Tôi bị nhà chồng áp đặt dù làm trụ cột kinh tế

Dù tôi là người tạo thu nhập chính trong gia đình, nhưng chồng vẫn coi mọi chuyện nhà cửa, nội trợ đều là việc của vợ.

Theo ý kiến cá nhân tôi, việc sướng hay khổ của một người phụ nữ phụ thuộc vào yếu tố giáo dục và hoàn cảnh sống. Như bản thân tôi, mặc dù được tiếp cận với nhiều thông tin mới, văn hóa mới và cũng không đặt nặng vấn đề giới tính của con cái, không thực hiện các biện pháp chọn lọc giới tính (hiện tôi có một bé trai), nhưng tư tưởng của bố mẹ tôi lại là “đã lấy chồng phải theo nhà chồng”, không được làm mất lòng nhà chồng, dù họ có quá đáng thế nào mình cũng phải nhẫn nhịn, và tuyệt đối không ủng hộ chuyện ly hôn.

Tư tưởng nhà chồng tôi lại không cho phép con trai và con dâu ra ở riêng. Khi ở chung cũng phải nhất nhất tuân theo lối sống của bố mẹ chồng, phải chịu sự áp đặt của họ từ việc chung tới việc riêng của hai vợ chồng, từ việc sinh con đến nuôi dạy con. Nhà chồng tôi nhất quyết phải có cháu trai vì ông bà chỉ có một trai, một gái. Chồng tôi lại thể hiện rất rõ quan điểm rằng “bố mẹ là số một”, “bố mẹ nói luôn đúng” và dù thế nào vợ cũng phải nhịn, bỏ qua, và chiều lòng cho bố mẹ vui.

Xin nói thêm, trong hai vợ chồng, tôi là người tạo thu nhập chính. Chồng tôi đang khởi nghiệp (start up) nên thậm chí còn không lo được chút kinh tế nào cho gia đình. Thế nhưng, do ảnh hưởng giáo dục từ tư tưởng của bố mẹ, nên chồng vẫn coi mọi việc nhà cửa, nội trợ đều là việc của vợ. Dù tôi phải thừa nhận bố mẹ chồng là người thương con, thương cháu, nhưng tư tưởng quá áp đặt, và nhiều khi ích kỷ, chỉ muốn con cái phải nghe theo ý mình, và từ mâu thuẫn về lối sống giữa các thế hệ mà tôi cảm thấy mệt mỏi vô cùng về mặt tinh thần, thấy tù túng tại chính nơi mình đang sống từng ngày.

>> ‘Đàn ông có trách nhiệm không bắt vợ kiếm tiền’

Dù đã kết hôn 5 năm nhưng vì chưa thể thay đổi được lối sống, suy nghĩ của chồng, nên tự bản thân tôi đã chuẩn bị trước phương án khi mọi sự tới giới hạn không chịu nổi nữa, đó là tự mình nuôi con (dù có sự ủng hộ của chính nhà đẻ hay không), đồng nghĩa mọi gánh nặng và mệt mỏi chỉ có tự bản thân tôi phải gồng gánh.

Thực tế, dù xã hội đã hiện đại, tôi thấy rằng cơ hội việc làm và thăng tiến với phụ nữ vẫn hạn chế hơn nhiều so với đàn ông. Vì phụ nữ còn vướng bận việc sinh đẻ, chăm sóc con cái. Những người phụ nữ thành đạt tôi quen biết cũng khó ai có thể chu toàn được mọi việc gia đình, “nữ công gia chánh” (theo quan điểm của thế hệ trước áp đặt lên phận nữ), mà đây vẫn là định kiến ở khá nhiều gia đình khi thế hệ bố mẹ, thậm chí người chồng vẫn còn mang nặng.

Tôi cũng mong rằng, thế hệ con cái mình sau này sẽ bớt khổ hơn. Bản thân tôi dù thấy rất khổ trong chính nhà chồng, nhưng sẽ không vì thế mà tôi áp đặt tư tưởng của mình lên con gái (nếu có) hay con dâu sau này.

Annonymous

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *