Trầm cảm vì 10 năm ở nhà nội trợ, chăm con

“Ở tuổi 37, với ‘thâm niên’ 10 năm ở nhà nội trợ, tôi vẫn phải vất vả đi tìm việc để giải thoát bản thân khỏi cái tiếng ‘ăn bám’ “.

“Phụ nữ nên đi làm, vì mình, vì con sau này. Nhất là khi bạn còn trẻ, đây là thời gian vàng để phát triển và kiếm việc phù hợp với bản thân. Khi bạn kiếm được thu nhập, bạn mới có thể độc lập được cuộc sống.

Tôi có “thâm niên” gần 10 năm ở nhà, và thực sự đến giờ, thấy rất tiếc nuối. Ở tuổi 37, khi mọi việc gia đình ổn định, tôi vẫn đang đi kiếm việc và vấp phải rất nhiều khó khăn. Thời điểm tôi nghỉ việc là khi sắp sinh con đầu lòng, vì chồng đặc thù làm công trình, không có thời gian cho gia đình. Bé đầu nhà tôi lại đau ốm như cơm bữa, bị rối loạn phát triển và ngôn ngữ, nên tôi chọn ở nhà chăm con.

Rồi đến lượt bé thứ hai ra đời, tôi quanh quần lo việc ở nhà đến giờ đã 10 năm. May mắn, chồng tôi gánh vác kinh tế tốt, lại thêm thỏa thuận của hai vợ chồng là ‘mỗi người mỗi việc’, nên chồng vẫn bỏ ngoài tai rất nhiều lời bàn tán ra vào vì tôi không đi làm. Thế nhưng, tôi không được vững tâm như chồng. Có thời gian, tôi thấy khổ sở và suy nghĩ rất nhiều, cảm thấy vô dụng vì không kiếm được tiền đến mức sinh bệnh trầm cảm.

May mắn thay, sau đó là giai đoạn bất động sản bùng nổ, nhờ tham gia đầu tư nên tôi cũng kiếm được hơn bốn tỷ đồng, lúc đó mới thấy nhẹ nhõm, tự tin vì mình cũng đóng góp được cho kinh tế gia đình. Tuy nhiên, căn bệnh rối loạn lo âu của tôi vẫn còn đó, tôi vẫn phải uống thuốc hằng ngày. Giờ kinh tế đã ổn hơn, con cái đỡ phải chăm nhiều, nhưng tuổi 37, tôi chẳng dễ kiếm việc khi phải cạnh tranh với lớp trẻ, nhất là trong giai đoạn hậu Covid này.

Thế nên, phụ nữ nên đi làm, vì mình, vì con cái sau này. Nhất là khi bạn còn trẻ, đây là thời gian vàng để phát triển và kiếm việc phù hợp với bản thân. Khi bạn kiếm được thu nhập, bạn mới có thể độc lập được cuộc sống”.

Đó là chia sẻ của độc giả Chauchau xung quanh câu chuyện về trách nhiệm kiếm tiền của phụ nữ. Do ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến, rất nhiều người cho rằng phụ nữ được tạo ra để quán xuyến các chuyện trong nhà, chăm con đẻ cái, nấu nướng và phục vụ bố mẹ chồng. Một số phụ nữ cũng cho rằng kiếm tiền và xây dựng sự nghiệp là nghĩa vụ của đàn ông. Vai trò của đàn ông và phụ nữ ngày nay đã khác xưa rất nhiều.

Ủng hộ quan điểm phụ nữ cần tự lập về mặt tài chính, bạn đọc Anh446297 kể lại chính câu chuyện của gia đình mình trong quá khứ:

“Chồng tôi là người có năng lực, thu nhập cao, thế nhưng cũng có thời gian gặp tai nạn khi đi giám sát việc xây xưởng mới. Chồng phải nằm viện tận năm tháng, và tập vật lý trị liệu mất hai năm mới đi lại bình thường được. Tôi và chồng đều có công việc riêng thuộc hai lĩnh vực khác nhau nên chỉ biết bỏ tiền chữa trị cho chồng và nuôi con. Tôi không hiểu biết công việc của chồng, lại phải làm việc của mình, nên không quản lý được. Thế là công ty của chồng tôi bị thất thoát rất nhiều, khách hàng cũng mất hơn một nửa, xưởng mới cũng phải bán tháo để cầm cự.

Đến lúc chồng tôi làm lại, công ty hầu như chỉ còn lại cái xác. Nhìn chồng đau khổ bật khóc nức nở mà tôi đau đến xé lòng. Tài sản tôi dành dụm riêng cũng dốc hết cho chồng gây dựng lại công ty. Vợ chồng tôi phải vay mượn thêm và cố gắng ròng rã hơn hai năm, công ty chồng tôi mới bắt đầu ổn định và có lời trở lại. Tai nạn và rủi do có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, hãy thử đặt trường hợp gia đình mình vào đấy xem bạn sẽ xử lý thế nào khi không làm ra tiền?”.

Cùng chung tình cảnh khó khăn khi nghỉ việc từ sớm, độc giả Mai Phuong nhấn mạnh những hệ lụy mà người phụ nữ sẽ phải đối mặt:

“Bản thân tôi từng có thời gian không đi làm trong bảy năm do theo chồng ra nước ngoài làm nghiên cứu sinh. Lúc ở Việt Nam, tôi stress với công việc, chỉ muốn nghỉ, đến khi được nghỉ lại thèm đi làm kinh khủng. Thấy ai làm việc, tôi cũng thèm. Nhưng do ở châu Âu nên không xin việc được.

Về Việt Nam mất một năm, tôi tiếp tục ở nhà chăm đứa thứ hai cho đến hơn một tuổi mới đi làm trở lại. Tôi bắt đầu lại với mức lương hơn 9 triệu/ tháng. Nửa năm sau, tôi chuyển sang công ty khác, lương lên 12-13 triệu. Sau 1,5 năm, tôi chuyển công ty mới, lương lên gần 18 triệu đồng.

Với thời gian nghỉ dài như vậy mà thị trường vẫn chấp nhận tôi và lương tăng gấp đôi chỉ sau năm nên tôi nghĩ những bạn nào bảo ‘lương thấp thà ở nhà’ là nguỵ biện. Lương của bạn hôm nay thấp, nhưng nếu bạn trau dồi không ngừng thì lương sẽ tăng đều. Nói thêm, trong thời gian quay trở lại công việc, tôi học rất nhiều, tham gia các khóa học offline, online, hội thảo… nên mới đạt được như vậy”.

>> ‘Đàn ông có trách nhiệm không bắt vợ kiếm tiền’

Không có tiền đồng nghĩa với việc phụ nữ sẽ có ít tiếng nói và khả năng quyết định mọi thứ trong gia đình hơn. Từ chọn trường cho con, mua đồ hôm nay ăn gì, chi tiêu điện nước, gửi tiền về cho bố mẹ… tất cả đều phải thông qua chồng. Một người phụ nữ độc lập tài chính cũng chính là người phụ nữ hạnh phúc và quyến rũ nhất.

Với góc nhìn của một người đàn ông, bạn đọc Eric ủng hộ phụ nữ cần đi làm kiếm tiền thay vì chỉ ở nhà nội trợ: “Tôi là nam, kinh tế gia đình có thể lo được hết. Nhưng tôi vẫn khuyến khích vợ đi làm vì các lý do sau:

1. Đi ra ngoài tốt cho vợ vì tinh thần thoải mái, tiếp xúc học hỏi được nhiều hơn. Dù tiền lương của vợ chỉ đủ tiền thuê người nấu ăn, chăm con.

2. Nâng cao giá trị của bản thân, người phụ nữ tự lập luôn có giá trị trong mắt mọi người, kể cả với chồng.

3. Công việc của chồng không phải lúc nào cũng ổn định, nhỡ một ngày đẹp trời chồng thất nghiệp, phát bệnh hoặc tai nạn… thì kinh tế, con cái, ai lo?

4. Vợ cầm tiền chồng nhiều khi muốn mua cái này, cái nọ mình thích cũng không dám, không tự tin dù chồng thoải mái thế nào đi nữa.

Thế nên dù gì phụ nữ cũng nên đi làm và phát triển bản thân”.

Phụ nữ muốn hạnh phúc thì đầu tiên phải có tiền, độc giả Luật sư Thỏa chia sẻ: “Theo tôi, cuộc đời không ai biết trước được những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Bây giờ chồng bạn làm ra tiền, lo được cho gia đình, nhưng bạn có chắc là mọi việc cứ êm xuôi như vậy mãi, hay một lúc nào đó có một biến cố xảy ra như chồng bạn thất nghiệp, lúc đó kinh tế gia đình sẽ do ai lo? Do vậy, theo tôi phụ nữ nên tự chủ về kinh tế. Khi bạn đã tự chủ về kinh tế thì sẽ tự chủ cuộc đời mình.

Có một vị khách nữ tìm đến nhờ tôi tư vấn về ly hôn, tôi hỏi lý do, vị khách trả lời là ‘chồng hay chửi mắng’. Tôi hỏi vị khách về nghề nghiệp của chồng, cô ấy nói rằng ‘chồng làm chủ garage ôtô”, trong khi bản thân cô ở nhà nội trợ. Tôi hỏi ‘vậy nếu ly hôn thì cô làm gì để kiếm sống?’, cô ấy trả lời là ‘nhờ mấy bà chị lo cho’. Tôi nói rằng ‘có thể họ lo cho cô được vài tháng hoặc vài năm, chứ không thể lo cho cả đời, vậy sau này khi họ không lo nữa thì cô làm gì để sống?’, vị khách im lặng.

Tôi khuyên cô gái rằng nếu muốn ly hôn thì về kiếm cho mình một công việc trước, ít nhất là công việc đó có thể mang lại nguồn thu nhập để tự nuôi sống bản thân (chưa nói đến lo cho con, cô ấy có hai người con). Khi có công việc, có thu nhập bảo đảm cho cuộc sống, hãy nghĩ đến chuyện ly hôn”.

Lê Phạm tổng hợp

>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *