Trọng tài quá mạnh tay khi thổi phạt penalty Việt Nam?

‘Xét về lý, trọng tài thổi phạt Duy Mạnh là đúng luật FIFA, nhưng công bằng mà nói, đây không phải là pha bóng cố tình dùng tay chơi bóng’.

“Tôi xem đi xem lại tình huống Duy Mạnh để bóng chạm tay và vẫn phải thừa nhận rằng:

1. Duy Mạnh đã cố ý dùng tay để phình to cơ thể một cách bất thường khi xoạc bóng.

2. Duy Mạnh xoạc bóng tình huống đó là hoàn toàn chủ động (xoạc cản phá bóng). Do đó, cầu thủ này hoàn toàn có thể chủ động khép tay lại trước khi xoạc bóng hoặc ngay thời điểm xoạc bóng nhưng đã không làm. Vì vậy, rất khó để đặt Duy Mạnh vào tình huống bất khả kháng, vô tình ở vị trí như vậy.

Với lỗi dùng tay chơi bóng trong vòng cấm, việc Duy Mạnh bị phạt thẻ cũng là chuyện bình thường. Dù là fan Việt nhưng tôi vẫn phải thẳng thắn nhìn nhận như vậy. Chúng ta hãy là người yêu bóng đá chân chính, có cái nhìn công tâm thì người ta mới nể phục”.

Đó là quan điểm của độc giả Lưu Tuấn Long về quả phạt đền gây tranh cãi mà đội tuyển Việt Nam phải nhận trong trận thua 1-3 trước chủ nhà Saudi Arabia. Phút 50, tiền vệ Al-Ghanam băng xuống từ cánh phải trước khi chuyền ngang loại bỏ thủ môn Tấn Trường để Al-Faraj dứt điểm. Duy Mạnh liền lao đến, nhoài người che chắn cú sút của thủ quân Saudi Arabia. Bóng đập đùi trước khi bật lên tay của anh. Trọng tài sau đó kiểm tra qua màn hình VAR rồi quyết định thổi phạt đền Việt Nam cùng thẻ vàng thứ hai cho Duy Mạnh.

Tình huống Duy Mạnh để bóng chạm tay dẫn đến quả penalty gây tranh cãi.

Đồng tình với quan điểm này, bạn đọc Camaptapboi273 nhận định: “Thật sự tôi cũng rất buồn với quyết định này, nhưng tình huống thổi phạt đó là một quyết định chính xác, chúng ta phải thừa nhận. Sẽ có người nói răng đó là pha bóng vô ý, nhưng cầu thủ chuyên nghiệp nào cũng được đào tạo phải khép tay sát người để che chắn cơ thể và hạn chế vung tay cản bóng. Việc trọng tài nhìn nhận đây là một pha vung tay của Duy Mạnh là không có gì khó hiểu. Vấn đề là sẽ có trọng tài bỏ qua còn trọng tài khác sẽ bắt lỗi, chúng ta phải chấp nhận.

Trong luật mới, dù cầu thủ vô tình dùng tay cản bóng cũng sẽ bị thổi phạt chứ không phải cứ cố tình để bóng chạm tay mới là lỗi. Và luật cũng quy định, nếu cầu thủ vô tình để bóng chạm tay, cản đường cú sút có khả năng dẫn đến bàn thắng thì phải nhận thẻ vàng, nếu cố tình sẽ phải nhận thẻ đỏ. Là cầu thủ chuyên nghiệp, không thể bào chữa cho việc vung tay khi truy cản bóng”.

Đó cũng là ý kiến của độc giả Ntpc021194: “Thứ nhất, dù bóng có đập vào cơ thể nhưng cầu thủ để tay dơ quá cao, cũng là lỗi cố ý, vì bóng có thể bật vào lưới. Thứ hai, chẳng có luật nào cho phép cầu thủ nằm cản bóng nhưng không khép tay. Thông thường, các cầu thủ chỉ tranh cãi khi bật lên tranh chấp và vô tình bị bóng đập vào tay thôi. Thứ ba, trong tình huống đó, thủ môn đã ra ngoài nên góc sút quá rộng, việc truy cản một tình huống ăn bàn mười mươi như vậy không có gì phải bàn cãi”.

>> Cầu thủ Việt cãi trọng tài

Ông Dương Văn Hiền, trưởng ban trọng tài VFF, cũng cho rằng, trọng tài đã căn cứ đúng luật khi phạt thẻ vàng Đỗ Duy Mạnh và cho Saudi Arabia hưởng phạt đền ở vòng loại World Cup 2022. Theo đó, “cơ thể Duy Mạnh đã phình to bất thường để ngăn cản bóng nên theo luật là phạt đền“.

Trong khi đó, bạn đọc Phm Bình Phương lại có quan điểm trái chiều về tình huống Duy Mạnh bị thổi phạt đền: “Tình huống phạt thẻ Duy Mạnh và thổi phạt đền của trọng t là cứng nhắc, vì:

– Đây là tình huống nhanh và lực sút bóng rất căng, phản xạ bình thường của hậu vệ là lao vào lăn xả để cản phá. Không ai trong pha bóng đó có đủ thời gian nghĩ đến việc khép tay lại để có thể tránh nguy cơ bị chạm bóng được. Không ai khống chế cánh tay bất động vẫn có thể chạy nhanh được, mà phải để nó ở trạng thái tự nhiên hoặc vung tay ngược pha với chân để giữ thăng bằng như Duy Mạnh.

– Bóng sút căng, đập vào thân mình rồi mới bật lên tay Duy Mạnh theo hướng thẳng đứng nên không gây nguy cơ trực tiếp mang lại bàn thắng cho đội khách. Giả sử bóng đập chân cầu thủ chuyển hướng bay về phía khung thành mà bị tay cản lại thì mới rõ ràng là phạm lỗi”.

Nhìn nhận tình huống trên cả hai phương diện về lý và về tình, độc giả Thichminhbach cho rằng: “Tình huống thổi phạt đền xét về lý thì hoàn toàn đúng luật FIFA. Nhưng trọng tài cũng cần phải xem lại vì đó là phản xạ tự nhiên của Duy Mạnh, hoàn toàn không cố ý. Tình huống của Duy Mạnh còn dễ chấp nhận hơn nhiều tình huống bóng dính vào tay của đội trưởng Chiellini của tuyển Italy trong trận chung kết Euro với tuyển Anh. Tức là trọng tài có quyền thổi phạt, nhưng hoàn toàn có thể bỏ qua”.

Bạn đọc Le Duc Toan bổ sung thêm: “Tối qua, cũng thuộc vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Âu, trận Thụy Điển gặp Tây Ban Nha cũng có một tình huống tương tự. Phút 50, khi Eric Gacia của Tây Ban Nha nhoài người cản quả tạt của đối phương, bóng cũng chạm tay anh này những hai lần và đi hết đường biên ngang. Tuy nhiên trọng tài Anthony Taylor không hề xem VAR mà chỉ cho Thụy Điển hưởng phạt góc. Như vậy, cùng một lỗi như Duy Mạnh, ngã xuống mới để bóng chạm tay, nhưng chúng ta có thể thấy hai cách xử lý rất khác nhau của các trọng tài”.

Cùng chung quan điểm, độc giả Tan Phan Van phân tích: “Tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng pha bóng Duy Mạnh để bóng chạm tay là cố ý, vì:

1. Bóng đã đạp vào cơ thể Duy Mạnh, đổi hướng trước khi chạm vào tay.

2. Duy Mạnh trong tư thế nhoài người để ngăn chặn cú sút nên tay không thể để sát người được.

3. Quan sát của mọi người đều thấy, Duy Mạnh 100% không cố ý trong tình huống này, và thậm chí vẫn còn một hậu vệ tuyển Việt Nam đứng ở dưới để cản bóng, như vậy trọng tài thổi phạt là không hợp lý”.

Việt Thành tổng hợp

>> Bạn có đồng tình với quyết định thổi phạt penalty này của trọng tài? Gửi bàitại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *