Tính hệ số độ khó đề thi để không còn ‘học tài, thi phận’

Xóm tôi có hai em thi trượt trường THPT top đầu dù là học sinh giỏi thật sự, trong khi nhiều em học lực trung bình khá lại đậu.

Cứ mỗi kỳ thi vào lớp 10 trôi qua, tôi lại chứng kiến rất nhiều học sinh giỏi bất ngờ gục ngã ngay trước cửa trường THPT các em mơ ước. Trong khí đó, có không ít học sinh trung bình khá lại đậu được những trường THPT vốn dành cho học sinh giỏi. Năm nay, xóm tôi có hai em đi thi vào 10. Cả hai đều muốn thi vào trường THPT Ngô Quyền (Trường không chuyên top đầu tại Đồng Nai). Nhưng rồi, họ lại trượt trong khi vốn là học sinh giỏi thật sự. Có thể nói, chỉ cần mất 0,25 điểm trong kỳ thi đó thôi, bạn sẽ mất đi tất cả.

Tôi không có ý chê những học sinh trung bình khá khi gây nên bất ngờ đậu trường top, nhưng rõ ràng việc phân loại, đánh giá học sinh chỉ bằng một kỳ thi có thể gây ra sai số rất lớn. Cũng giống như khi làm thí nghiệm, không thể làm một lần, mà phải nhiều lần mới có kết quả chính xác. Lâu nay, nhiều người nêu đề xuất xét tuyển vào lớp 10 không chuyên bằng học bạ. Nhưng điều này vẫn bị phản đối do một số trường sẽ ra đề dễ để “đánh bóng học bạ” học sinh. Hậu quả là sẽ tạo ra những học sinh giỏi không thực chất, gây hại cho các trường THPT khi xét tuyển.

Để giải quyết bài toán đó, tôi có một ý tưởng rằng học sinh từ lớp 6 đến lớp 8, bất kỳ đề thi học kỳ nào sẽ có phần “hệ số độ khó” dùng để đánh giá độ khó của đề thi. Mỗi đề thi học kỳ do các trường THCS soạn ra sẽ được gửi cho Sở Giáo dục các tỉnh thành để nhận “hệ số” này. Các mức hệ số bao gồm: rất dễ (0,7); dễ (0,85); bình thường (1); khó (1,15); rất khó (1,3). Riêng lớp 9, nếu các trường trong một tỉnh thi đề của Sở Giáo dục tỉnh, thì “hệ số độ khó” mặc định là 1. Nếu các trường tự ra đề thì vẫn phải gửi cho Sở Giáo dục để nhận “hệ số độ khó”, tương tự với các lớp khác trong hệ thống giáo dục THCS.

>> Dẹp bỏ tư duy ra đề thi Văn phải đúng thực tế

Khi đó, điểm xét tuyển nhận được trong kỳ thi học kỳ sẽ được tính bằng công thức: “điểm bài thi học kỳ” nhân với “hệ số độ khó của đề thi”. Ví dụ, hệ số độ khó là 1,15, điểm bài thi của học sinh là 8, thì điểm xét tuyển nhận được của học sinh đó là 9,2. Như vậy, tổng tám điểm thi học kỳ (mỗi lớp hai học kỳ) của môn Toán, cộng với tổng tám điểm thi học kỳ của môn Văn và tổng tám điểm học kỳ của môn Tiếng Anh sẽ ra điểm xét tuyển tổng. Điểm xét tuyển tổng sẽ là cơ sở để xét tuyển vào các trường THPT.

Cách tính như vậy sẽ giúp xét tuyển vào THPT trở nên đáng tin cậy hơn, và các trường THCS không thể ra đề dễ để “đánh bóng” học bạ của học sinh được. Thay vào đó, các trường sẽ nâng độ khó trên đề của họ, tạo điều kiện để những học sinh giỏi thật sự có thể tích điểm để đậu vào các trường THPT mong muốn.

Trần Vương Khánh

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *