Tôi không bao giờ tuyển dụng sinh viên từng làm shipper

Tôi không muốn làm việc với những người không dành thời gian cho những mục tiêu cụ thể như kết quả học tập, các kỹ năng hay kiến thức.

Tôi đồng tình với quan điểm của tác giả bài viết “Sinh viên đánh rơi tương lai khi ‘nghiện’ làm shipper“. Bản thân tôi nguyên là kỹ sư điện tử chuyên nghành Xử lý tin thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội (khóa 1988-1993). Ở đây, tôi chỉ mong các bạn hiểu rằng, nhà trường hoàn toàn không có lỗi trong chuyện sinh viên chạy theo trào lưu làm shipper, chạy xe ôm công nghệ vì lương cao hơn cử nhân ra trường. Nếu tôi là nhà tuyển dụng, chắc chắn tôi sẽ không bao giờ tuyển một sinh viên từng ‘nghiện’ làm shipper vào làm việc tại cơ quan của mình.

Thực tế, hiện nay, có rất nhiều các chương trình thực tâp, hướng nghiệp tương lai, do các tổ chức khác nhau tài trợ. Thế nên, các bạn sinh viên không phải là không có cơ hội tiếp cận với thực tế ngành nghề của mình từ sớm. Ngoài ra, tôi cũng được biết, nhiều tổ chức xã hội cũng thường xuyên có rất nhiều sáng kiến và các chương trình lập nghiệp, hướng nghiệp cho các bạn trẻ, và đang hoạt động cực kỳ có hiệu quả. Do vậy, có thể nói, môi trường học kiến thức và thực hành của các bạn sinh viên ngay nay là hoàn toàn mở, theo hướng tự hướng nghiệp bản thân.

Vậy, vấn đề ở đây là gì? Theo tôi là ở chính bản thân các bạn sinh viên đã không dành thời gian cho các hoạt động hướng nghiệp và lập nghiệp ấy. Thay vào đó, họ tham gia vào các trào lưu “ảo” với mong muốn kiếm tiền nhanh, đặt ra các mục tiêu xa vời. Họ không nhân ra tầm quan trọng của các mục tiêu cụ thể ngay trước mắt như kết quả học tập từng kỳ phải tốt, dung nạp thêm các kỹ năng hay kiến thức phụ trợ hàng ngày, hàng tuần, để chuẩn bị cho hành trình làm việc sau này.

>> Những sinh viên mộng mơ làm shipper kiếm 15 triệu đồng

Nhân câu chuyện này, tôi cũng xin nêu một vài quan điểm sau:

Thứ nhất, việc học là rất cần thiết và hệ thống giáo dục của chúng ta đang vận hành đúng hướng. Trong lần thuyết phục các sinh viên hệ chính quy chúng tôi chấp nhận cạnh tranh với các sinh viên hệ mở rộng, thầy Hiệu phó có lý giải về tỷ lệ học đại học trên đầu người của nước ta thấp hơn so với các nước trong khu vực. Tôi thấy điều này rất đúng bởi vì trong những năm sau này, tốc độ bùng nổ của nền kinh tế đất nước, không thể không tính đến sự đóng góp của các bạn sinh viên hôm nay.

Thứ hai, về cách tiếp cận kiến thức của các bạn học sinh, sinh viên ngày nay, tôi thấy câu chuyện “bỏ học để thành công” hay “gap year” không nên là xu hướng của các bạn trẻ. Bởi vì ngay cả khi ra trường, đi làm, chúng ta cũng cần phải xác định cho rõ rằng làm việc gì cũng phải đầu tư ít nhất 10 năm mới biết được thành quả đến đâu?

Có câu chuyện về “chó sói mài răng” thế này: “Một con cáo thấy chó sói cứ nằm trên cỏ mà mài răng, bèn khuyên:

– Trời đẹp, mọi người đều nghỉ ngơi chơi đùa, sao anh không tham gia với mọi người?

Chó sói không nói gì, tiếp tục mài răng, làm cho răng nó thêm sắc nhọn. Cáo lấy làm lạ, hỏi:

– Trong rừng yên ổn, thợ săn và chó săn đều đã về nhà, hổ báo cũng ở đằng xa, anh hà tất cứ phải mài răng mãi?

Chó sói đáp:

– Tôi mài răng chẳng phải để chơi. Cậu thử tưởng tượng, nếu có ngày tôi bị thợ săn hoặc hổ báo săn đuổi, lúc ấy mới mài răng thì có kịp được chăng? Lúc nhàn rỗi tôi mài răng chính là để giữ mạng sống đó thôi”.

Cuối cùng, theo tôi, để một người đạt được thành công trong công việc thì cần phải có phương pháp làm việc và đặc biệt là tình thần nhiệt huyết, sẵn sàng làm những công việc thích hợp, đúng chuyên môn nhiều hơn nữa để nâng cao giá trị bản thân.

Quang Huy

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *