiến mọi người ở quê nhà đang chuẩn bị đón Tết. Đó cũng là tâm trạng chung của bao du học sinh, sinh viên không thể về quê Tết này vì dịch bệnh Covid.

Chính tôi cũng có những trải nghiệm của một sinh viên xa xứ khi một mình ở xứ người vào ngày Tết. Lúc đó, tôi cũng một mình ngồi ăn bánh chưng, ngắm tuyết rơi, và tung tăng chạy nhảy một mình, luôn cố cười nói mỗi khi gọi điện thoại về cho mẹ, nhìn màn hình để thấy cảnh quê nhà. Người đi chưa chắc là người quên, thực ra họ chỉ cố đè nén cảm xúc, để mạnh mẽ trước thách thức xứ người và tập trung lo hoàn thành trách nhiệm của bản thân. Tôi dừng lại công việc một chút và cho phép mình sống chậm lại, nghe thêm một bài hát thân quen để vơi đi nỗi nhớ.

Mẹ là người truyền cảm hứng, động lực để tôi luôn mỉm cười trước bao thử thách… Tuổi thơ của tôi là những buổi trưa đầy nắng bên quán cà phê vỉa hè của mẹ và thấy được bao nhiêu mảnh đời với những câu chuyện nơi xóm nghèo. Tôi nhìn thấy sự tận tụy của mẹ khi châm từng ly cà phê cho khách dù ai khen – khinh. Nghề nào cũng cao quý, miễn là lao động chân chính. Có lẽ vậy mà cô bé ngây ngô đã dần hiểu được giá trị của lao động và sự nỗ lực. Suy nghĩ đó đã theo tôi suốt quãng đưòng dài.

Chỉ có sự can đảm và nỗ lực, những người xa xứ mới có thể nén lại những cảm xúc và biến những gam màu tối thành động lực khi một mình nơi xứ người. Chúng tôi tự tạo một bức tranh đầy màu sắc cho cuộc đời mình, như ly cà phê sữa đá, phải trộn lẫn giữa màu trắng và đen mới tạo được một thứ màu đẹp khác.

Thomas Edison từng nói: “Thiên tài chỉ có 1% là may mắn, 99% còn lại là mồ hôi và nước mắt”. Và họ vẫn luôn khiêm tốn để biết rằng mình vẫn phải nỗ lực từng ngày theo nhịp điệu quay cuồng trong một môi trường làm việc chuyên nghiệp ở xứ người. Nhưng sâu thẳm bên trong, họ vẫn luôn hướng về quê hương, luôn trở về những ngày Tết dù chỉ là trong tâm thức.

“Được trở về là có Tết”. Nhưng vì nhiều lý do, nhiều người không được ở trong căn nhà của mình, cùng đón Tết với gia đình; hay không đủ may mắn để có mẹ và người thân bên cạnh nơi xứ người; thậm chí họ cũng chẳng có ai để quay về… nhưng quan trọng là chúng ta luôn nghĩ về người thân, quê nhà trong tim. Nghĩ về Tết, hồi tưởng tới cái bánh tét, bánh chưng ở nơi xa cũng là như có Tết, và được trở về.

Năm nay, khi cho các con ngủ, tôi sẽ lại kể cho chúng nghe về Tết của tuổi thơ mình, gọi điện chúc Tết cha mẹ. Với tôi, vậy là đã được trở về ngày Tết rồi. Tôi mong một ngày, khi bầu trời lại được đón nhận những chuyến bay hồi hương, tôi sẽ lại được nhâm nhi ly cà phê sữa đá vỉa hè cùng người thân, gia đình. Chúc mọi người luôn có Tết trong lòng với chữ ‘an’ dù ở bất cứ chân trời nào.

Vi Thanh Son

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Mẹ, con không về

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *