Tour khép kín, chia phòng tiệc vì quy định phòng chống dịch

Nhiều địa phương chỉ cho tổ chức du lịch theo hình thức ‘một cung đường hai điểm đến’, khách chỉ ở trong khách sạn, resort, không được đi ra ngoài.

Khách hàng điện thoại báo hủy sát giờ vì dịch bệnh bùng phát ở điểm đến, vì lo ngại sẽ vướng phải bất cập khi quay lại TP HCM, trong khi chỉ còn chưa đầy 24 tiếng nữa là tour sẽ khởi hành. Đó là một trong những lý do khiến các công ty du lịch đang thật sự gặp khó khăn. Một số đại diện công ty du lịch chia sẻ với tôi rằng: “Bây giờ có tour để chạy thì mừng, nhưng vừa làm vừa run“.

Thị trường khách mong muốn đi du lịch nội địa rõ ràng là có, nhưng để chạy tổ chức được một tour hoàn chỉnh trong gian đoạn “bình thường mới” như hiện nay vẫn còn rất nhiều điều để lo lắng. Trước đây, mua bảo hiểm cho khách du lịch là một trong những yếu tố liên quan đến y tế khi tham gia du lịch. Còn ngay nay, xét nghiệm Covid-19 trong 72 tiếng trước thời gian du lịch trở thành điều kiện bắt buộc.

Chưa kể, có những trường hợp trớ trêu khi một ngày di chuyển bằng xe du lịch qua những tỉnh thành khác nhau lại phải test nhanh tại nút giao của các địa phương đó. Nhiều khi tỉnh, thành phố đến du lịch đang có cấp độ dịch màu xanh hay vàng, nhưng sau hai ngày lưu trú lại chuyển thành màu cam hoặc màu đỏ. Khi đó người phục vụ và khách du lịch sẽ gặp trở ngại lớn khi quay về vì đến từ vùng dịch, có nguy cơ cao.

Có địa phương lại chỉ cho tổ chức du lịch theo hình thức “một cung đường hai điểm đến“, tức khi đến cơ sở lưu trú, khách chỉ ở trong khách sạn, resort, không được đi ra ngoài hay nói cách khác là “tour khép kín”. Trong khi định nghĩa về du lịch của Luật Du Lịch (2005) nói rằng khi con người ra khỏi nơi thường trú để tìm kiếm các nhu cầu tham quan, học hỏi, vui chơi, nghỉ ngơi trong một khoảng thời gian được hoạch định sẵn được coi là du lịch. Liệu rằng “tour khép kín” có mang đúng bản chất của du lịch hay không và có đang làm mất đi sự hấp dẫn của ngành du lịch?

Có thể nói, các công ty du lịch đang phải đối diện với rất nhiều vấn đề khi tổ chức một tour. Nếu khách hàng chủ động hủy tour thì họ sẽ bị mất phí, nhưng nếu địa phương không cho phép tổ chức thì ai sẽ là người chịu thiệt hại? Đơn vị tổ chức hay người đi du lịch?

>> ‘Xét nghiệm khách đi máy bay là lãng phí’

Một đồng nghiệp của tôi công tác trong ngành tổ chức sự kiện ở Hà Nội nhắn tin tâm sự rằng, khi mọi thứ chuẩn bị đã sẵn sàng cho việc tổ chức buổi tiệc 120 người vào trưa mai thì bất ngờ thành phố ra thông báo “chỉ được phép tập trung dưới 30 người” vào chiều tối nay. Phía khách hàng muốn giảm bớt số người tham dự vì lo ngại vi phạm quy định phòng chống dịch, nhưng mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn sàng từ khâu mua thực phẩm, lắp đặt sân khấu, bàn ghế… mọi thứ đã được chi trả cho bên thứ ba. Vậy ai là người chịu thiệt hại khi thay đổi giờ chót?

Khách hàng cũng có lý của mình, nhưng đơn vị tổ chức cũng có lý của họ. Cuối cùng, sự kiện đó vẫn được diễn ra nhưng phải chia thành bốn sảnh với mỗi sảnh 30 khách, để đảm bảo quy định phòng chống dịch. Nhưng đó chỉ là về mặt hình thức, chứ xét cho cùng, như vậy còn được coi là một sự kiện nữa hay không? Vậy phải chăng cả hai bên đều đang gặp vấn đề phải chạy theo một quy định mới không mấy vui vẻ.

Qua hai câu chuyện trên, vấn đề bất cập khi bình thường hóa các ngành dịch vụ đang nằm đâu? Những người làm du lịch hay tổ chức sự kiện giờ như cá nằm trên thớt. Muốn phục hồi, phát triển kinh tế, tôi cho rằng cần tạo điều kiện hợp lý một cách hết mức, song vẫn không quên việc phòng chống dịch. Các quy định gấp rút, chưa cụ thể, chi tiết hóa đang khiến cho những tổ chức, cá nhân và kể cả người sử dụng dịch vụ vướng phải sự bối rối lo lắng, không biết liệu rằng sẽ có thêm một quy định gì mới nữa hay không?

Tôi tin chắc rằng không chỉ ngành du lịch, tổ chức sự kiện mà còn những ngành khác cũng đều không mong muốn những văn bản bất thình lình, rồi lại đau đầu tìm cách giải quyết, chữa cháy. Mong rằng mọi tổ chức, cơ quan, cá nhân trong cả nước vẫn một lòng chung tay phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, tuân thủ các biện pháp phòng dịch như 5K, tiêm vaccine để cùng nhau sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Đinh Vũ Hoàng Tuấn

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *