Trẻ nhàn hạ, trung niên sợ mất việc

‘Lúc trẻ chuộng việc nhàn hạ, bước vào tuổi trung niên dù cảm thấy công việc văn phòng nhàm chán nhưng lại không dám nghỉ’.

Bài viết Cú sốc thất nghiệp tuổi 40 của dân văn phòng nhận được nhiều quan tâm, độc giả có nickname Tiến sỹ Gàn bình luận: Với cô bạn 43 tuổi của tác giả, lỗi là do sức ỳ của bản thân, không chịu cố gắng từ sớm, cứ nhàn tản tháng lại ngày qua nên mới vậy.

Kế toán là một nghề đòi hỏi kinh nghiệp và cần va chạm nhiều tình huống, các đơn vị lớn kế toán trưởng đều là người có thâm niên cả. Giảm biên chế cô ấy là người đầu tiên, chứng tỏ vị trí, năng lực của cô ra sao rồi. Đi xin việc không cạnh tranh nổi mấy người trẻ.

43 tuổi vẫn còn năng động, vận động làm việc thoải mái. Mấy em trẻ hơn vào công ty đa phần làm mấy cái kế toán vặt kiểu lương, kho. Cứng nghề như chị bạn tôi năm nay 54, 55 tuổi, nhận làm sổ sách cho mấy công ty nhỏ vẫn sống khỏe.

Độc giả Pham Van Can chia sẻ: Tôi 44 tuổi có một công ty du lịch nhỏ chuyên làm tour cho khách nước ngoài được xấp xỉ 20 năm rồi. Dịch Covid-19 ập đến và kéo quá dài nên tôi phải tính tới việc giải thể công ty và tìm kế sinh nhai khác.

Ở cái tuổi này nghỉ ngơi thì còn quá sớm, tiếp tục kinh doanh thì chưa biết làm gì, xin việc làm nhân viên lĩnh vực khác thì e là rất khó và không phù hợp. Vậy nên tôi đành dành thời gian học thêm việc phục vụ marketing online và dự định mở một shop bán hàng online trong thời gian tới.

Quả thực tôi thấy khá là bơ vơ trong thời gian này. Với những người trên 40 tuổi, làm nhân viên văn phòng nhiều năm giờ thất nghiệp thì đúng là rất hụt hẫng và khó có hướng đi tiếp.

Độc giả Viet Bui Tuan: Hồi mới ra trường tôi cũng nghĩ sẽ làm ở một cơ quan hay công ty nào đó cho đến già rồi nghỉ hưu như bố mẹ mình. Ấy vậy mà ra trường cứ 6-7 năm hay 2-3 năm lại chuyển công ty một lần.

Có những công ty làm việc khá căng thẳng và nghĩ lúc nghỉ sẽ học thêm được. Tuy nhiên kiến thức và học tập lại là trong khoảng thời gian đi làm lại nhiều hơn. Làm sao để chuyển đổi công việc bắt kịp với thời đại thì mới yên tâm sống đến già được hoặc không thì phải có kinh tế ổn định để tự phát triển.

Độc giả Tạ Đình Phong: Cái gì cũng có hai mặt, thất nghiệp cũng là một lợi thế, chủ yếu là do mọi người mất bình tĩnh, hoang mang. Bạn cứ hình dung nếu không có biến động gì bạn sẽ làm công việc văn phòng cả một cuộc đời cho dù công việc đó có thể cho bạn sự tiện lợi như nắng mưa không đến đầu, lĩnh lương đều đều hàng tháng.

Nhưng đến năm hơn 50 tuổi bạn vẫn phải làm báo cáo, vẫn phải làm hài lòng cấp trên, thái độ luôn phải khúm núm, vẫn tâm thế của người làm công ăn lương nơm nớp lo mất việc, cứ thế đến lúc về hưu cuộc đời sẽ thật sự nhàm chán, rồi đến lúc cầm quyết định về hưu lại một lần nữa hẫng hụt vì không còn được đi làm nữa.

Thất nghiệp ở độ tuổi giữa chừng thế này tuy là một khó khăn, lo lắng, nhưng nếu biết tận dụng để biến nó thành lợi thế bạn sẽ có một kết thúc khác. Chính điều này sẽ mở ra cho bạn một sự thay đổi. Thời gian là của bạn, chỉ cần bạn biết phải làm gì thì chắc chắn một điều rằng đến năm 60 tuổi nếu thích bạn vẫn có thể tiếp tục làm việc, không phải hẫng hụt vì không được đi làm nữa.

Làm chủ thời gian của mình cộng với quyết tâm thì chắc chắn bạn sẽ không có một cuộc đời đi làm văn phòng nhàm chán.

Hữu Nghị tổng hợp

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *