Thành kiến ‘đàn ông ở nhà nội trợ là thiếu bản lĩnh’

‘Sao làm đàn ông lại ở nhà trông con?’, nhiều người mỉa mai chồng tôi khi anh quyết định nghỉ việc, lo nội trợ để vợ đi làm kiếm tiền.

Xung quanh câu chuyện “Chồng chọn chăm con để tôi kiếm tiền“, độc giả Họ và tên bày tỏ quan điểm về thành kiến cho rằng đàn ông không đi làm kiếm tiền, chỉ ở nhà nội trợ là thiếu bản lĩnh: “Khoảng 15 năm trước, tôi có quen một cậu bạn học cùng đại học. Vợ người này sinh con được khoảng một năm thì chồng nghỉ việc hẳn do mâu thuẫn với lãnh đạo. Sau đó, bạn tôi chấp nhận ở nhà trông con để vợ đi làm. Khi lấy vợ, có con, tôi cũng ở nhà trông con nhiều hơn so với vợ.

Do tôi làm việc tự do nên chỉ cần biết sắp sếp thời gian hợp lý là có cơ hội ở nhà nhiều hơn vợ, chứ không phải tôi lười đi làm. Tuy nhiên, tôi vẫn đảm bảo công việc và thu nhập. Đến nay, con gái lớn của tôi đã học lớp 8. Một mình tôi lo tắm rửa cho cả hai con. Chỉ khi không thấy có gì áy náy với bản thân, tôi mới làm được như vậy, còn người không có bản lĩnh thì cũng chẳng làm được gì, cho dù là việc trông con”.

Đồng quan điểm, bạn đọc Khuongngoc nhấn mạnh sự đồng cảm dành cho những người đàn ông nội trợ: “Đàn ông chăm con nhiều lúc rất stress, nhưng một khi họ đã làm thì gần như không quát nạt, to tiếng với con. Tôi cũng là đàn ông chăm con nhưng vẫn làm vài công việc không liên quan đến bằng cấp để có thu nhập. Chí ít là cho bản thân và quà bánh cho hai con. Lúc dịch bệnh, lũ lụt, người người thất nghiệp, nhà nhà khó khăn, làm gì cũng được, miễn sao không vi phạm pháp luật là được, đâu cần phải sĩ diện”.

Độc giả Lin9664 nhấn mạnh sự đồng cảm: “Chuyện này tùy thuộc hoàn cảnh, cuộc sống và công việc của mỗi cặp vợ chồng. Lương tháng của tôi cao hơn nên sau khi sinh bé thứ hai, tôi bàn bạc để chồng ở nhà chăm con và tôi đi làm. Chồng đồng ý và tới giờ đã được hơn 5 năm. Tôi cảm thấy chồng mình rất giỏi giang và bản lĩnh, vì tôi biết mình sẽ không chăm con tỉ mỉ và giỏi bằng chồng. Tôi chưa từng phải mua tã lót, bàn chải đánh răng hay mấy thứ linh tinh cho hai đứa con. Vậy mà cuộc sống gia đình tôi vẫn hạnh phúc bình thường. Vợ chồng cần nhất là hy sinh, đồng cảm, và quan trọng nhất là biết cám ơn ‘đối phương’ “.

>> Tôi sẵn sàng trông con, làm việc nhà để vợ đi làm kiếm tiền

Bạn đọc Trương Trung lấy dẫn chứng từ chính gia đình mình: “Thật buồn cười khi trong một xã hội đề cao sự bình đẳng nam nữ mà người đàn ông ở nhà nội trợ, chăm con lại bị cho rằng không có bản lĩnh và tự trọng. Mỗi nhà mỗi cảnh, ai làm kinh tế tốt hơn thì đi làm, người ở nhà chăm con cũng tress cũng cực trăm bề chứ không đơn giản. Khi con cứng cáp rồi, vợ chồng có thể sắp xếp lại công việc, gửi con đi nhà trẻ, và cả hai động viên nhau cùng đi làm sau.

Các bạn thử nghỉ ở nhà một tuần để chăm con đi rồi hãy phán xét ‘sức dài vai rộng nằm nhà sung sướng’. Chăm con không phải là việc bản năng của đàn ông. Tôi cũng từng chăm con nên rất hiểu, công việc này stress hơn cả đối với phụ nữ nhiều. Nhưng tình cảnh bắt buộc nên tôi buộc phải làm. Người phụ nữ tâm lý nên động viên chồng”.

Chia sẻ kinh nghiệm giữ gìn hạnh phúc gia đình khi chồng ở nhà nội trợ, độc giả Phm khuyên đưa ra lời khuyên: “Tôi kể câu chuyện của mình để các bạn không còn chê bai những người đàn ông ở nhà trông con. Khi tôi sinh bé đầu được hai tháng, công việc của chồng tôi không ổn. Tôi bàn bạc để anh nghỉ việc, còn bản thân đi làm khi con mới ba tháng tuổi. Thực sự, đến giờ, tôi vẫn thương chồng thời điểm đó. Đàn ông chăm con cực hơn phụ nữ gấp đôi vì không thể cho con bú.

Thỉnh thoảng, chồng bế con ra ngoài, nhiều người hỏi sao không đi làm, cho vợ ở nhà, nên chồng cũng dễ bị buồn bực và khó chịu. Có lần đi ăn cỗ chung, có người còn vô duyên hỏi cả hai vợ chồng tôi rằng ‘sao đàn ông lại ở nhà trông con?’. Tôi nói thẳng rằng ‘con là con chung, ai ở nhà chăm hay ai đi làm cũng đều như nhau cả, miễn không phải ra đường ngửa tay xin ai cơm ăn là được’.

Chồng tôi ở nhà sáu tháng, càng ngày càng hay tự ái và dễ nổi cáu, thậm chí mất cả tự tin. Tôi thỉnh thoảng vẫn mua vài lon bia, hai vợ chồng ra sân ngắm trăng và nhậu, rồi nghe nhau kể những khó khăn của mình. Chúng tôi lại quyết định cùng nhau đi nộp hồ sơ xin việc cho anh, mỗi lần anh phỏng vấn tôi đều nghỉ đi cùng cho vui. Giờ đã hơn 10 năm, chúng tôi đã có ba nhóc ngoan ngoãn và cuộc sống rất ổn.

Tôi muốn nói rằng, khi đã kết hôn có nghĩa là chúng ta đã chọn cho mình người bạn đồng hành, dù trong lúc vui vẻ, buồn phiền hay chông gai, thử thách. Ra ngoài cũng là làm, ở nhà chăm con hay làm việc nhà cũng là làm. Hãy cùng nhau cố gắng, thấu hiểu cho nhau mới đến ngày nhận được trái ngọt”.

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Lê Phạm tổng hợp

Lấy chồng không giỏi kiếm tiền

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *