Tôi không trả lời tin nhắn, email công việc sau 20h

Làm việc tại nhà khiến nhiều nhân viên phải làm ngoài giờ hành chính, nửa đêm vẫn trả lời emai, tin nhắn của sếp.

Đợt dịch này có nhiều người trong chúng ta đã làm việc từ xa (work from home) bốn tháng. Làm việc tại nhà thực tế không thoải mái như tưởng tượng. Khối lượng công việc phải giải quyết trong ngày khi làm việc tại nhà nặng nề hơn. Chúng ta vừa phải làm việc của công ty, vừa phải chăm sóc gia đình. Tôi nghĩ có một nỗi khổ mà nhiều người đang mắc phải đó là vẫn phải tiếp tục làm việc sau khi hết giờ hành chính.

>> Sinh viên thực tập hãy vui vì ‘bị bóc lột’

“Vừa nấu ăn, vừa trông con, vừa làm việc, từ sáng đến chiều. 21-22h vẫn phải lọ mọ ngồi làm việc nhóm, chỉnh sửa công việc theo ý của sếp”- cô bạn tôi nhắn cách đây vài ngày với tâm trạng bực tức, uể oải.

Cô bạn cho hay, nếu đi làm việc tại văn phòng thì sau khi tan sở lúc 17h30 thì không phải bận tâm đến công việc vì đã cố gắng giải quyết hết trong giờ hành chính.

Chỉ thỉnh thoảng khi có dự án lớn, bạn phải tăng ca thêm vài tiếng. Nếu chưa hết việc thì về nhà cố làm thêm tí xíu rồi sáng hôm sau lại làm tiếp. Còn bây giờ, khi làm việc ở nhà thì chẳng có ngày nào được nghỉ ngơi sau khi hết ca làm.

Cô ấy nói sếp giao việc, bắt làm với khung thời gian dài hơn trước rất nhiều. Sếp đưa ra những “chính đáng” như: làm ở nhà không tốn thời gian di chuyển, mùa dịch nhiều người thất nghiệp mà công ty còn giữ được việc nên nhân viên phải cố gắng nhiều hơn…

Tôi không nghĩ đây là những lý do chính đáng để bắt nhân viên làm việc ngoài giờ. Đầu tiên, với việc phải ở nhà suốt trong vài tháng liền, tâm lý con người trở nên rất bức bối, khó chịu. Ngồi trong bốn bức tường, giải quyết công việc từ sáng đến tối, không có khung thời gian cụ thể sẽ khiến con người trở nên stress nặng nề. Ai dám bảo rằng tress vì công việc nhẹ hơn stress vì thất nghiệp?

Qua câu chuyện của bạn tôi và với kinh nghiệm của một freelancer bốn năm kinh nghiệm, tôi nhận thấy có rất nhiều sếp, khách hàng làm việc ngẫu hứng, không để ý tới thời gian của người khác. Khi giao sản phẩm, báo cáo trong giờ hành chính họ sẽ không xem ngay mà để đến những lúc oái ăm như giờ sinh hoạt gia đình, 21-22h… Đến giờ đó, họ mới nhắn tin cái thắc mắc của mình và yêu cầu người nhận tin nhắn phải trả lời ngay.

>> Sinh viên thực tập lương 1,5 triệu nhưng ôm ba việc

Tôi cho việc phải tiếp tục làm việc sau giờ hành chính không là dấu hiệu của một công ty chuyên nghiệp, của một người chăm chỉ hay yêu công việc. Họ chỉ đang làm phiền người khác mà thôi.

Cá nhân tôi nghĩ cách giải quyết tốt nhất là không trả lời tin nhắn, email liên quan đến công việc hoặc là sau giờ hành chính, hoặc là một mốc thời gian cụ thể nào đó, với tôi là 20h. Sau giờ này nếu có email, tin nhắn nào liên quan đến công việc, tôi sẽ không xem ngay (trừ trường hợp khẩn cấp thì linh động giải quyết) mà để sang hôm sau.

Công việc và lao động rất quan trọng vì nó đem lại thu nhập mỗi tháng. Nhưng giờ giấc sinh hoạt, làm việc của mỗi cá nhân cần được rạch rồi và được tôn trọng. Đó là cách đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần cho nhân viên, từ đó tăng năng suất công việc vào ngày hôm sau.

Ánh Dương

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *