Tôi dạy con lớp 2 học online nhàn tênh

Con tôi năm nay lên lớp 2, nhưng đã biết tự đăng nhập vào Zoom, tự giác nghe giảng và làm bài tập được giao, không cần người lớn kèm.

“Con tôi năm ngoái vào lớp một cũng là lúc dịch bệnh bắt đầu diễn biến phức tạp. Con có lúc phải học ở trường, lúc lại học online. Thực sự, thời gian đầu, việc kèm con học online với tôi như một cực hình, giống như phần đông phụ huynh khác. Tuy nhiên, sau một thời gian, con cũng quen dần. Bây giờ, con lên lớp 2 và đã biết tự giác học, đã tự đăng nhập vào Zoom, không cần người lớn kèm, tự giác ngồi nghe cô giảng bài, và tự làm bài tập cô giao. Tôi hầu như chỉ việc kiểm tra lại xem con làm đúng – sai thế nào để giúp con chỉnh sửa.

Ngoài thời gian học môn chính, tôi cũng cho con học thêm trên một số kênh học trực tuyến khác nữa theo đúng lộ trình trương trình học của cháu. Cái gì mới, lúc đầu áp dụng cũng sẽ đều gặp khó khăn. Thực chất, trẻ em rất dễ thích nghi và học rất nhanh, vấn đề là phụ huynh có đủ kiên nhẫn để dạy con trong thời gian đầu hay không mà thôi?

Ngày trước, khi trẻ học trực tiếp trên lớp, các bậc phụ huynh thường phó mặc hoàn toàn việc dạy dỗ cho giáo viên và nhà trường. Vì ít để ý đến con nên bây giờ, khi triển khai học online, cha mẹ phải ngồi kèm con học, nhiều người lại có cảm giác khó chịu, thấy phiền phức nên hay kêu ca. Các bạn hãy thử dạy kèm con mình một thời gian để hiểu được áp lực của các giáo viên ngày nay như thế nào? Hiện tại, dịch bệnh không biết bao giờ mới hết, nên chúng ta không thể cứ ngồi chờ hết dịch mới cho con đi học lại. Cuộc sống luôn thay đổi, buộc con người ta cũng phải thích nghi để không bị đào thải”.

Đó là chia sẻ của độc giả Bmtuan167 xung quanh câu chuyện dạy và học online cho học sinh tiểu học trước thềm năm học mới. Chỉ còn khoảng hai tuần nữa là bắt đầu khai giảng năm học 2021-2022. Vì dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nhiều tỉnh, thành trên cả nước phải tổ chức dạy học online, kể cả bậc tiểu học. Riêng TP HCM, phương án dạy học online có thể kéo dài đến hết học kỳ I nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát.

Bạn đọc Vũ Trọng Quỳnh cho rằng học online là giải pháp tình thế khả dĩ nhất thời điểm này: “Tôi đồng tình với quan điểm việc học online đối với cấp tiểu học và nhất là trẻ mới vào lớp 1 rất khó khăn, nhưng trong bối cảnh hiện nay dịch bệnh Covid-19 hiện tại, chúng ta bắt buộc phải thay đổi cách nghĩ, cách làm và cả cách vượt qua những khó khăn, thử thách không hề mong muốn.

Tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn cứ thực hiện học online theo chủ trương của ngành Giáo dục, kết quả thế nào còn phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh và khả năng của mỗi gia đình. Quan trọng nhất là phụ huynh cũng phần lớn phải ở nhà chống dịch nên có thể phối hợp với giáo viên để giúp các em làm quen, tiếp cận và nâng cao ý thức của việc học dần dần, thay vì cứ phụ thuộc hoàn toàn vào thầy cô giáo. Hiện vẫn chưa thể xác định chính xác thời gian trẻ có thể quay lại trường học, nên nếu chỉ để học sinh ở nhà ngủ, xem tivi, điện thoại, chơi game… thì còn tệ hơn nhiều.

Trong thời điềm này, chúng ta phải đặt nhiệm vụ chống dịch lên hàng đầu, còn việc học của các cháu thì vừa làm, vừa điều chỉnh mỗi nơi, mỗi hoàn cảnh cho phù hợp, không nên cứng nhắc là phải thế này hay thế kia. Chúng ta hãy quan tâm một cách sáng suốt, tích cực nhất tới các cháu thay vì giậm chân tại chỗ. Kết quả cuối cùng thế nào, cơ bản vẫn là ở mỗi gia đình. Khi hết dịch, chúng ta sẽ có những biện pháp điều chỉnh và thực hiện tốt hơn”.

>> ‘Con tôi học online cho có’

Đồng quan điểm, độc giả Hieudoanverii chỉ ra những giải pháp khắc phục khó khăn, bất cập trong quá trình dạy và học online: “Xung quanh vấn đề nhiều phụ huynh muốn dời lại thời gian tựu trường cho trẻ dưới 10 tuổi. Theo tôi, điều này thực chất không hợp lý ở những điểm sau: Sẽ như thế nào nếu dịch bệnh cứ kéo dài? Việc dời thời gian học với cùng một độ tuổi phải thực hiện đồng đều, điều này ảnh hưởng đến toàn ngành giáo dục, giáo viên không có việc, các trường, các cấp khác sẽ phải thay đổi kế hoạch, và đặc biệt một thế hệ lao động mới sẽ bị chậm lại so với nhu cầu về nguồn nhân lực hằng năm trong tương lai…

Tôi đã có cơ hội được trực tiếp kèm cặp, kề cạnh và giảng dạy online cho trẻ em dưới 10 tuổi nên cũng phần nào thấu hiểu được những khó khăn, bất cập của phương pháp này. Tuy nhiên, nếu nhìn vấn đề dưới bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay thì học online chính là giải pháp tốt nhất. Vấn đề là làm thế nào để giải pháp này được triển khai một cách hiệu quả, phù hợp với trẻ dưới 10 tuổi? Tôi xin được đưa ra một số giải pháp như sau:

Về việc trẻ không tập trung, cần có ông bà, cha mẹ kề cạnh: tôi cho rằng vấn đề nằm ở việc cần giám sát viên. Cô giáo có thể mời thêm một phụ huynh hoặc một trợ giảng, cùng tham gia học online để quan sát quá trình học sinh học tập. Qua đó, người này sẽ phối hợp thông báo lại với gia đình học sinh khi cần thiết, chỉ 1-2 buổi là vấn đề có thể được giải quyết vì trẻ em thường tiếp thu rất nhanh các vấn đề thực tiễn. Điều này cũng giúp giải quyết luôn vấn đề học nhanh, học chậm, tạo ra một lớp học tương tự trên trường, không có phụ huynh bên cạnh.

Về vấn đề giao tiếp: có thể chia lớp thành các nhóm nhỏ, phụ huynh chủ động kết nối và tìm kiếm thời gian để các bạn nhỏ được trao đổi, trò chuyện thêm cùng nhau. Chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều này.

Về giáo trình học tập: đối với các môn đọc, nghe, tưởng tượng… giáo viên hoàn toàn có thể truyền đạt tương tự với học trực tiếp. Đối với các môn hình thành thói quen như tập viết, đòi hỏi phải có sự giám sát và kèm cặp, nếu phụ huynh có khả năng có thể kèm thêm cho con, sau này giáo viên sẽ trực tiếp kèm cặp lại theo từng mức độ khi học sinh trở lại trường. Và có giải pháp tùy theo nhóm đối tượng trong tương lai gần nếu tình hình dịch bệnh diễn biến kéo dài.

Các vấn đề còn lại, theo tôi đều có cách giải quyết hợp lý và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh là cần sự phối hợp giữa ba bên Bộ Giáo dục & Đào tạo, giáo viên và phụ huynh. Vai trò mỗi bên cần tách biệt nhưng có phải có sự kết hợp. Ở đây, tôi chỉ nhìn thấy rằng, chúng ta đang hoạt động tách biệt, không có sự hòa hợp và kết nối để cùng hỗ trợ học sinh.

Cuối cùng, mục tiêu cao nhất chính là giúp trẻ em được học tập hiệu quả, phát triển một cách tốt nhất, phù hợp với lứa tuổi. Do vậy, cả ba bên đều cần lấy đây làm trọng tâm để giải quyết các vấn đề vướng mắc, tránh gây ảnh hưởng đến mục tiêu chung. Cần bỏ ngay tình trạng đổ lỗi qua lại giữa các bên: phụ huynh chê giáo viên dạy kém hiệu quả, giáo viên trách phụ huynh không hỗ trợ, giáo viên và phụ huynh cùng đổ hết trách nhiệm cho Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Lê Phạm tổng hợp

>> Bạn dạy con học online thế nào? Chia sẻ tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *