Tôi khó thở dù cả nhà đã âm tính Covid-19

Sau hơn mười ngày vượt qua cửa tử Covid-19, tôi vẫn bị những cơn khó thở, tức ngực hành hạ, phải làm bạn với bình oxy và thuốc mỗi đêm.

Mấy ngày nay trời Sài Gòn cứ mưa suốt, từ đêm đến sáng. Sau “cơn bão” Covid-19, các câu chuyện về những đứa trẻ mồ côi, những lời xé lòng của con trẻ khi có cha, mẹ ra đi vì dịch bệnh… cứ xoáy sâu vào lòng tôi. Vốn dĩ trước giờ, khi đọc những tin tức dạng này, tôi đã không kiềm được nước mắt, giờ đây, khi là người từng trực tiếp trải qua những ngày vật lộn chống chọi với con virus quái ác, tôi lại càng không thể ngăn nước mắt rơi.

Đến nay đã khoảng một tháng rưỡi kể từ khi cả gia đình tôi nhận tin gia đình mình trở thành F0. Dù giờ tất cả đều có kết quả test âm tính nhiều lần nhưng ký ức về những ngày đáng sợ ấy dường như vẫn cứ còn nguyên vẹn.

Người đầu tiên trong gia đình tôi phát bệnh là đứa con trai nhỏ. Hôm ấy con sốt, hai vợ chồng tôi chỉ nghĩ là do con mới nhổ răng, đồng thời một chiếc khác đang mọc, không hề nghĩ đến Covid-19. Mấy tháng trời vợ chồng tôi chẳng đi đâu ngoài tiêm ngừa, thỉnh thoảng nhận đồ từ người khác mang đến, nhưng lúc nào cũng cực kỳ cẩn thận vì nhà có con nhỏ. Con tôi tất nhiên càng không ra khỏi nhà.

Con sốt rất cao và hầu như không hạ dù chúng tôi đắp khăn mát liên tục, cho uống thuốc hạ sốt và làm đủ cách. Trải qua một ngày, một đêm, tôi gần như không dám ngủ. Tình hình không thuyên giảm, hai vợ chồng vội đưa con vào bệnh viện. Sau khi test sàng lọc trước khám, cả hai mẹ con tôi bị đưa qua khu riêng biệt. Nghe người ta nói chuyện, bàn tán, con tôi dường như đã hiểu ra vấn đề, còn đầu óc tôi lúc đó rỗng tuếch, chỉ tự trấn an mình rằng: “Không sao, không sao đâu!“.

Rồi bác sĩ thông báo tôi âm tính, còn con dương tính Covid-19. Con tôi buồn thiu, lo lắng: “Mẹ ơi, vậy bác sĩ sẽ nhốt con lại hả mẹ? Rồi chừng nào con được thả?”. Lúc đó, nước mắt trực trào, nhưng tôi biết mình không được khóc. Tôi trấn an con: “Nếu có thì cũng không gọi là nhốt, chỉ là giữ con lại để điều trị, chữa cho khỏi, đó là họ bảo vệ mình, nên con đừng sợ. Dù thế nào mẹ cũng ở bên con, con đừng lo!”.

Con mỉm cười nhưng ánh mắt không giấu được nỗi buồn. Con đã lớn để hiểu nhiều chuyện, nên tôi biết trong lòng con đang rất lo lắng. May mắn, bác sĩ nói con chỉ sốt cao, chưa có triệu chứng nặng nào khác, nên hướng dẫn cho cách ly, điều trị ở nhà.

>> ‘Bình tĩnh khi bạn là F0’

Đôi khi nói dối không phải vì không tin tưởng, mà chính vì quá thương yêu nên không thể nói sự thật được. Tôi giấu hết chuyện này với những người thân trong gia đình, nhất là ba mẹ hai bên. Tôi không ngại ai biết chuyện nhà mình có F0, nhưng chỉ sợ càng nhiều người biết thì họ lại lo mất ăn mất ngủ, nên tôi chỉ kể cho một vài chị em trong nhà biết. Tôi muốn khi nào khỏe lại, sẽ nói cho ba mẹ hay, để họ yên tâm.

Chúng tôi trở về nhà thực hiện cách ly, có ghé báo cho chính quyền địa phương biết. Thời điểm đó, thành phố có rất nhiều ca F0, tôi ở Quận 8, luôn nằm trong top đầu về số ca nhiễm. Một ngày trôi qua, tôi vẫn không thấy nhà mình bị giăng dây hay dán bảng thông báo. Tôi nói với chồng: “Hay anh gọi cho vợ chồng anh chị nhà đối diện biết nhà mình có F0 đi, để họ biết và tránh mình ra, chứ lỡ họ không biết lại qua cho đồ rồi lây bệnh thì tội họ lắm!”.

Gia đình tôi mới dọn về đây khoảng một năm, cũng chưa giao tiếp nhiều với ai xung quanh, nhưng anh chị hàng xóm đối diện vẫn hay qua cho đồ. Mấy hôm trước, họ đi từ thiện, còn qua cho vợ chồng tôi ít rau củ quả, trái cây. Chồng tôi đồng ý, nên hôm sau anh gọi cho họ thông báo. Đến lúc này, chúng tôi mới hay tin, xung quanh nhà mình, bên trái, bên phải, và nhà hàng xóm đối diện cũng đều đã nhiễm bệnh từ cả tuần trước rồi. Thì ra gia đình nhỏ của tôi gần như là nhà cuối cùng phát bệnh trong chùm năm, sáu nhà xung quanh.

Hai ngày sau, đến lượt chồng tôi mệt mỏi, cảm, viêm họng. Tôi mỗi ngày vẫn đều đặn nấu ăn, lo thuốc thang cho hai cha con, cố làm những món ăn bổ dưỡng, nấu nồi xông, đo các chỉ số cần thiết và theo dõi sức khỏe liên tục cho chồng con… Sau đó không lâu, chồng bị mất khứu giác, nồi xông sực nức nhưng anh lại không ngửi được gì. Ban đầu, chồng có vẻ hơi hoang mang dù ngoài miệng luôn nói không sao. Anh không muốn tôi nói cho ai biết về bệnh tình của mình. Tôi hiểu là anh sợ mọi người cuống cuồng lên sẽ càng lo lắng hơn.

Tôi không bi quan nhưng cũng không dám lơ là, cứ sợ sơ sảy một giây phút nào đó rồi mình sẽ hối hận cả đời, nên suốt một tuần đó, tôi hầu như không dám ngủ, mỗi khi giật mình giữa đêm lại kiểm tra chồng con, thấy họ không sốt, không có biểu hiện lạ, nhịp thở không bất thường, tôi mới yên tâm. Và rồi điều mà sớm muộn gì cũng xảy ra đã đến, tôi biết đến lượt mình đổ bệnh.

>> Tôi đã biết sợ Covid-19

Từ khi nhà tôi thành F0, tất cả đồ dùng sinh hoạt chúng tôi đều xài riêng hết, dù trước đây cái gì cũng xài chung. Từ khăn tắm, khăn lau mặt, ca uống nước giờ cũng được dán tên riêng; chén bát, xoong nồi… được tôi trụng nước sôi mỗi ngày. Ở trong phòng và cả khi ngủ, chúng tôi đều đeo khẩu trang. Con còn nhỏ nên tôi chỉ bắt con đeo khi thức, nhất là khi ra khỏi phòng, đi tới đâu đều phải rửa tay, xịt khuẩn tới đó. Vợ chồng, con cái không được ăn cơm chung nữa, mỗi người ngồi một góc, cách xa nhau.

Con tôi nói: “Khi nào hết bệnh rồi, con sẽ ôm mẹ thắm thiết luôn. Còn giờ không được, tại vì đang dịch, và con là F0, phải không mẹ?”. Tôi nghe mà nhói lòng, đáp lời con: “Không phải! Trong bệnh viện, lúc bác sĩ nói con bệnh, mẹ vẫn ôm con mà. Mẹ đâu có sợ vì con là F0. Chỉ là giờ không được vì mẹ sợ sẽ lại lây virus qua cho con”. Con tôi nhanh nhảu: “Nếu vậy thì con cũng không sợ bị mẹ lây đâu”. Nói xong, con dang cánh tay ra ra điệu bộ như muốn ôm mẹ, rồi mỉm cười, ánh mắt vẫn thoáng lên nỗi buồn. Con nít càng hiểu chuyện lại càng khiến người lớn thấy xót xa. Tôi cũng muốn đến ôm con thật chặt, nhưng lại không dám vì thời điểm đó con đã khỏe lên nhiều còn tôi đang ngày một nhiều triệu chứng bệnh.

Sau khoảng ba ngày trở bệnh, con tôi hết hẳn các triệu chứng, có thể chạy nhảy vui chơi như bình thường. Chồng tôi lâu hơn, mất khoảng một tuần chật vật với cơn bệnh rồi cũng khỏe và dần lấy lại được khứu giác. Tôi không mất vị giác, khứu giác, nhưng ăn uống không nổi, nên cố lao vào bếp làm đủ món để thay đổi khẩu vị, cũng để cho con ăn thỏa cơn thèm sau những ngày giãn cách. “Phải ăn mới có sức”, tôi luôn nghĩ vậy.

>> Năm ngày giành giật sự sống với Covid-19

Ban đầu, tôi cũng nghĩ mình khỏe mạnh, luôn lạc quan, cười vui mỗi ngày như không có chuyện gì, dù chỉ số oxy trong máu có lúc xuống rất thấp, nhưng tôi vẫn tin mình chịu được, qua được. Hơn nữa, một đứa vốn khỏe, mệnh danh là “cô gái 20 lít” (vì trong công ty tôi thường tự mình ôm cả bình nước 20 lít để lên bình lọc mà không cần nhờ ai) thì những triệu chứng đó với tôi đâu có nhằm nhò gì. Ban ngày, tôi thấy mình ổn, bệnh cũng không làm tôi mệt đến mức phải nằm bệt một chỗ. Nhưng không biết sao, chỉ số SpO2 của tôi cứ tụt, nhất là vào ban đêm, có khi ngày tụt mấy lần. Tôi ho, tức ngực, hụt hơi, đau nhức khắp mình mẩy.

Khi nghe bác sĩ nói về nguy cơ nếu cứ cố tự chịu đựng như vậy, tôi bắt đầu sợ. Có những đêm ngủ, tôi sợ mình không thể mở mắt vào sáng mai. Tôi vốn là đứa vô dụng, nên đã có những giai đoạn trong đời, khi ba mẹ, anh chị em lâm vào cảnh khó khăn, nguy hiểm, tôi bất lực không làm gì được, thì chỉ biết xin trời cho họ bình an và chấp nhận giảm đi tuổi thọ của mình. Nên đêm ấy, tôi thật sự thấy mình không ổn, giấc ngủ chập chờn, mệt mỏi, nhưng lại không dám nói ai vì sợ mọi người lo. Tôi đã nghĩ: “Không lẽ mình đã tận số rồi?”. Lúc đó, tôi chỉ biết thầm “réo gọi” những người thân đã khuất phù hộ cho mình, vì tôi vẫn còn nhiều thứ không thể bỏ lại, không thể ra đi lúc này.

Tôi tự nhủ lòng: “Không được bỏ cuộc. Nếu mình có mệnh hệ gì, con sẽ ra sao? Không thể để con thành đứa trẻ buồn bã được”. Tôi cũng chưa nói gì với ba mẹ, “không thể để họ bị sốc”. Chồng tôi cũng chưa biết chăm lo mọi mặt cho con, “tôi không thể để anh gánh vác một mình được”… Trong những suy nghĩ ấy, điều tôi sợ nhất đó là con mình sẽ trở thành trẻ mồ côi. Thế nên, tôi càng không cho phép mình bỏ cuộc. Với tôi, đó là một suy nghĩ tích cực. Tôi tự nhủ mình phải phấn chấn, phải bình tâm. Tinh thần rất quan trọng. Vì vậy, tôi không để những suy nghĩ lo lắng giày vò mình suốt những đêm ngủ. Tôi kết thúc chúng bằng những suy nghĩ tích cực hơn hoặc cố không nghĩ gì cả.

>> 10 ngày cả nhà tôi đương đầu Covid-19

Khoảng mười ngày trôi qua, cả hẻm tôi ở nhận kit test nhanh. Lúc đó, con và chồng tôi đã khỏe hẳn, chỉ còn tôi là còn nhiều triệu chứng. Tôi nghe nói, ai dương tính sẽ bị đưa đi cách ly tập trung. Nỗi lo trong tôi lại tràn ngập. Từ hồi dịch bắt đầu bùng phát, tận tháng tư đến nay, mỗi ngày mẹ tôi đều gọi video call hỏi han. Và lúc nào tôi cũng nói rằng “mình khỏe, mọi chuyện đều ổn”, dù trong đó cả cả những lời nói dối. Nếu giờ tôi phải vào khu cách ly, mẹ gọi đến, tôi sẽ lộ chuyện nhiễm Covid-19. Mẹ tôi chắc sẽ không ăn, ngủ được. Rồi còn chồng con tôi làm sao tự lo liệu…? Bao nhiêu suy nghĩ đó cứ quanh quẩn trong đầu tôi.

“Nhưng đâu còn lựa chọn nào khác, dù thế nào cũng phải chuẩn bị tinh thần đối mặt trước đã”, tôi nghĩ vậy và soạn sẵn balo. Nhưng rồi, may thay, cả nhà đều âm tính. Tôi mừng rơi nước mắt. Đến khi tôi trải qua 14 ngày bệnh, cả nhà tôi được test PCR lại lần nữa và tất cả đều âm tính. Khó có thể diễn tả nổi niềm vui mừng của chúng tôi khi ấy. Có điều, tôi vẫn chưa thể kể cho ba mẹ biết được vì bản thân vẫn còn phải điều trị sau Covid do nhiều triệu chứng còn kéo dài, phổi vẫn còn tổn thương, người nhức mỏi… Tôi chưa từng nghĩ mình đã âm tính mà vẫn còn phải nhờ bình oxy hỗ trợ mỗi khi SpO2 xuống thấp, thấy tức ngực…Với tôi, đó là những ký ức vô cùng ám ảnh.

Di chứng của Covid-19 cứ vẫn còn đó. Tôi được biết đến hội chứng hậu Covid, và phổi đã tổn thương khi virus tấn công nên hành trình chiến đấu của tôi sau 14 ngày vẫn tiếp tục, vẫn phải làm bạn với thuốc mỗi ngày, với bình oxy mỗi đêm… Tôi không hề nghĩ một người khỏe mạnh như mình, vốn không có bệnh nền, cũng không phải kẻ yếu ớt, lại rơi vào cảnh phải thở oxy mỗi đêm trước khi ngủ.

Tôi cứ dằn vặt mình, tại sao người ta vượt qua dễ dàng vậy, nhiều người yếu hơn mà vẫn nhanh khỏi bệnh, còn mình lại tệ vậy? Bác sĩ giải thích với tôi rằng con virus này rất phức tạp và khó lường…

>> Sống tích cực hơn sau hai năm Covid-19 hoành hành

Đến giờ, sau hơn một tháng trị bệnh (35 ngày), cũng là bấy nhiêu ngày tôi phải sống chung với thuốc. Dù bây giờ, tổn thương phổi vẫn còn và một vài triệu chứng khác chưa hết hẳn, nhưng bác sĩ nói tôi không nên uống thuốc nữa, thời gian này chủ yếu ăn uống bồi bổ và tập thể dục để phổi hồi phục dần. Tôi cũng thấy mình đã khỏe hơn hẳn, nhiều triệu chứng đã giảm đáng kể so với trước. Và khi đã cho ba mẹ hai bên biết chuyện, tôi mới dám viết ra đây, chia sẻ cho các bạn độc giả về những ngày gia đình mình là F0.

Sau tất cả, dù phải trải qua hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhưng tôi vẫn nhận thấy mình may mắn hơn rất nhiều người khác ngoài kia. Tôi nhận ra mình vẫn được yêu thương quá nhiều. Các anh chị em đã hết lòng lo cho chúng tôi, từ chuyện tìm bác sĩ, thuốc thang, trang thiết bị…, từng chút một. Mỗi ngày, họ đều gọi điện, nhắn tin, động viên chúng tôi. Họ cũng không ngần ngại bỏ tiền bạc, công sức giúp đỡ, dù tôi biết họ cũng không khá giả gì. Tôi thấy mình thật hạnh phúc và may mắn khi được sinh ra trong đại gia đình này, cảm thấy biết ơn tất cả.

Trải qua nỗi sợ xa con, xa người thân, tôi lại càng trân quý những những gì mình có hơn, muốn làm nhiều thứ hơn, nhất là cho con. Vẫn còn quá nhiều thứ tôi chưa làm được. Những đua chen ngoài đời với tôi từ lâu vốn đã không muốn quan tâm, giờ đây tôi lại càng xem chúng là vô nghĩa, không muốn sân si gì cả, chỉ mong bình an bên gia đình.

Chồng nói với tôi: “Trải qua chuyện này, hình như vợ chồng mình đã nếm đủ mùi vị trên đời rồi, chưa chuyện kinh khủng nào mà mình chưa trải qua”. Tôi nghĩ là đúng vậy, 14 năm, những gian khó vợ chồng tôi từng trải, rất nhiều và rất lớn, nhiều thứ chỉ có hai vợ chồng tôi biết và tự cùng nhau vượt qua. Giờ vượt qua trận sóng gió sinh tử này, tôi coi đó như một trải nghiệm, để càng quý trọng và yêu thương nhau hơn, cũng xem như là điều tích cực trong cái xui rủi mình gặp phải.

>> Dòng người để lại sau lưng ‘giấc mơ Sài Gòn’

Sài Gòn đang dần mở cửa trở lại. Chào đón những dòng người hối hả đổ ra đường sau thời gian dài giãn cách là cơn mưa rả rích. Sau tất cả, tôi chỉ muốn nhắn nhủ tới mọi người rằng, đừng quá bi quan, lo lắng khi mình bị mắc phải Covid-19. Tinh thần lạc quan giữ vai trò rất quan trọng trong chiến thắng bệnh tật, chỉ xin các bạn đừng coi thường dịch bệnh này. Nếu con virus này đơn giản thì có lẽ cả thế giới đã không phải lo sợ nó như vậy rồi. Mong mọi người hãy ráng tuân thủ quy định, và giữ gìn sức khỏe.

Đúng là có nhiều người đã dễ dàng vượt qua Covid-19, nhưng bạn cũng đâu thể chắc mình sẽ nằm trong số người may mắn đó. Lỡ bản thân có vấn đề gì, mọi thứ có thể là kết thúc với bạn. Với người ở lại, đó sẽ là cả một nỗi đau dai dẳng. Không gì bằng sức khỏe của bản thân và gia đình cả. Xin đừng để khi ở ngưỡng sinh tử rồi mới nhận ra điều đó, e rằng không phải ai cũng kịp quay lại để có cơ hội làm lại.

Sài Gòn của chúng ta sẽ sớm quay lại những ngày mạnh khỏe như xưa, sẽ lại rất đẹp về đêm. Tôi mong chúng ta sẽ nhanh chóng được thấy lại đêm Sài Gòn lấp lánh ánh đèn, nhộn nhịp dòng người và xe.

Huỳnh Lê

>> Bạn và gia đình đã vượt qua Covid-19 thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *