Thói quen cãi trọng tài của cầu thủ Việt

‘Thẻ đỏ của Duy Mạnh trước Saudi Arabia một lần nữa cho chúng ta thấy hình ảnh quen thuộc tại V-League khi cầu thủ cự cãi trọng tài’.

“Tôi thấy cần góp ý với Ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam cũng như các cầu thủ của chúng ta một điều rằng khi trọng tài đã đưa ra quyết định, cần kiềm chế tối đa, tránh lao đến cụ cãi với trọng tài. Hành động này chắc chắn sẽ bị xử phạt thẻ vàng hoặc thẻ đỏ. Điều đó không thay đổi được quyết định của trọng tài mà còn khiến đội nhà mất lợi thế. Cụ thể trong tình huống này, nếu Duy Mạnh ở phút 51 không phản ứng gay gắt với trọng tài thì sẽ không bị nhận thẻ vàng để rồi sau đó lĩnh thêm một thẻ vàng nữa và bị đuổi khỏi sân.

Trong lịch sử bóng đá thế giới, chưa bao giờ trọng tài thay đổi quyết định chỉ vì chính người gây ra lỗi ra cãi lại cả. Rất mong, ông Park và các học trò cần làm rõ vấn đề này cho các cầu thủ để tránh các trường hợp đáng tiếc như hôm nay. Bản thân ông Park cũng rất hay cãi trọng tài và không ít lần phải lĩnh thẻ phạt, cấm chỉ đạo trận sau”.

Đó là quan điểm của độc giả Nguyễn Minh Quân xung quanh tình huống Duy Mạnh phải nhận hai thẻ vàng và bị đuổi khỏi sân trong trận thua 1-3 của đội tuyển Việt Nam trước chủ nhà Saudi Arabia. Thẻ vàng đầu tiên của Duy Mạnh là do phản ứng với trọng tài Uzbekistan Ilgiz Tantashev vì cho rằng bị phạm lỗi. Cùng lúc đó, trọng tài cho dừng trận đấu do có tín hiệu VAR về một tình huống có khả năng phạt đền vì lỗi chạm tay rồi rút thẻ vàng thứ hai, đồng nghĩa thẻ đỏ cho Duy Mạnh.

Đồng quan điểm, bạn đọc Bangvsmart cho rằng: “Trong các lỗi bóng đá, lỗi phản ứng trọng tài một cách vô ý thức là điều không thể chấp nhận được. Tôi không hiểu là các HLV có dạy các quy tắc ứng xử cho cầu thủ thường xuyên hay không mà vẫn liên tục thấy các cầu thủ Việt hay tỏ thái độ với trọng tài những lúc không cần thiết. Hậu quả đã đến với chúng ta ngay tức thì. Nếu Duy Mạnh phản ứng sau khi bị rút thẻ thì còn chấp nhận được, đằng này tự nhiên phản ứng không cần thiết để bị nhận thẻ thì rõ ràng đáng trách. Khi đá sân khách, chúng ta cũng phải tự hiểu rằng trọng tài ít nhiều cũng sẽ thiên vị cho đội chủ nhà và phải biết chấp nhận, vượt qua”.

Phê phán hành động cự cãi trọng tài, độc giả Ovrebo phân tích: “Phải nói rằng hành vi cãi trọng tài không bao giờ được chấp nhận. Khoảng 80-90% cầu thủ cãi trọng tài sẽ bị thẻ vàng vì lỗi phản ứng. Duy Mạnh và một số cầu thủ Việt dường như đã quen với V-League nên thường xuyên phản ứng trọng tài. Từ giờ, mong các cầu thủ hãy thi đấu với trái tim nóng và cái đầu lạnh”.

Bạn đọc Phạm Ngọc Khánh nói thêm: “Chúng ta nên bỏ ngay kiểu đá như ở V-League khi thi đấu quốc tế:

1. Ở V-League, cầu thủ thường xuyên cãi trọng tài nhưng ít khi bị thẻ.

2. Cầu thủ hay câu giờ và cũng ít bị thẻ.

3. Khi tranh bóng, cứ hễ ngã xuống là cầu thủ ôm ngay lấy bóng để ép trọng tài phải thổi còi.

4. Ra sân với tư tưởng đội mình bị trọng tài xử ép và thiên vị nên trong đầu các cầu thủ lúc nào cũng bức xúc và sẵn sàng tranh cãi”.

“Các cầu thủ đã chơi tốt nhưng muốn tiến xa hơn nữa cần phải nỗ lực nhiều hơn, đặc biệt là chuyên nghiệp hơn. Thời nay với sự xuất hiện của VAR, các cầu thủ không thể chơi tiểu xảo được. Mọi quyết định thuộc về trọng tài, bất kể đúng hay sai, các cầu thủ cũng không được thái độ, phản ứng. Điều đó không thay đổi được gì mà chỉ làm trọng tài thêm ác cảm hơn mà thôi”, độc giả Khanh Nguyen nêu quan điểm.

>> Chỉ trích trọng tài – nhìn từ Tây sang ta

Trong khi đó, với góc nhìn trái chiều, bạn đọc Lumia930 lại thông cảm với hành động của Duy Mạnh: “Tôi nghĩ không riêng Duy Mạnh phản ứng mà gần như phần lớn các cầu thủ trên thế giới đều phản ứng nếu họ cho rằng mình đã bị phạm lỗi. Họ thừa biết hậu quả, nhưng kể cả không làm ông trọng tài thay đổi quyết định pha bóng đó thì hành động phản ứng cũng sẽ tạo một áp lực nhất định lên người điều khiển trận đấu, giảm bớt độ thiên vị. Nó cũng khiến đối thủ chùn chân hơn. Còn nếu đá theo kiểu quá hiền lành, đối thủ phạm lỗi ra sao cũng mặc kệ thì chỉ đá cho vui mà thôi. Cái khó ở đây là các cầu thủ phải lựa mức độ phản ứng sao cho phù hợp nhất với tâm lý ông trọng tài và độ rắn cần thiết, để tránh bị thẻ phạt”.

Đó cũng là suy nghĩ của độc giả Hpkhanh: “Dù là giải “phủi”, giao hữu, hay chuyên nghiệp thì trong đội vẫn cần có một hoặc vài thành viên phải đóng vai ‘ác’ để có thể gây áp lực lên trọng tài, mang lại chút lợi thế về cho đội, đá rắn làm chùn chân đội bạn. Đó cũng là một phần trong chiến thuật bóng đá hiện đại. Đôi khi nó mang lại kết quả ngược với mong đợi, nhưng chúng ta vẫn phải chấp nhận những rủi ro đó”.

Đồng quan điểm, bạn đọc Vinh Đinh bổ sung thêm: “Việc cãi trọng tài xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, kể cả những giải đấu đỉnh cao tại châu Âu hay thậm chí World Cup. Đơn giản, đó là phản ứng tâm lý bình thường của các cầu thủ và không phải lúc nào trọng tài cũng đúng. Ngoài ra, đây cũng là một dạng tiểu xảo của một số cầu thủ, kể cả những cầu thủ đẳng cấp nhất thế giới”.

Lê Phạm tổng hợp

>> Bạn nghĩ sao về hạnh động phản ứng trọng tài của Duy Mạnh? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *