Trẻ không tiết kiệm, già trông cậy vào ai?

Mẹ tôi nuôi nổi đàn con, nhưng lúc về già chưa có đứa nào nuôi lại mẹ.

Một lần, tôi nhận được điện thoại của chị gái: “Dì gọi về cho mẹ đi” – “Có chuyện gì vậy ạ?” “Dì cứ điện về thì biết”. Tôi tò mò xen chút lo lắng. Khi mẹ bắt máy, cụ bảo đang truyền đạm ở trạm y tế.

Tôi nói: “Chiều con về”. Mẹ tôi ngăn: “Không phải về, mẹ chả đau ốm gì hết. Ngày mai mẹ đi du lịch với các cụ trong làng”. Chị gái tôi lại gọi, bảo hãy ngăn mẹ, đừng cho mẹ đi xa… Rồi một lần khác, khi mẹ định đi Tây Nguyên thăm cháu nội, chị cũng gọi giục tôi ngăn mẹ. Tôi bảo chị: “Chị ạ, hãy để cho mẹ được sống như mẹ muốn”.

Bà giáo già 78 tuổi, góa chồng đã bốn chục năm, ở vậy nuôi đàn con. Giờ vẫn chưa có đứa con nào nuôi được mẹ. Buổi sáng cụ tập dưỡng sinh, chiều đi bộ. Ngoài việc chăm ba con chó, dăm chục con gà lớn bé thì cụ còn hoạt động hội rất tích cực, thi văn nghệ phụ nữ, tham gia giải Thể dục đồng diễn dành cho người cao tuổi. Chạm ngõ U80 mà các chỉ số sức khỏe đều bình thường, riêng huyết áp hơi cao một chút. Cứ có tiền là cụ mua thuốc bổ, sữa non để dùng hàng ngày. Tôi thầm mong mỗi ngày của mẹ đều là một ngày vui.

Mẹ tôi có một nhược điểm là chi tiêu không kế hoạch, không biết lo xa. Có tiền là cụ tiêu sạch. Khi thì mua đồ cho con cháu. Lúc thì cho cháu nọ cháu kia tiền tiêu vặt. Rồi đi đám hiếu hỉ, bao giờ cụ cũng hào phóng hơn người. Thuốc bổ mua nhiều quá lại đem cho biếu các cụ trong xóm.

Ngày tuần, rằm, mẹ mua rất nhiều hoa quả để thắp hương rồi không ăn hết, đem cho hoặc để hỏng phải vứt đi. Nhiều lần các con góp ý là mẹ nên tiết kiệm, để có tiền phòng khi đau ốm, cụ lại giận dỗi. Rồi cụ vẫn thế, bản tính khó đổi.

Vừa rồi, sức khỏe của mẹ có dấu hiệu bất thường, cứ mỗi tháng sút một cân trong khi vẫn ăn ngủ tốt. Các con rất lo lắng. Lo cho sức khỏe của mẹ một phần, lo về tài chính là phần quan trọng.

>> ‘Tiền bạc là quyền lực duy nhất của cha mẹ Việt khi về già’

Nhà có bốn anh em, tôi là gái út nhưng kinh tế vững vàng nhất, dù chỉ là viên chức nhà nước. Các anh chị đều khó khăn do thất nghiệp và nợ nần. Nếu mẹ bệnh trọng, tôi không thể không đứng ra lo cho mẹ. Tôi mất ngủ vì lo lắng, trong lòng thầm trách mẹ không biết lo xa. Trước khi mẹ đi viện, tôi nói với mẹ rằng: “Mẹ đừng lo, Mẹ ốm đau thế nào con cũng lo cho mẹ. Con đã chuẩn bị sẵn mấy trăm triệu trong tài khoản rồi”. Mạnh miệng như thế nhưng lòng tôi rất bất an.

May mắn thay, mẹ tôi chỉ bị bệnh nhẹ. Bác sĩ kê thuốc uống trong một tháng. Cả nhà tôi thở phào, nhưng nhẹ lòng nhất có lẽ là tôi. Giờ sức khỏe của cụ đã ổn định.

Ai cũng nói “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, mỗi người một quan niệm sống, một cách quản lý tài chính, chi tiêu, ai cũng có một cuộc đời để sống. Dù tiền không phải là mục đích cuối cùng của cuộc sống nhưng chẳng thể nào yên tâm, chẳng bao giờ hạnh phúc nếu thiếu tiền.

Người có tỷ đô la vẫn đang miệt mài làm cho tiền sinh sôi nảy nở. Có người chỉ cần dăm tỷ để nghỉ hưu sớm. Người thì yên tâm với số tài sản 12 tỷ. Có người lại nói họ có 120 tỷ mà thấy chưa đủ để nghỉ hưu. Mỗi người mỗi khác. Nhưng chúng ta gặp nhau ở một điểm chung là ai cũng có cha già mẹ héo cần chăm sóc, con thơ cần nuôi dạy, cần nâng đỡ suốt cuộc đời. Ai rồi cũng già cả, đau ốm… Vậy thì biết trông cậy vào đâu nếu không tiết kiệm, không lo xa?

Càng lớn tuổi, nhu cầu vật chất của tôi lại giảm, nhu cầu tinh thần thì tăng lên. Và tôi không bao giờ mua sắm thứ xa xỉ vì nghĩ tới trách nhiệm làm con, làm cha mẹ và lo cho tuổi già của mình, không bao giờ được phép biến mình thành gánh nặng của con cháu.

Bích Trâm

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *