Thế hệ ‘cắm mặt’ vào điện thoại

‘Công ty tôi vừa phải cho một nhân viên trẻ nghỉ việc vì lý do ngồi làm việc cứ cắm mặt vào cái điện thoại để chát chít vô bổ’.

Chia sẻ về thực trạng lạm dụng smartphone, độc giả Thanh Ngo chia sẻ nỗi bức xúc trước thói quen này của nhiều người trẻ: “Nhìn xã hội bây giờ nhiều lúc tôi thấy chán nản. Vào thang máy, nhiều người cắm mặt vào điện thoại đến mức quên cả bấm số tầng, đến nơi quên cả đi ra. Bạn bè hẹn nhau đi cà phê mà mỗi người cắm mặt vào một cái điện thoại. Nhiều người ra đường vừa đi xe máy vừa cắm mặt vào lướt mạng xã hội…”.

Cùng chung cảm xúc, bạn đọc Tucaotudai83 thừa nhận: “Đi thang máy, tôi nhìn thấy nhiều người cứ cắm mặt vào điện thoại lướt lướt, quên cả việc bấm số hoặc đi ra khi thang đến. Có vẻ họ rất bận nên không có nổi một, hai phút để dừng được việc sử dụng điện thoại cho mắt nghỉ ngơi”.

“Công ty tôi cũng vừa cho một nhân viên nghỉ việc cũng vì lý do lướt điện thoại mọi lúc mọi nơi. Học đại học ra, nhiều bạn trẻ kỹ năng không có, nhưng đến văn phòng cũng không có ý thức tập thể, ngồi làm việc cứ cắm mặt vào cái điện thoại để chát chít vô bổ. Kết quả là bị sếp cho nghỉ trước khi kịp nhận tiền thưởng Tết. Đó là một cái giá không hề rẻ”, độc giả Dtsc.dtsc chia sẻ.

Ngay cả trong gia đình, điện thoại cũng dần thay thế cho những giao tiếp cơ bản của con người, bạn đọc Hân nhận định: “Chồng tôi đưa vợ đi mua sắm, ngồi chơi điện thoại, không có chỗ ngồi thì đứng chơi. Đi làm về ăn cơm xong là chồng đeo tai nghe, chơi điện thoại đến lúc ngủ. Hai vợ chồng đi uống cà phê, chồng cũng bấm điện thoại. Đi ăn đêm, lúc chờ đồ ăn ra, chồng cũng bấm luôn. Không điện thoại thì chuyển qua TV, máy chơi game các thể loại…”.

Cùng chung hoàn cảnh, độc giả Tên Không Đẹp bày tỏ: “Nhiều gia đình ở chung nhà nhưng khi mẹ bệnh nằm trong phòng phải nhắn tin cho con mang đồ vào giúp, vì gọi chẳng đứa nào nghe. Bi kịch của thời hiện đại đang đến gần. Bố mẹ ơi, làm ơn cất điện thoại khi về nhà!”.

Bạn đọc Binary.vn87 nói rõ trách nhiệm thuộc về ai: “Nhiều bà mẹ phải đưa con đến chuyên gia tâm lý, nhưng được giải thích rồi vẫn không hiểu tại sao con mình có những biểu hiện bất thường. Quả thật, tác hại là khôn lường. Công nghệ 4.0 không có lỗi, lỗi ở người dùng”.

Thành Lê tổng hợp

>>Bạn nghĩ gì về thực trạng sử dụng smartphone của nhiều người trẻ hiện nay? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Những bố, mẹ bị xếp sau Facebook, YouTube

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *