Tôi bị chê bai vì đầu tư cho con

Tôi chi tiền cho con học hành, du lịch thì nhận được lời khuyên “để tiền mua cái nhà hoặc miếng đất tốt hơn”.

Quyết định đầu tư nhiều tiền bạc cho con thay vì chi tiêu tằn tiện, độc giả Nguyen Tra My phải nhận không ít đánh giá tiêu cực: “Thành quả của đầu tư giáo dục rất vô hình, không sờ, không thấy được ở hiện tại mà chỉ có thể thấy ở tương lai. Tôi chi tiền cho con vào giáo dục, dinh dưỡng và du lịch. Nhưng tôi thường xuyên nhận được lời khuyên rằng chẳng biết có làm nên cơm cháo gì không, để tiền đó mua cho nó cái nhà hoặc miếng đất có phải tốt hơn không?”.

Cùng chung hoàn cảnh, bạn đọc Thathuni chia sẻ: “Tôi chi khoảng 100 triệu đồng cho con học IELTS trong 5 năm học nhưng cũng bị nói là “ném tiền đi vô nghĩa”. Có lẽ con tôi cũng không chăm học, điểm số cũng bình thường nên mọi người mới kết luận như vậy. Nhưng tôi cho rằng, đó là do con lười học chứ không phải do đầu tư sai lầm”.

Đồng quan điểm về việc sẵn sàng đầu tư cho con hưởng chất lượng giáo sục, dinh dưỡng, du lịch tốt nhất, độc giả Ngọc Hân nhấn mạnh: “Gia đình tôi dù thu nhập không cao, nhưng vẫn cố gắng đem đến cho con chất lượng giáo dục, dinh dưỡng, du lịch tốt nhất trong khả năng túi tiền cho phép. Ví dụ, trong khoảng ngân sách đó, tôi sẽ tìm ngôi trường có chất lượng giáo dục tốt nhất so với các trường cùng mức học phí, và thường xuyên mua sách cho con đọc, xem như gia tài ba mẹ để dành cho con. Chúng tôi không có khả năng cho con du lịch nước ngoài hoặc những khách sạn, resort đắt tiền, nên tôi chịu khó dẫn con đến chơi các công viên gần nhà, những lễ hội miễn phí, hoặc tham quan các trung tâm thương mại, các bảo tàng, di tích lịch sử, đền chùa… Nếu cha mẹ cứ cắm mặt cày ngày, cày đêm để mong sau này tích lũy, giàu có thì sẽ bỏ qua tuổi thơ của con, khiến chúng thiếu thốn trải nghiệm cuộc sống. Đợi đến khi có nhiều tiền mới quan tâm những vấn đề này thì cũng đã muộn”.

>> Tư tưởng đầu tư cho con để mong sinh lời

“Tôi toàn mặc đồ giảm giá, nhưng cho con học trường tốt, học thêm với thầy cô giỏi, ăn uống ngon, ở nhà đầy đủ tiện nghi, đi xe tốt, du lịch cũng chọn phương tiện di chuyển tốt. Nói chung, tôi quan niệm rằng: chỉ cần bản thân và gia đình được hưởng những thứ tốt là tôi sẽ chi. Tôi không cần thiên hạ phải ngước nhìn, nên không quan tâm đến sự sang chảnh, thái quá. Thời buổi khó khăn, càng không nên hào nhoáng quá đà”, bạn đọc Hòa nói thêm.

Trong khi đó, nhấn mạnh những giá trị vô hình từ việc đầu tư cho con cái, độc giả Ly Nguyen cho rằng: “Tôi may mắn vì có bố mẹ, dù là thế hệ trước, nhưng tư tưởng cực kỳ tiến bộ. Tôi được hưởng những gì tốt nhất thời đó. Mọi người xung quanh thì suốt ngày hỏi “ăn học thế có lãi không, có kiếm tiền được nhiều hơn mấy người kia không?” Thực ra, cái lời nhất của việc đầu tư cho con chính là tầm nhìn và hiểu biết của chúng. Với tôi, những thứ đó là vô giá”.

Chỉ rõ sự khác nhau giữa cách nuôi con theo kiểu tằn tiện và tiết kiệm, bạn đọc Hdg.khovattu khẳng định các bậc cha mẹ cần phân định rõ để đầu tư cho con xứng đáng: “Tằn tiện và tiết kiệm là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Tôi lập gia đình hai lần: Lần đầu, tôi có điều kiện đầy đủ nên đáp ứng được các nhu cầu của con lớn. Sau khi ly dị, tôi lập gia đình lần hai, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên phải thực hiện chính sách chi tiêu tằn tiện để duy trì cuộc sống. Thế nên, đứa sau có phần thiệt thòi hơn đứa đầu về thỏa mãn nhu cầu. Nói ra để biết tôi từng ở trong cả hai hoàn cảnh trên.

Theo tôi, khi kinh tế khó khăn, tiết kiệm là điều bắt buộc, vì bạn không có nhiều lựa chọn. Áp lực về các vấn đề sinh tồn, dự phòng buộc ta phải hạ các tiêu chuẩn của con xuống, dù ai cũng muốn con mình đầy đủ, ăn ngon, mặc ấm. Là cha mẹ, tôi theo tháp nhu cầu của Maslow, ưu tiên cho các nhu cầu tầng thấp trước, sau đó mới tới các nhu cầu cao hơn. Các con có thể trách tôi, người khác có thể đánh giá này nọ nhưng bản thân tôi cảm nhận mình đã thực hiện đúng theo trình tự ưu tiên, do đó mình không sợ dư luận. Điều ưu tiên là con cái phải thấu hiểu được hoàn cảnh, và từ đó sẽ có thái độ phù hợp.

Khi có điệu kiện đầy đủ, tôi vẫn theo tháp nhu cầu. Khi các tầng thấp được đáp ứng đầy đủ, tôi sẽ tiến tới thỏa mãn các tầng cao hơn. Vấn đề là phải xác định đúng hoàn cảnh, từ đó đưa ra cách giáo dục phù hợp với con cái. Tiết kiệm là đức tính quan trọng, sống còn của một gia đình, nhưng nó không đồng nghĩa với sự tằn tiện”.

>> Bạn nghĩ gì về tư tưởng nuôi con tằn tiện? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Lê Phạm tổng hợp

Sai lầm khi bán đất cho con du học để thu lời

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *