‘Tôi vào đại học lúc một vợ, hai con’

‘Tôi quyết định thi vào ngành sư phạm năm 1985 khi đã 31 tuổi vì tiền công khoán của thợ may rất bèo bọt’.

Sau câu chuyện muốn nghỉ làm thợ cắt tóc, thi lại đại học ở tuổi 27, nhiều độc giả chia sẻ hành trình tìm tri thức của bản thân khi vào đại học khá trễ:

Tôi hiện giờ 66 tuổi, là giáo viên THPT về hưu năm 2015, lương hưu 6 triệu. Năm 1985 (31 tuổi), tôi là thợ may, thấy may khoán tiền công bọt bèo, tôi quyết đi thi đại học sư phạm. Lúc đi thi, tôi đã có vợ, hai con.

Hồi đó, trường bao ăn ở, tôi động viên vợ, học nhưng tự làm thuê đủ việc để mỗi tháng gởi vợ ít tiền (hồi đó chỉ vài trăm thôi) giúp vợ nuôi con. Năm 1989 tôi tốt nghiệp, đi dạy. Tôi cố gắng đạt giáo viên dạy giỏi, xin dạy thỉnh giảng nhiều trường. Từ đó gia đình ổn định đến giờ.

Nguyễn Hải Thành

Xin chia sẻ câu chuyện của tôi với bạn. Năm nay tôi 30 tuổi đã có gia đình và một bé trai ba tuổi. Trước dịch Covid tôi làm chủ một cơ sở sản xuất miến dong truyền thống.

Thu nhập ổn định nhưng từ đầu năm đến giờ công việc thu nhập bấp bênh. Vì vậy tôi đã quyết định đi học lại, ở tầm tuổi này việc đi học lại sẽ rất khó khăn và áp lực. Vừa phải lo kiếm tiền rồi học hành. Chưa nói đến việc mọi người cười chê tuổi này rồi không lo kiếm tiền mà còn học.

Nếu đã có mục tiêu hãy cố gắng để đạt được. Học chưa bao giờ là quá muộn cả. Hãy cố gắng kiên trì tập trung vào mục tiêu và tạm thời bỏ qua những chuyện khác. Tôi hy vọng sau hai đến ba năm nữa tôi và bạn sẽ cùng lên đây đọc lại bài này và tự hào vì chúng ta đã không bỏ cuộc. Bởi vì chúng ta không đơn độc trong hành trình sắp tới.

duchien1590

Tôi cũng đi học muộn hơn so với tuổi 6 năm. Giờ làm giảng viên, không đi học thì đang làm thợ điện hoặc thợ thi công điện nước rồi. Tuổi trẻ vừa rời ghế phổ thông, thi đại học thuận lợi hơn thì bên cạnh đó lại chưa xác định rõ ràng mình thích gì, muốn gì, khả năng là gì. Giờ bạn đã rõ về bản thân, quyết tâm là thành công. Dù gì thì con đường tri thức vẫn đáng để theo. Chúc bạn thành công.

Ngô Anh Bảng

Tôi cùng tuổi với bạn và cũng bắt đầu đời sinh viên trễ hơn nhiều so với các bạn cùng tuổi chúng ta (năm tôi 24 tuổi). Và tôi giờ tôi không hề hối hận vì đã đi học muộn, vì bắt đầu học vào tuổi đó tôi có thể tự lo về học phí, có ý thức học tập hơn và biết rõ định hướng của mình.

Nghĩ lại nếu tôi vào đại học năm 18 tuổi thì chắc cũng sẽ không ra trường nổi vì lúc đó cũng không biết mình muốn gì. Nên không bao giờ muộn để bắt đầu lại một thứ gì cả. Rất đồng cảm vì bạn đã trải qua nhiều khó khăn, nhưng cũng rất khâm phục vì bạn có ý chí.

Thợ cắt tóc cũng là một nghề tốt, nhưng đời người có một lần, thay vì bám một nghề để sống thì hãy thử làm một chuyện mình muốn làm. Hy vọng 10 năm sau tôi sẽ không gặp bạn, vì… tôi không muốn gặp bác sĩ ở tuổi trung niên đâu). Chúc bạn may mắn.

Hikari Chan

Độc giả Kim Thu cho rằng kiến thức là trở ngại lớn nhất phải vượt qua nếu muốn vào đại học ở độ tuổi xấp xỉ 30:

Tôi cũng bắt đầu đi học lại trường trung cấp sau khi đi làm 8 năm. Thời gian làm thợ thêu tay, tôi đã tích lũy một ít tiền và sau đó cùng có suy nghĩ như bạn. Tôi không thể suốt đời làm công việc thêu thùa. Tôi đã chọn trường dễ nhất để thi và nhất quyết thi đậu.

Sau khi học xong trung cấp, tôi được giữ lại trường làm việc và sau đó học tiếp lên Đại học. Hiện nay tôi đã về hưu. Hãy ước mơ và thực hiện ước mơ ấy. Tuy nhiên tôi nghĩ thi vào ngành Y đối với người đã nghỉ học lâu năm hơi không thực tế bạn ạ.

Bạn đã quên hầu hết kiến thức trung học, chưa kể chương trình học cũng đã khác với thời bạn học. Bạn nên cân nhắc kỹ khi chọn trường và đã quyết đi học lại thì phải đậu ngay năm nay. Bạn cũng cần có thời gian luyện thi nữa. Chúc bạn thực hiện được ước mơ.

Độc giả Nguyen Thanh Chau cho rằng cần tính toán và cân nhắc kỹ khi quyết định theo đuổi việc học:

28 tuổi vẫn còn trẻ, nếu còn động lực và đủ tài chính thì cứ học. Nhưng cũng nên lập kế hoạch cho 10 năm tới. Giả sử đang học lại lập gia đình, có con cái (kèm theo gánh nặng tài chính…, thời gian hạn hẹp,…), lúc đó có theo học tiếp được nữa không. Nói chung là phải tính đến cả những vấn đề phát sinh mà mình không ngờ đến nữa.

Hữu Nghị tổng hợp

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Sai lầm hy sinh đời bố, củng cố đời con bằng đại học

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *