Tránh mắc bẫy làm giàu siêu tốc

Rất khó để phân biệt được một doanh nhân có thiện chí với một tên lừa đảo.

“Sau bao nhiêu vụ rồi họ vẫn bị lừa. Báo đài tivi nói suốt ngày nhưng họ vẫn bị lừa”, “là do họ tham cả, tham thì thâm, không tham sao bị lừa?”, “người bị lừa đảo phải giàu có thực sự. Người giàu có thực sự họ rất thông minh và tỉnh táo, họ sẽ không bị lừa đâu”…

Đó là một số lý giải cho việc tại sao các chiêu “làm giàu siêu tốc” vẫn có thể lừa các nạn nhân, từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ trò này tới trò kia… gần như không có một điểm dừng và nó vẫn đang diễn ra khi tôi viết bài này.

Làm sao để không bị lừa? Tại sao mọi người lại liên tục bị lừa: Xã hội loài người được xây dựng dựa trên niềm tin. Bạn có thể thấy niềm tin ấy được thể hiện ở rất nhiều nơi trong các mặt của cuộc sống xã hội. Bản chất xã hội loài người được cấu tạo từ những cá nhân riêng lẻ có chung một niềm tin về nguồn gốc, niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng, niềm tin các quy tắc ứng xử, niềm tin về bảo vệ lẫn nhau, niềm tin hỗ trợ kinh tế, phân công lao đông…

Về cơ bản chúng ta có thể tin tưởng người khác. Nếu không có sự tin tưởng, bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để ra một quyết định nào đó. Con người chúng ta cũng có xu hướng cho rằng mình rất thông minh và thông thái, mình khó có thể bị lừa, các quyết định của mình là sáng suốt… đó cũng là lí do khiến bạn bị lừa.

Vì bạn sợ bị bỏ lỡ cơ hội. Khi không hành động có nghĩa là bạn đã không làm gì để nắm bắt cơ hội. Điều đó có nghĩa là bạn đã tuột cơ hội để chứng minh mình thông minh, sáng suốt. Do đó, bạn sẽ hành động và tin rằng minh thông minh, mình khác những người khác.

Làm sao ta có thể tránh việc bị mắc bẫy? Đầu tiên, cần cảnh giác thời điểm khi có người chào mời góp vốn, đầu tư. Tất cả các mô hình lừa đảo đều có chiến thuật giống nhau là có xu hướng bùng phát ở thời kì xã hội phát triển mạnh, vượt bậc nào đó. Xuyên suốt lịch sử có nhiều kẻ lừa đảo, bọn họ xuất hiện trong chiến tranh hay đại dịch, hay cùng vơi các điều mới mẻ, đáng sợ xuất hiện. Đó là khi những kẻ lừa đảo có thể xông đến và kể lại các câu chuyện mà bạn muốn tin, muốn nó trở thành sự thực.

Công nghệ đã khiến điều đó ngày càng dễ dàng hơn. Mỗi khi có một loạt công nghệ mới phát triển thì cũng kéo theo đó là các hình thức lừa đảo. Vì thế, khi bạn định tham gia vào một mô hình đầu tư mới, cần tìm hiểu rõ về cách sinh lời xem có khả thi không? Tôi từng gặp nhiều mô hình quảng cáo sinh lời nhờ blockchain, chỉ cần đăng ký tài khoản rồi để thiết bị tự “đào” tiền ảo, nghe rất hiện đại. Tuy nhiên, rõ ràng có sự vô lý khi chẳng cần làm gì mà vẫn sinh lời. Những mô hình kiểu đó, tôi tin rằng khả năng rất lớn là lừa đảo.

Đánh giá một cách cẩn thận người mà bạn định gửi gắm góp tiền, đầu tư. Nhưng làm cách nào để đánh giá người mà bạn chưa từng gặp? Thông thường, bạn sẽ dễ tin một ai đó theo số đông. Số đông khiến lòng tin quan trọng hơn, khiến cho việc lừa đảo trở nên khả thi hơn và cũng có khả năng gây hại hơn. Các hình thức quảng cáo ngày càng dễ dàng tiếp cận người dùng dễ dàng tạo niềm tin cho số đông. Chi phí để lừa đảo đã giảm mạnh khi internet xuất hiện. Việc quăng một mẻ lưới dễ dàng hơn nhiều. Trên mạng những kẻ lừa đảo này tận dụng đủ mọi mánh khóe mới như thư điện tử (thế nên mới có mục thư rác).

Mạng xã hội cho những kẻ lừa đảo tiếp cận với khách hàng một cách hoàn toàn mới. Rồi Amazon và nền tảng mua sắm thương mại điện tử khác xuất hiện, đám lừa đảo tìm ra mô hình huấn luyện mới như dạy bạn cách mua sản phẩm giá rẻ rồi bán chúng kiếm lời. Và khi mà tiền điện tử phổ biến hơn, các loại tiền mới có bản chất như mô hình Ponzi cũng sẽ nổi theo.

Bên cạnh việc tham khảo số đông, các bạn cần tìm nhiều nhất có thể thông tin của người mà bạn định đầu tư. Kiểm chứng các công ty, dự án mà họ từng làm trong quá khứ. Đừng tìm hiểu về công ty, dự án thông qua các kênh được giới thiệu. Hãy chủ động hỏi ở khắp nơi, các nguồn thông tin khác để có đánh giá khách quan.

Thật không may đôi khi bạn rất khó để phân biệt một doanh nhân tự tin và có một thiện chí với một kẻ vô lại. Vậy có kiểu người nào dễ bị lừa đảo cụ thể không? Có phải dễ lừa đảo là do trí thông minh không? Có phải do giáo dục không? Có phải do cả tin không?… Câu trả lời là không. Tất cả mọi người ai cũng có thể trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo nào đó.

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *