Tôi phụng dưỡng mẹ dù bà bán hết đất trả nợ cho em trai

Tôi nghĩ đơn giản, làm con mà tính toán tiền bạc, vật chất với cha mẹ làm gì, sau này bà mất đi rồi thì tính toán nữa với ai?

Tôi năm nay 36 tuổi, một chồng, hai con và một mẹ già. Dưới tôi còn có vợ chồng người em trai. Năm tôi lên 10 tuổi thì ba qua đời. Ông để lại tài sản là 5.000 m2 đất ruộng và một nền nhà của ông bà nội cho. Ông bà ngoại cho mẹ 2.000 đất vườn. Nhờ những tài sản đó làm kế sinh nhai mà ba mẹ con tôi sinh sống.

Ngoài công việc đồng áng, mẹ tôi còn buôn bán tạp hoá kiếm đồng ra đồng vào. Nhờ đó mà gia đình cũng không đến nỗi thiếu trước hụt sau. Là con gái, tôi ý thức được trách nhiệm và rất thương mẹ vì cảnh goá bụa nuôi hai con của bà.

Tôi chăm học, học giỏi, và đậu đại học ở thành phố. Em trai tôi thì không được như vậy. Có lẽ mẹ tôi thương em còn quá nhỏ khi ba mất nên bà muốn bù đắp. Bà bù đắp bằng cách nuông chiều nên nó đâm ra hư hỏng. Tôi học đại học bằng những năm tháng làm thêm đến tối mịt mới về đến phòng trọ. Có ngày chỉ lót dạ bằng cái trứng luộc rồi uống nước lạnh đi ngủ. Em trai tôi thì vào đời từ khi bỏ học lớp 11. Mẹ tôi vẫn không than phiền gì về việc đó, mặc dù tôi phản đối và khuyên nhủ em ráng học xong lớp 12 rồi tính tiếp.

>> Những người con chịu sự bất công khi chia tài sản

Tôi lúc này đã ra trường đi làm ở thành phố và chuẩn bị cưới. Ngày cưới tôi không có của hồi môn gì nhiều ngoài vài chỉ vàng mẹ cho và dành dụm.Vài năm sau em tôi cưới vợ ở quê. Việc chia tài sản chưa ai bàn tới vì mẹ tôi vẫn còn mạnh khỏe. Em tôi cưới rồi nhưng vẫn lông bông, ngày đá gà, đêm cá độ đá banh. Do cần tiền làm ăn nên tôi mượn mẹ sổ đỏ cắm ngân hàng vay nợ, lúc này bà mới nói là đã đi cầm cố để trả nợ cho em trai tôi rồi. Lúc đó tôi choáng, lòng buồn mênh mang vô cùng. Thứ nhất, mẹ không chủ động thông báo với tôi chuyện này. Thứ hai, trong lúc tôi cần lại không được gia đình hỗ trợ. Lúc đó tôi nghĩ thà gia đình không có tài sản thì tôi chẳng buồn, có mà rơi vào trớ trêu như thế tôi buồn hơn.

Vậy là tài sản trong nhà chỉ còn cái nền nhà mẹ và em tôi ở. Đất vườn mẹ tôi và em trồng trọt, chăn nuôi sống qua ngày. Tôi lấy chồng rồi thì không được chia phần nào. Lúc đó cũng may chồng tôi mượn được vốn bên nhà anh nên mới có tiền làm ăn. Bây giờ hai vợ chồng mới có dư được một ít, cuộc sống thoải mái hơn trước. Vợ chồng em tôi thì không lo lắng gì cho tương lai, không chí thú làm ăn.

Nhìn cảnh mẹ tôi gầy xọp vì lo làm để hầu dịch hai vợ chồng cậu em mà tôi giận lắm. Nhiều lần tôi định cho mẹ tiền nhưng biết thế nào em tôi cũng moi móc của mẹ nên tôi thường mua bánh, sữa gửi về nhà. Tiền thì thỉnh thoảng tôi cho bà dằn túi đủ xài, không cho nhiều. Tôi dự tính với chồng tôi nếu sau này mẹ già yếu, tôi sẽ rước mẹ về nuôi và chồng tôi đồng ý, nếu vợ chồng em tôi tiếp tục ăn bám mẹ.

>> Tôi từ chối căn nhà bố mẹ cho

Tôi thương mẹ vì bà đã sinh ra tôi để tôi có mặt trên đời này. Tôi biết bà chiều và thương em trai hơn vì nghĩ sau này già sẽ trông cậy vào nó nên tôi không giận và buồn nhiều khi bà có vẻ thiên vị nó hơn tôi.

Khi thấy nhiều người bỏ bê, không chăm sóc hoặc đùn đẩy việc chăm sóc cha mẹ khi không được chia tài sản, tị nạnh chia tài sản ít nhiều tôi rất không đồng tình. Có những mối quan hệ trên đời không thể đo đếm bằng tài sản vật chất như vậy, trong đó có tình cha mẹ và con cái.

Tôi chỉ nghĩ đơn giản, nếu không cho tài sản như một bước đệm vào đời thì cha mẹ cũng có công sinh thành, dưỡng dục. Làm con nếu bị cha mẹ ruồng rẫy bỏ bê thì không nói làm gì. Nhưng vì vài cái vật chất tiền bạc mà tính toán thiệt hơn với cha mẹ mình thì có nên không? Vài năm nữa khi cha mẹ qua đời, chúng ta còn tính toán nữa, với ai?

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Thanh Hà

Nhiều người bỏ bê con nhưng trông chờ báo hiếu

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *