Thách thức cho giáo viên khi học sinh dùng điện thoại

‘Tôi hỏi học sinh một ngày rời xa điện thoại được bao lâu, có em trả lời rằng chỉ không dùng khi đi ngủ’.

Việc cho phép học sinh dùng điện thoại trong lớp học là nỗi băn khoăn của nhiều giáo viên và phụ huynh. Nhiều độc giả cho rằng nếu kiểm soát không tốt hại sẽ nhiều hơi lợi:

Các em học sinh còn ở lứa tuổi nhỏ, chưa tự kiểm soát được việc sử dụng điện thoại, nên cần có cách quản lý phù hợp. Trường hai con tôi đang theo học có quy định rõ ràng:

– Học sinh cấp I không được mang theo điện thoại, trường hợp ngoại lệ cần có sự xin phép của phụ huynh (tôi liên hệ trường xin phép cho con sử dụng điện thoại đơn giản, nhưng không dùng trong lớp, để liên hệ với bố mẹ trong trường hợp lái xe chưa tới đón).

– Học sinh cấp II trở lên được dùng điện thoại trong những khu vực nhất định của trường. Trường có một phòng riêng cho phép các con sử dụng điện thoại. Sự cám dỗ của thiết bị điện tử là rất lớn. Nếu không có cách quản lý phù hợp thì không tránh được những tác động tiêu cực tới học sinh.

Pham Thi Phuong Hoa

Là một giáo viên tôi thấy việc cho học sinh mang điện thoại đến trường có hại nhiều hơ lợi. Người lớn hãy thử hỏi chính chúng ta khi đang họp có lấy điện thoại ra bấm bấm không? Các em còn nhỏ, việc sao nhãng là bình thường. Chưa kể các em mang điện thoại đến lớp chủ yếu lướt Facebook, chơi game và các thú vui khác. Thử hỏi 1.000 em xem có được nổi một, hai em dùng vào học tập không? Chưa kể đang nhắn tin, lướt face, chơi game mà đến giờ học chắc các em không khỏi phân tâm.

Cho học sinh mang máy tính (không sim) tới lớp có vẻ hợp lí hơn, và học sinh chỉ có thể kết nối wifi của trường. Như vậy chỉ khi nào giáo viên cho phép và mở wifi thì học sinh mới dùng được cho học tập.

Phạm Nghĩa

Thầy cô đã nhiều việc, giờ thêm việc giám sát việc sử dụng điện thoại của học sinh. Giờ ra chơi vốn đã ít ỏi, cơ hội hiếm hoi để trẻ vận động thì chúng lại dán mắt vào điện thoại. Nghĩ xuôi, nghĩ ngược kiểu gì cũng chỉ thấy hại chứ không thấy lợi gì.

Tôi khẳng định sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin thì chỉ là cách ứng dụng sơ đẳng nhất, không có tí hàm lượng công nghệ hay IT gì ở đây cả. Trang bị phòng máy tính hiện đại, đầy đủ cho tất cả các trường, tăng thời lượng học trên máy tính, học ít nhất một ngôn ngữ lập trình cho học sinh khối PTTH trở lên… mới là những giải pháp lâu dài cho một thế hệ trẻ giỏi công nghệ. Cái iPad còn có thể hữu ích cho việc học vì thay thế được vở ghi chép, chứ điện thoại thì không, hại thị lực và quá mất thời gian.

Peony Nguyen

Đa số học sinh bây giờ chăm chăm nhìn vào màn hình điện thoại để lướt Facebook. Học sinh nữ lên các trang bán hàng online để tìm hàng thời trang, nam thì chơi game online. Ở một số trường, đáng lẽ giáo viên nên phạt học sinh sử dụng điện thoại không đúng mục đích, giao cho giám thị xử lý, thì họ chỉ nhắc nhở và trả lại điện thoại cho học sinh. Cứ thế thành nếp quen, học sinh không biết sợ. Chẳng biết được bao nhiêu em sử dụng điện thoại vào mục đích học khi đang ở lớp.

Chúng ta không cấm học sinh sử dụng điện thoại, nhưng các em phải biết sử dụng điện thoại đúng nơi đúng lúc. Là một giáo viên, đang giảng bài trên lớp thấy các em lấy điện thoại ra lướt là tôi rất bực mình. Nhắc nhở thì mất hết thời gian trong khi một tiết học có 45 phút.

Tôi từng hỏi các em một ngày bỏ cái điện thoại ra khỏi người được bao nhiêu phút? Có những học trò trả lời “nó là sinh mạng của em”, dường như chỉ có ngủ mới không xài tới nó, thử hỏi như vậy làm sao mà học hành gì nữa?

Bộ Giáo dục cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp là một thách thức vô cùng lớn đối với giáo viên, vì học sinh có ý thức dùng điện thoại thoại để học tập chỉ chiếm phần thiểu số.

A Khắc Thiên Kiều

Hữu Nghị tổng hợp

>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *