‘Thu phí ôtô vào nội đô chưa khả thi lúc này’

Khi hệ thống giao thông công cộng đủ mạnh để người dân có thêm lựa chọn, việc thu phí xe cá nhân mới khả thi.

Hiện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã xây dựng Đề án thu phí phương tiện vào nội đô, để giảm nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường thông qua việc hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào nội đô.

Chủ trương thu phí ôtô, cấm xe máy nhằm giảm phương tiện cá nhân đã được Hà Nội dự kiến từ nhiều năm, nhưng để triển khai, đặc biệt trong thời gian hai năm tới (2024) theo tôi, hoàn toàn không khả thi vì một số lý do sau:

Thứ nhất, theo đề án, thành phố sẽ đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng cho việc xây dựng 87 trạm thu phí gồm chi phí đầu tư ban đầu, khấu hao, vận hành khai thác thì dù đầu tư do ngân sách thành phố và xã hội hóa hoặc một trong hai hình thức này đều không phù hợp. Lý do là hiện thành phố và cả nước đang dồn mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả nghiêm trọng của dịch bệnh Covid 19, phục hồi phát triển kinh tế. Trọng tâm là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, đời sống, phục hồi phát triển các hoạt động kinh tế – xã hội, là yêu cầu cấp thiết của cộng đồng và nhân dân cả nước, trong đó có nhân dân Hà Nội.

>> ‘Thách thức niềm tin’ khi thu phí ôtô vào trung tâm TP HCM

Việc đầu tư một khoản kinh phí lớn trong tương lai gần là không phù hợp trong khi các mô hình dự báo của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho thấy đại dịch Covid- 19 có thể còn kéo dài, sẽ chưa thể sớm kết thúc, cần thiết phải tiếp tục huy động nguồn lực rất lớn của thành phố và cả nước trong thời gian tới để ứng phó và hỗ trợ người dân.

Thứ hai, hiện cơ sở hạ tầng và phương tiện giao thông công cộng tại Hà Nội còn yếu. Cần phải mất rất nhiều năm để tập trung đầu tư mới có thể đáp ứng nhu cầu đi lại người dân trong trường hợp người dân bỏ phương tiện di chuyển cá nhân và lựa chọn phương tiện công cộng.

Thứ ba, do đối tượng thu phí bao gồm cả xe chở hàng hóa, vận tải khách, chủ các phương tiện này chăc chắn sẽ khấu trừ vào giá thành vận chuyển, chở khách, dẫn đến làm gia tăng chi phí giá thành sản xuất, tạo áp lực lớn lên chỉ số lạm phát, gây khó khăn cho cuộc sống của người dân.

Thứ tư, hiện đang có các chủ trương hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước, là một trong những ngành sản xuất mũi nhọn, tạo ra nhiều công ăn việc làm, nộp ngân sách nhà nước lớn. Việc thực thi đề án hiện sẽ vô hình trung ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, thu nhập cho người lao động của doanh nghiệp và đặc biệt là nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Thứ năm là sẽ khiến người tập trung sinh sống hoặc dịch chuyển sinh sống vào trong nội đô (để không phải trả phí khi lưu thông), việc này sẽ ngày càng tạo áp lực về mật độ dân số trong khu vực trung tâm thành phố.

Vì vậy, để giảm ùn tắc giao thông tại khu vực trung tâm thành phố, Hà Nội cần thiết phải thực hiện hai biện pháp quan trọng sau:

Thứ nhất phải tiếp tục triển khai quy hoạch, xây dựng hạ tầng phục vụ cho việc phát triển mạng lưới, tuyến, phương tiện giao thông công cộng như metro, xe buýt. Làm điều này để có thể đảm đương được nhu cầu đi lại cơ bản của người dân thì mới khuyến khích họ chuyển từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng.

Thứ hai và cũng là biện pháp quan trọng nhất là thành phố phải tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp chuyển cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị công sở, bệnh viện, trường học ra ngoại thành theo các đề án, quyết định của cơ có thẩm quyền đã phê duyệt.

>> Cấm xe máy đồng thời thu phí thật cao ôtô vào trung tâm

Điều này nhằm giảm sức ép giao thông đô thị, mật độ dân cư sinh sống, tạo mặt bằng thuận lợi cho việc quy hoạch, xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông công cộng cho trung tâm và các vùng lân cận.

Đây là hai biện pháp hết sức quan trọng. Chỉ khi thực hiện và hoàn thành cơ bản, đồng bộ hai giải pháp trên và các biện pháp khác có liên quan mới tính đến việc thực hiện “giảm ùn tắc giao thông tại khu vực trung tâm thành phố”. Khi đó nội dung của đề án sẽ có tính khả thi, hiệu quả và toàn diện. Khi đó người dân sẽ có điều kiện lựa chọn phương tiện giao thông hiệu quả và phù hợp.

Nếu không hoặc chưa thực hiện đầy đủ việc phát triển xây dựng hạ tầng, phương tiện giao thông công cộng mà thi hành hoặc áp dụng sẽ là khiên cưỡng. Trong trường hợp này người dân sẽ vẫn chấp nhận trả phí và sử dụng phương triện cá nhân vào nội đô (cũng giống như mặc dù tăng giá thuốc và viện phí, người bệnh cũng vẫn phải mua thuốc hoặc vào bệnh viện để chữa bệnh), dẫn đến không thể đạt được mục tiêu như đề án đề ra.

Nguyễn Tuấn Nghĩa

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *