Thế hệ ‘thương cho roi cho vọt’

Rất nhiều người thuộc thế hệ xưa cũ như tôi không lạ gì chuyện bị bố mẹ đánh, thầy cô phạt, nhưng vẫn nên người mà chẳng hề thù hận.

“Tôi thấy xã hội bây giờ nhiều người chưa hiểu đúng, và cũng đang áp dụng sai câu nói ‘thương cho roi cho vọt’. Đánh hay không đánh là quan điểm giáo dục mỗi người, cũng rất khó để nói ai đúng, ai sai? Rất nhiều người thuộc thế hệ xưa cũ như tôi không lạ gì chuyện bị bố mẹ đánh, cũng chẳng ít lần không nghe lời trên lớp rồi bị cô giáo búng tai, vụt thước kẻ vào tay… Nhưng chúng tôi cũng vẫn nên người mà chẳng hề thù ghét những người đã giáo huấn mình khi xưa.

Tại sao vậy? Vì mọi người cần hiểu từ ‘đánh’ ở đây phải xuất phát từ một lý do chính đáng, và tuyệt đối không được đánh đòn thù (tức đánh cho sướng, đánh với thái độ hung bạo, bạo lực gia đình, đánh tới chết…). Khi khái niệm ‘đánh’ được hiểu và áp dụng đúng để giáo huấn con cái nên người với mức độ phù hợp, tôi thấy hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Nhưng nếu vì đứa con trốn một buổi học mà sút thẳng chân vào bụng chúng, thậm chí gần đây có bài báo bố cầm đũa đâm chết con thì rõ ràng phải xem lại các ông bố, bà mẹ này có phải đang dạy con hay đấy chỉ là lý do để ngụy biện cho thói quen bạo hành gia đình”.

Đó là quan điểm của độc giả Môn Khánh xung quanh câu chuyện “Có nên ‘thương cho roi cho vọt’?“. Trong truyền thống văn hóa của Việt Nam, con cái luôn được yêu thương bảo bọc nhưng đồng thời vẫn cần tới “roi vọt” cho con nên người. Nhiều người cho rằng, chiều chuộng có thể dễ khiến trẻ hư hỏng, khó bảo nhưng dùng đòn roi để dạy dỗ liệu có giúp con trở thành người có ích, hạnh phúc?

Khẳng định việc cần phân định rõ giữa sử dụng đòn ron để dạy dỗ với bạo lực, bạn đọc Laidinhdat nhấn mạnh: “Phạt roi không có nghĩa là bạo lực, đó là hình phạt cao nhất cho một đứa trẻ ương bướng, dạy cho con tập tuân theo kỷ luật, biết đớn đau mà không làm việc sai trái. Tuy nhiên, phạt roi là hình phạt mà người lớn cần tỉnh táo và áp dụng đúng lúc và cẩn trọng.

Vì trẻ con cũng có nhiều loại tính cách. Có em không cần nói, chỉ cần lườm thôi là đã đủ mức độ giáo dục; có trẻ lại chỉ cần khuyên bảo là đủ; còn một nhóm nữa là tất cả các biện pháp kia điều vô hiệu. Lúc này, chúng ta nên làm sao? “Vừa đánh, vừa xoa” có được không? Hay cứ để mặc kệ chúng theo kiểu “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”… và hậu quả là ta thấy những đứa trẻ mới chỉ 13, 14 tuổi đã hư hỏng. Đây mới là bất hạnh lớn lao cho trẻ, cho gia đình, và cho xã hội.

Chắc các bạn còn nhớ, nhà thơ Giang Nam cũng bị đánh đòn vì tội trốn học. Nhưng may mà nhờ chiếc roi của mẹ đã làm ông nên người, và kỷ niệm những trận đòn roi đã được ông dệt thành thơ, thành nhạc: “Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm. Có những ngày trốn học bị đòn roi…”.

>> ‘Thầy cô ngày xưa đánh học sinh không phải để đau’

Con không ăn ngoan, đánh. Con không ghe lời, đánh. Con phá phách đồ đạc, đánh. Đó là thói quen của nhiều cha mẹ Việt. Bạo lực lên ngôi khi bố mẹ phát hiện rằng giải quyết mọi việc bằng đòn roi nhanh hơn lời nói. Đó cũng là lúc bố mẹ ít kiên nhẫn hơn khi dạy dỗ con cái, giảng giải về tính đúng sai của sự việc. Roi vọt chỉ có hiệu quả khi răn đe, ví dụ khi bé còn nhỏ và không nghe lời, một cái khẽ tay sẽ làm cho bé ngoan ngoãn nhưng những trận đòn kéo dài sẽ không phải là giải pháp tối ưu.

Độc giả Thu7757 nhấn mạnh việc lạm dụng đòn roi trong giáo dục con trẻ: “Phụ huynh thường hay theo quan điểm cá nhân của mình, bực lên là phạt, không đúng ý là đánh vài roi… Đó cũng là sự lạm dụng hình phạt để giải toả cho bản thân. Cứ cộng dồn lại các lần phạt vài roi ấy cho đến hết tuổi thơ thì trẻ em sẽ bị đánh nhiều vô kể và ăn đòn vì đủ thứ lý do. Các cha mẹ đánh con lý luận rằng đó là thương con, chê các bố mẹ không đánh con là nuông chiều, sau này con hư lại khổ cho gia đình và xã hội.

Ngược lại, các gia đình không có quan điểm đánh con lại cho rằng những bố mẹ dùng đòn roi kia không hiểu gì về sự khác nhau giữa nuông chiều và bạo lực, đánh vụt roi vào thân thể người khác chính là bạo lực. Thế nên, đừng mang quan điểm mình đánh con mình để cho rằng thế mới là ngoan, là chuẩn cho người khác, coi họ là có vấn đề và những đứa trẻ không bị đòn roi chế ngự sẽ là mối hiểm hoạ sau này cho xã hội, lớn hơn là những đứa trẻ bị ăn đòn.

Thực tế, các trường hợp bố mẹ bỏ mặc, không quan tam đến con, nuông chiều để sau con sinh hư cũng cho thấy tác hại của trường phái không đánh con. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, số lượng con cái bị đòn rôi mà vẫn hư cũng nhiều không kém. Thế nên, đừng vội kết luận đòn roi là tốt hay xấu”.

Đó cũng là quan điểm của bạn đọc Đức Minh Dương: “Thương cho roi cho vọt, thực ra vẫn có thể áp dụng được. Nhưng chúng ta nên tiến hoá câu nói này của cha ông ta lên tầm cao mới, chứ đừng hiểu theo ý nghĩa thông thường. Cha mẹ phải hiểu theo cách sâu xa hơn. Tầm nhìn và tính cách mỗi người mỗi khác, vì thế cách áp dụng dạy con cái cũng sẽ khác nhau, không thể áp đặt như nhau được. Đánh hay không đánh con thì mục đích cuối cùng hướng tới cùng đều là để con cái phát triển theo hướng tích cực. Theo tôi, cái đó không hề khó, chỉ cần các bậc cha mẹ phảit thật tâm lý, bình tĩnh và tỉnh táo là được”.

Thành Lê tổng hợp

>>Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *