Tô bún riêu xa xỉ

Từ một món ăn sáng bình dân, với gia đình tôi bây giờ tô bún riêu trở nên xa xỉ với mức giá 45 nghìn.

Sài Gòn hết giãn cách, hàng quán được phép phục vụ lại, gia đình tôi ba người hý hửng rủ nhau đi ăn sáng, dạo phố cuối tuần qua. Tất nhiên là vẫn tuân thủ nghiêm ngặt 5K, giữ khoảng cách để phòng Covid-19.

Niềm vui cuộc sống trở lại bình thường mới chưa được bao lâu thì gia đình tôi lại thấy “chóng mặt” với giá cả tăng. Lấy ví dụ là quán bún riêu mà gia đình tôi vẫn hay ăn mấy năm qua.

Trước thời điểm dịch năm ngoái, giá mỗi tô bún riêu ăn sáng mức cơ bản là 25 nghìn đồng, một mức giá bình dân. Do quán lề đường nên mức giá này chấp nhận được. 25 nghìn đồng nhưng đầy đủ bún, rau, huyết, riêu, thịt, da heo, rau muống, bắp chuối bào… Hôm nào cao hứng có thể gọi một tô đặc biệt 35 nghìn đồng.

>> Lương 10 triệu vẫn để dành được 3 triệu đồng

Sau đợt giãn cách đầu tiên năm ngoái, cô chủ quán lặng lẽ dán tờ giấy “tăng giá 10 nghìn đồng” với lời giải thích “cái gì cũng tăng, bún, rau, thịt tăng” và không quên nói “tăng giá nhưng vẫn bán không có lời nhiều”. Lúc đó tôi vẫn không nghĩ ngợi nhiều. Thôi thì 35 nghìn vậy.

Nhưng sau đợt dịch này, tô bún riêu tiếp tục tăng thêm 10 nghìn nữa, lên mức giá 45 nghìn đồng thì “quá sức” với gia đình tôi. Chúng tôi cảm thấy nó trở nên xa xỉ khi giá thì tăng mà phần thịt, bún lại ít hơn so với trước. Cô chủ quán vẫn ca điệp khúc cũ là do “mọi thứ đều tăng”.

Nếu duy trì thói quen cũ, mỗi buổi sáng hai vợ chồng ăn hai tô người lớn là 90 nghìn đồng, tính luôn tiền ăn cho con nữa thì mất ngoài một trăm nghìn đồng. Mỗi tháng hơn 3 triệu chỉ riêng tiền ăn sáng. Vợ tôi chuyển qua ăn hủ tíu chay cho rẻ, nhưng trước dịch mỗi tô 15 nghìn, nay cũng lên 5 nghìn thành 20 nghìn đồng. Vậy nên cô ấy đã nói rằng cắt luôn khoản ăn sáng bên ngoài, sẽ nấu ăn sáng ở nhà cho rẻ. Du di một chút thì cuối tuần ăn bên ngoài cho thay đổi không khí.

>> Vợ chồng thu nhập dưới 25 triệu khó tiết kiệm

Vợ chồng tôi, hiện tại vẫn làm việc bình thường, công ty vẫn trả 100% lương mấy tháng giãn cách làm việc ở nhà. Cả hai cày thêm việc ngoài ban đêm, cố gắng lắm mới có mức thu nhập 50 triệu đồng mỗi tháng. Với mức thu nhập này, gói ghém lắm mới đủ sinh hoạt cho gia đình 3 người, đang trả góp tiền mua nhà và có dư một chút để phòng thân khi bệnh tật, ốm đau. Khi xăng tăng giá, gas tăng giá, rau củ, thực phẩm cũng rục rịch tăng theo…thì tôi có cảm giác rằng tiền kiếm bao nhiêu cũng không đủ. Thôi thì nếu không kiếm nhiều hơn được thì cắt bớt đi vậy.

Nhưng đó là do vợ chồng tôi lo xa nên hoạch định kinh tế gia đình như thế. Nhưng với những gia đình thu nhập giảm do dịch, thu nhập ít hơn gia đình tôi thì sẽ thế nào? Ví dụ ngay như gia đình bạn tôi, cả hai vợ chồng đều bị giảm thu nhập do công ty cắt các khoản thưởng, năng suất…và vẫn gồng gánh các chi phí.

Nghe đâu do doanh thu năm nay không tốt. Tết này chắc không có thưởng.

Nguyễn Lâm

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *