Tìm việc lương 7 triệu ở quê khó hơn 12 triệu ở phố

Thanh niên quê tôi đầu tư mở quán trà sữa, ăn vặt giống ở phố nhưng đều phải đóng cửa vì không ai mua.

Trong vô vàn các ý kiến về việc nên ở phố hay về quê, có một trang fanpage tạo nội dung gọn lỏn: “Chọn lương ở phố 12 triệu hay 7 triệu ở quê”. Rất nhiều bình luận tranh cãi nảy lửa xung quanh vấn đề này.

Người thì bảo làm ở phố 12 triệu thì có khi không bằng 7 triệu ở quê. Người thì cho rằng hai mức tiền ở hai địa điểm sống này là tương đương nhau do chênh lệch sinh hoạt phí. Người thì nói rằng 12 triệu ở phố nếu dè sẻn tiết kiệm thì để dành được, hơn nữa ở phố thì có nhiều cơ hội nếu nắm bắt được thì sẽ đổi đời…

Nhưng trên hết, theo tôi mức lương 12 triệu có thể dễ dàng kiếm được ở thành phố. Còn ai đảm bảo rằng nếu về quê sẽ kiếm được 7 triệu đồng mỗi tháng? Làm gì, ở đâu mới kiếm được 7 triệu đồng về quê mỗi tháng thì họ lại không nói đến.

Ở đây tôi không đề cập đến những vùng quê có nhiều nhà máy, khu công nghiệp được đầu tư vào. Bởi chẳng ai phải chịu khổ tha hương đi kiếm việc làm trong khi quê nhà đã có sẵn cả.

>> 36 trái dừa khô giá 330 nghìn dập tắt ‘háo hức’ làm nông

Tôi rời quê lên phố học tập và làm việc đến nay đã 12 năm. Trong 5 năm đầu tiên, mỗi lần Tết về quê, tôi hầu như quê hương mình không mấy thay đổi gì cả. Vẫn ngôi trường quét vôi vàng dưới tán phượng, vẫn con đường tráng nhựa mỏng đầy ổ gà sau mỗi mùa mưa. Người dân thì vẫn neo vào làm nông kiếm sống là chính.

Khi nhìn vào sự phát triển của một vùng, ta phải nhìn vào cái chợ chính của vùng đó. Ngôi chợ ở quê tôi họp từ 5 rưỡi sáng đến hơn 8 giờ là đã tan và thưa dần. Người dân hầu như ít ai đi chợ mua thức ăn mỗi ngày. Tôi còn nhớ có năm về đón Tết sớm, nhiều tiểu thương rầu rĩ khi đã 25 tháng Chạp rồi mà chợ vẫn ỉu xìu, không ai mua sắm gì.

Lúc ấy tôi nói: Cô ráng chờ đến sáng 29, 30 có khi bán không kịp thở. Quả thật như vậy, từ sáng hai ngày cuối năm, chợ nhộn nhịp và rộn rã hơn hẳn. Lý do là các gia đình đi làm ăn hoặc có con em đi làm ở Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM lúc đó mới được nghỉ Tết và mới có tiền để mua sắm.

Những năm gần đây, quê tôi cũng thay đổi nhiều. Trường tiểu học cũng được đập bỏ và xây lại hai tầng, được công nhận chuẩn quốc gia. Đường đan bê tông được xây liên kết các xã, các huyện lại gần nhau hơn. Chợ cũng được dời đến điểm mới và xây khang trang hơn. Nhưng nỗi buồn của các tiểu thương thì vẫn như cũ. Tốn tiền đầu tư thuê kiot, thuê mặt bằng với giá cao hơn xưa. Nhưng lượng hàng bán ra thì vẫn không thay đổi so với trước.

Thậm chí cái quán hủ tiếu, cháo lòng bán hàng ăn sáng cũng không xôm tụ. Đêm đêm thì 7h đã êm ắng. Một số thanh niên thức thời đầu tư quán trà sữa, quán cà phê kiêm luôn bán đồ ăn vặt như khoai lang lắc, gà chiên…được vài tháng cũng đành đóng cửa tìm đường khác làm ăn.

Lý do duy nhất đó là: Vùng quê với một lượng người không đổi (thậm chí còn mất đi như người lên phố học tập, đi xứ khác làm ăn) thì có đầu tư kinh doanh buôn bán gì cũng thất bại vì lượng khách hàng không đủ để duy trì doanh thu tối thiểu mỗi ngày.

Ví dụ quán trà sữa máy lạnh ở quê dù là thời thượng, nhưng nếu bán quá mắc thì ở quê không ai mua, nếu bán rẻ để tiếp cận nhiều người hơn thì doanh số trong ngày không bù được chi phí bỏ ra.

>> Thu bạc cắc khi bỏ 800 triệu về quê làm nông

Tôi nói với một số người quen ở quê rằng: Cách duy nhất để quê mình thay da đổi thịt, ai cũng giàu lên đó là nếu có một khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp đầu tư thì mới mong khá nổi. Lúc đó, lượng khách hàng, lượng người mua sẽ là những công nhân đến ở trọ, làm việc và chi tiêu. Còn nếu khách chỉ có người dân quê mình thì mở ra buôn bán là nắm phần thua nhiều hơn phần thắng.

Theo Khảo sát về mức sống dân cư năm 2020 mà tôi tìm được trên trang web của Tổng cục thống kê, thì: “Thu nhập bình quân (TNBQ) mỗi người một tháng chung cả nước năm 2020 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng, giảm khoảng 1% so với năm 2019. Bình quân mỗi năm trong thời kỳ 2016-2020, thu nhập bình quân đầu người một tháng chung cả nước tăng bình quân 8,2%. TNBQ năm 2020 ở khu vực thành thị đạt 5,6 triệu đồng, cao gấp gần 1,6 lần khu vực nông thôn (3,5 triệu đồng)”.

Như vậy, thu nhập bình quân của người dân ở quê là 5,6 triệu đồng, kém hơn 1,4 triệu đồng so với mức đầu đề đặt ra 7 triệu đồng. Như vậy, phải tìm được việc ở quê lương 7 triệu đồng rồi mới có thể nghĩ đến việc ở phố 12 triệu thì nên ở hay về.

Lê Khánh Minh

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *