‘TP HCM cần giãn cách có trọng tâm thay vì diện rộng’

Không phải cứ số ca nhiễm tăng là nâng mức độ giãn cách xã hội, phải xây dựng tiêu chí rõ ràng khi nào áp dụng chỉ thị 15, 16.

Cách đây khoảng ba tuần, khi xuất hiện một loạt ca nhiễm từ Hội truyền giáo Phục hưng, tôi tin TP HCM đã phải đứng trước một quyết định đầy khó khăn: có nên giãn cách toàn thành phố? Việc giãn cách một thành phố đầu tàu của đất nước chắc chắn là một chuyện không hề dễ dàng. Thế nhưng hai tuần trôi qua, chúng ta đã thấy quyết định ấy là đúng đắn và kịp thời. Nếu không kịp khoanh vùng, chắc có lẽ bây giờ số ca còn tăng thêm nhiều nữa. Tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều ca nhiễm mới nên không thể coi là ổn định. Vấn đề đặt ra là các biện pháp tiếp theo khi ca nhiễm bệnh còn được phát hiện trong cộng đồng sẽ là gì?

Trước hết, việc giãn cách là cần thiết, nhưng chúng ta cần giãn cách có trọng tâm thay vì diện rộng như hiện tại. Nơi nào có nhiều ca nhiễm, chưa biết rõ nguồn lây thì cần quản lý, giám sát tích cực. Vùng ít nguy cơ không thể quản lý giống như vùng nguy cơ cao. Biết rằng, nếu cứ giãn cách toàn thành phố thì vùng nguy cơ cao cũng thuộc phạm vi ấy nhưng chúng ta không thể đủ lực lượng để đảm bảo kết quả tốt. Trong khi đó, vùng cần siết chặt lại không đủ quyết tâm, vùng ít cần theo dõi thì vẫn tốn một lực lượng đáng kể để duy trì.

Quan trọng nhất, điều đó sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn đến mục tiêu phát triển kinh tế song song với kìm hãm dịch bệnh. Rất nhiều quán ăn, cửa hàng ở vùng ít nguy cơ vẫn phải đóng cửa và đó là điều không thực sự cần thiết.

Ở một khía cạnh khác, không phải cứ số ca nhiễm tăng là cần nâng mức độ giãn cách xã hội như ý kiến của một số độc giả gần đây. Số ca nhiễm tăng, nhưng nếu đều nằm trong vùng giám sát, khoanh vùng chặt chẽ, ít khả năng lây ra cộng đồng thì nguy cơ vẫn thấp. Số ca nhiễm có giảm nhưng không biết chính xác nguồn lây lại là điều đáng lo ngại.

Vẫn biết rằng, tiền hôm nay không kiếm thì sau này có thể kiếm, sức khỏe mới là thứ quan trọng nhất; hay thuốc đắng dã tật, nhưng đôi khi chúng ta không dám uống vì thuốc quá đắng. Cũng có thể vì lý do này mà dù dịch bệnh đã lan rộng trên đất nước Ấn Độ nhưng họ vẫn chưa thực hiện giãn cách xã hội. Nhưng xét cho cùng, chống dịch là không để dịch xảy ra, chứ không phải không có ca nào nhiễm bệnh. Dĩ nhiên, không có ca nhiễm thì không thể xảy ra dịch nhưng thiệt hại kinh tế, sức người, sức của sẽ vô cùng lớn.

>> Đi chợ Sài Gòn thời Covid

Có một thực tế rằng, tỷ lệ tử vong do Covid-19 vẫn thấp hơn các bệnh mạn tính khác như tim mạch, ung thư… Tình trạng bệnh nhân không dám tới bệnh viện điều trị cũng sẽ làm tỷ lệ tử vong của các bệnh lý này cao hơn. So với hơn một năm trước đây, tình hình Covid-19 đã có nhiều thay đổi. Ở thời điểm đó, chúng ta đang chiến đấu với kẻ thù vô hình mà chưa có nhiều thông tin.

Mặc dù chủng virus Ấn Độ lây lan hơn các chủng khác nhưng hiện tại kiến thức nhân loại về nCoV đã tốt hơn rất nhiều. Mô hình dịch tễ lây nhiễm đã được báo cáo liên tục trên các tờ báo khoa học chuyên nghành. Rất nhiều bài học chống dịch thành công trên thế giới đều là những kinh nghiệm cho chúng ta tham khảo. Và quan trọng nhất, thời điểm này, nhân loại đã có vaccine.

Trong một tuần tới, gần một triệu người dân TP HCM sẽ được chủng ngừa. Đó là thành quả tích cực của chính phủ và ban phòng chống dịch của cả nước. Việt Nam không những tiếp cận được nguồn này mà cũng đang trong quá trình tạo ra vaccine của riêng mình.

Do vậy, chúng ta cần có chiến lược đưa cuộc sống người dân thành phố trở lại bình thường mới. Không có gì đảm bảo sau hai tuần tiếp tục thực hiện theo chỉ thị 15, TP HCM sẽ không còn ca nào mắc bệnh. Nếu lấy tiêu chí còn phát hiện ca lây nhiễm mới để duy trì giãn cách xã hội thì rất lâu người dân thành phố mới trở về cuộc sống “bình thường” được.

Ngoài ra, đi đôi với thay đổi cách chống dịch, cách ly F1 tại nhà, chúng ta có thể cách ly các ca dương tính không triệu chứng tại các khu cách ly tập trung để theo dõi, giám sát. Nếu có biểu hiện triệu chứng thì sẽ chuyển tới bệnh viện. Như vậy sẽ giảm tải cho các bệnh viện chuyên điều trị Covid-19.

Cuối cùng, chúng ta cần xây dựng bộ tiêu chí rõ ràng, tình huống nào cần theo chỉ thị 15, 16… khi nào giãn cách một khu phố, phường, quận, thành phố, toàn quốc. Như vậy, chúng ta sẽ giảm thiệt hại đến mức tối thiểu và nâng hiệu quả chống dịch lên tối đa. Đồng thời làm giảm bớt tâm lý “hoảng loạn” của một bộ phận không nhỏ người dân, lẫn các địa phương vùng dịch.

Nguyễn Tuấn Định

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Những biến chủng nCoV mới đã phát tán mầm bệnh nhanh hơn trước. Các y bác sĩ phải chạy đua với tốc độ lây nhiễm hàng trăm ca mỗi ngày. Để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, các cá nhân và doanh nghiệp có thể đồng hành cùng báo VnExpress trong chương trình “Tiếp sức cho tâm dịch”. Xem chi tiết tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *