Tôi bị áp lực tâm lý trong 3 tháng giãn cách

Xin nghỉ vì áp lực công việc, cãi nhau khi yêu xa, em gái thành F0, chủ trọ đòi tăng tiền thuê… khiến tôi thấy luôn nặng nề tâm lý.

Áp lực tâm lý vì dịch Covid-19 thực sự là một điều đáng sợ. Tôi đã trải qua 5 tháng ở nhà, trong đó, 3 tháng bị áp lực. Áp lực công việc nhiều đến nỗi trằn trọc đến 2h sáng vẫn không thể ngủ được. Tôi nằm mơ cũng thấy công việc. Bỏ ăn trưa chỉ vì họp hành. Sau một tháng làm ở nhà, tôi nộp đơn xin nghỉ.

Lúc tôi nghỉ việc, gia đình ở quê lo lắng, thay phiên nhau hỏi tôi lý do và kế hoạch tương lai. Tôi phải soạn sẵn kịch bản để trả lời sao cho mọi người yên tâm thay vì nói thật về những gì mình đã chịu đựng.

Thêm vào đó, chuyện tình cảm không được suôn sẻ, yêu xa nên thường xuyên cãi nhau qua tin nhắn, điện thoại. Nhiều hôm không liên lạc, tôi còn thấy thoải mái hơn.

>> Những người phụ nữ trầm cảm khi giãn cách

Họa vô đơn chí, bà chủ nhà trọ tôi lấy cớ khó khăn mùa dịch không cho thuê được, muốn bán nhà để đòi tăng tiền nhà của tôi lên gấp đôi. Chưa hết, em gái ruột sống chung với tôi dù chích hai mũi vaccine nhưng vẫn thành F0, do tình trạng nhẹ nên cách ly, điều trị tại nhà. Mọi thứ trong nhà mình tôi làm hết.

Sau khi gia đình biết tin, mỗi ngày đều nhắn tin và gọi cho bọn tôi ít nhất hai lần và dặn dò rất nhiều thứ mà tôi không thể nhớ hết được. Quá mệt mỏi, thậm chí tôi còn tránh nghe điện thoại của ba mẹ với cớ sắp ngủ, đang tắm, đang nấu cơm, đang học online…

Thật sự tôi cảm thấy quá tải, tôi không có ai để giao tiếp và chia sẻ tình trạng của mình. Tôi giật mình mỗi khi điện thoại đổ chuông và chỉ cầu mong mọi người hãy để tôi yên.

Tôi thường nổi giận với em của mình vì những chuyện nhỏ nhặt. Khi em làm gì không vừa ý, tôi không thể kiềm chế được và quát mắng. Một lần bưng thức ăn lên lầu thì tôi bị vấp, đổ hết ra cầu thang. Bình thường sẽ chẳng có gì nhưng tôi cảm thấy mình không còn chút sức lực, tôi bật khóc, nước mắt cứ vậy mà lăn…

>> Trầm cảm – sát thủ vô hình

Ba tháng chịu đựng tình trạng như vậy, tôi biết phải thoát ra khỏi tình trạng này.
Tôi xem phim Reply 1988, tôi nghe thuyết pháp và nhạc thiền trước khi ngủ, tôi đọc sách Quẳng gánh lo đi và vui sống. Và, một lần tôi nhắn tin cho mẹ khi đã 4h sáng, tôi kể hết tất cả những chuyện đã xảy ra trong thời gian qua và mong mẹ hiểu.

Kể từ đó tôi thấy mình cải thiện được tâm lý, và tâm trạng. Những điều làm tôi không thoải mái, tôi cố gắng đẩy ra khỏi suy nghĩ và bắt bản thân chỉ tiếp nhận những điều tốt đẹp. Thật sự, tôi cảm thấy ba tháng đó khiến tôi thành tù nhân trong “nhà lao tâm lý”. Hy vọng sau này khi đối mặt tới tình trạng tương tự, tôi và những người như tôi sẽ mạnh mẽ hơn để vượt qua.

Mỹ Nguyễn Thiện

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *